Đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết Tiếng Việt có thể thi lấy giấy phép lái xe

Đó là trả lời của Bộ Giao thông Vận tải về kiến nghị của cử tri huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) về việc ban hành chương trình riêng dành cho người không biết chữ tham gia học và thi lấy Giấy phép lái xe mô tô. Vì hiện nay, ở một số xã vùng sâu, vùng xa thuộc các huyện miền núi có nhiều người không biết chữ, sử dụng thành thạo xe mô tô nhưng chưa có giấy phép lái xe.

Vế kiến nghị ngày, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản số 1600/BGTVT- ATGT ngày 26/02/2020 trả lời như sau:

Theo quy định tại Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008, điều kiện của người lái xe tham gia giao thông là phải có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Tuy nhiên, hiện nay đang tồn tại tình trạng nhiều đồng bào dân tộc thiểu số tại một số xã, huyện miền núi vùng sâu, vùng xa có nhu cầu sử dụng xe mô tô nhưng không biết chữ nên chưa có giấy phép lái xe mô tô theo quy định của Luật Giao thông đường bộ đúng như ý kiến phản ánh của cử tri đã nêu trên.

Đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa không biết đọc, viết Tiếng Việt vẫn có thể thi lấy giấy phép lái xe. Ảnh: Tư liệu minh họa

Đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa không biết đọc, viết Tiếng Việt vẫn có thể thi lấy giấy phép lái xe. Ảnh: Tư liệu minh họa

Để tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số không biết chữ được điều khiển xe mô tô theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, trong những năm vừa qua Bộ GTVT đã xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong đó đã chú ý đưa ra các quy định liên quan tới việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe đối với một số trường hợp đặc thù, bao gồm cả trường hợp đồng bào dân tộc thiểu số không biết chữ, cụ thể:

- Về đối tượng được tham gia đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe:

Tại khoản 4 Điều 43 Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/4/2017 của Bộ trưởng Bộ GTVT về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ (được sửa đổi bổ sung theo quy định tại Khoản 25 Điều 1 Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT ngày 08/10/2019 của Bộ trưởng Bộ GTVT) đã quy định như sau: “Đào tạo lái xe mô tô hạng A1, hạng A4 đối với đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt: Sở Giao thông vận tải xây dựng, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành hình thức đào tạo phù hợp điều kiện thực tế của địa phương.

- Về trách nhiệm của các cơ quan chức năng:

Tại Khoản 4 Điều 44 Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/4/2017 của Bộ trương Bộ GTVT về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ (được sửa đổi bổ sung theo quy định tại Khoản 26 Điều 1 Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT ngày 08/10/2019 của Bộ trưởng Bộ GTVT) đã quy định như sau:

“Sát hạch để cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1 cho đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt do Sở Giao thông vận tải căn cứ nội dung và quy trình sát hạch đã được ban hành, xây dựng nội dung và phương án tổ chức sát hạch phù hợp, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định”.

- Về hồ sơ của người học lái xe đối với đồng bào dân tộc thiểu số không biết chữ:

Tại Khoản 3 Điều 9 Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT ngày 15/4/2017 cua Bộ trưởng Bộ GTVT về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ (được sửa đổi bổ sung theo quy định tại Khoản 6 Điều 1 Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT ngày 08/10/2019 của Bộ trưởng Bộ GTVT) đã quy định như sau:

“Người đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt học lái xe mô tô hạng A1 lập 01 bộ hồ sơ, nộp trực tiếp tại cơ sở đào tạo. Hồ sơ bao gồm:

a) Giấy tờ quy định tại Khoản 1 điều này:

b) Giấy xác nhận của ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú, xác nhận là người đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt theo mẫu quy định tại Phụ lục 24 ban hành kèm theo Thông tư này: giấy xác nhận có giá trị 01 năm kể từ ngày ký xác nhận; cá nhân ký tên hoặc điểm chỉ vào giấy xác nhận”.

Một số đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa sử dụng thành thạo mô tô nhưng chưa có giấy phép lái xe. Ảnh: Minh họa

Như vậy giáo trình đào tạo giấy phép lái xe hạng A1 được sử dụng chung cho cả người biết chữ và không biết chữ. Tuy nhiên về hình thức đào tạo, nội dung và phương án tổ chức sát hạch, để cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1 cho đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt đã được phân cấp cho các Sở Giao thông vận tải xây dựng, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phù hợp điều kiện thực tế địa phương.

Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện đã có khoảng 20 tỉnh, thành phố đã xây dựng và ban hành hình thức đào tạo lái xe mô tô hạng A1 đối với đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt, trên cơ sở giáo trình chung về đào tạo người lái xe mô tô do Tổng cục Đường bộ Việt Nam ban hành và căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương.

Quyết định số 63/2013/QB-NĐ ngày 12/12/2013 của UBND tỉnh Nghệ An về việc ban hành Quy định về tổ chức đào tạo, sát hạch lái xe mô tô hai bánh hạng A1 đối với người là đồng bào dân tộc có trình độ văn hóa quá thấp trên địa bàn tỉnh Nghệ An nêu rõ: "Nếu người dự thi không biết đọc, không biết viết thì có thể nhờ người khác viết đơn và người tham gia học, thi cấp GPLX điểm chỉ. Đơn có dán ảnh và được đóng dấu giáp lai của UBND xã, phường, thị trấn nơi người dự thi cư trú....”

Gia Huy

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/dong-bao-dan-toc-thieu-so-khong-biet-doc-viet-tieng-viet-co-the-thi-lay-giay-phep-lai-xe-265116.html