Đồng bằng sông Cửu Long: Tái mặt với nạn sạt lở trái mùa

Chỉ chưa đầy 1 tuần lễ, lần lượt Đồng Tháp rồi An Giang cùng ban bố nóng về sạt lở bờ sông, sau khi liên tiếp hứng chịu nạn sạt lở nghiêm trọng bờ sông Tiền và sông Hậu. Điều được xem là rất đáng lo, bởi đây là thời điểm 'trái mùa' của sạt lở.

Hình ảnh mới nhất tại điểm sạt lở bờ sông Hậu tại xã Mỹ Hội Đông. (Ảnh: L.T)

Hình ảnh mới nhất tại điểm sạt lở bờ sông Hậu tại xã Mỹ Hội Đông. (Ảnh: L.T)

Dồn dập và tấp nập

Chúng tôi có mặt tại ấp Mỹ Hội (Mỹ Hội Đông – Chợ Mới – An Giang) ngay sau khi bờ sông Hậu vừa trải qua cơn sạt lở kinh hoàng vào hồi 9h20 ngày 22.4 làm 16 căn nhà đổ ụp xuống sông mất dạng trong tích tắc. Mờ sáng, nhưng lực lượng bảo vệ đã túc trực tại chốt kiểm soát và nghiêm ngặt kiểm tra việc ra vào... Tất cả như cho thấy, sạt lở vẫn như vẫn đang trên đỉnh cao nguy cơ.

Nhiều vết đất ven điểm sạt lở chuẩn bị lở. (Ảnh: L.T)

Trao đổi tại hiện trường, ông Trương Trung Lập – Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới – cho biết, sau một đêm xảy ra sạt lở nghiêm trọng, tại hiện trường vẫn đang tiếp tục sạt lở nhỏ và xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy đang có chiều hướng gia tăng”. Theo ông Lập, sạt lở đã lan rộng phạm vi, nguy cơ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đưa tổng số hộ cần di dời khẩn cấp lên con số trên 100.

Trong lúc chúng tôi trò chuyện, thỉnh thoảng từng vạt đất nhỏ rơi tỏm xuống, như cho thấy sạt lở vẫn đang ẩn mình như ngọn khói nhỏ chờ cơ hội bùng phát thành đám cháy lớn. Thật là một thực trạng đáng lo và tất cả mọi người như bị đẩy lên đỉnh điểm của nỗi lo lắng khi có nguồn tin “cấp báo”: Ở huyện đầu nguồn An Phú cũng đang sạt lở lớn. Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Hùng Dũng - Phó Giám đốc Sở TNMT An Giang - xác nhận: Có sạt lở trên bờ sông Bình Di đoạn đi qua xã Nhơn Hội (huyện An Phú). Tuy chưa có số liệu cụ thể vì đang chờ bộ phận đo đạc, quan trắc..., nhưng thông tin ban đầu cho thấy, sạt lở ăn sâu vào bờ trên 2m, kéo dài hàng chục mét, làm đứt hoàn toàn đường giao thông nông thôn.

Thật ra An Giang không phải là trường hợp cá biệt. Trước đó, nạn sạt lở bờ sông Tiền ở Đồng Tháp cũng bùng phát đến mức lãnh đạo tỉnh này có công văn “hỏa tốc” báo động đến địa phương. Cụ thể ngày 20.4, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương có công điện khẩn đến UBND huyện Thanh Bình, Văn phòng BCĐ Ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh về tình hình sạt lở bờ sông Tiền, nhất là khu vực xã Bình Thành với chiều dài hơn 150m, ăn sâu vào đất liền từ 10 đến 20m, đe dọa tuyến QL30...

Không chỉ tê liệt giao thông...

Sạt lở dồn dập, tấp nập những ngày qua không chỉ làm tê liệt một đoạn đường liên xã từ Mỹ Hội Đông đi Nhơn Mỹ (huyện Chợ Mới) và đường nông thôn xã Nhơn Hội (huyện An Phú- An Giang) mà còn đẩy cả QL 30 (Đồng Tháp) vào nguy cơ bị đứt đoạn. Đó là nỗi lo không nhỏ, vì cần có tiền của và thời gian mới có thể hàn gắn, làm mới... Nhưng đáng lo hơn là đời sống và sự ổn định của những người dân mất đi tài sản đời người.

Phía giữa sông của điểm sạt lở nghiêm trọng là hình ảnh sà lan chở cát được khai thác ngay trên đoạn sông này. (Ảnh: L.T)

Ông Nguyễn Văn Nhợt, vò mái đầu bạc trắng rồi buông tiếng thở dài: “Quần quật cả đời mới cất được căn nhà, vậy mà chỉ trong tích tắc, nó chìm xuống sông mất dạng”. Nhiều hàng xóm của ông Nhợt bị mất nhà tiền tỷ, thậm chí nhiều tỷ đồng... Tuy nhiên, điều đáng lo hơn là câu chuyện ổn định cuộc sống sau cơn “địa chấn” này.

Vừa trở về từ TP. Biên Hòa (Đồng Nai) sau khi được gia đình báo hung tin, anh Huỳnh Văn Ngoan – như người mất hồn, bởi đó không chỉ là nỗi buồn mất hoàn toàn căn nhà “gia bảo”, mà còn bởi anh đang giằng xé bởi nhiều nỗi lo khác cho cuộc sống gia đình 5 miệng ăn. Cuộc sống tại chỗ khó khăn, anh Ngoan lên Biên Hòa làm công nhân cho Cty Hyosung, còn vợ làm công nhật cho cơ sở gạch ngói gần nhà với thu nhập không ổn định. Vì vậy, khả năng để cất mới ngôi nhà là không hề đơn giản, nhất là trong bối cảnh hiện nay các khu dân cư trên địa bàn xã đã hết nền để bố trí. Dù theo chỉ đạo của đoàn công tác tỉnh do Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân dẫn đầu về Mỹ Hội Đông làm việc, sẽ làm nhanh nhất để mở khu dân cư mới bố trí bà con vào, nhưng điều này cũng đồng nghĩa phải chờ vì còn phải thông qua các thủ tục...

Điểm trường Tiểu học A Mỹ Hội Đông nơi có gần 1.000 học sinh theo học cũng nằm trong vùng nguy cơ cao. (Ảnh: L.T)

Chuyện người lớn là vậy, chuyện trẻ em trong vùng sạt lở cũng không kém lo toan khi gần 1.000 học sinh phải nghỉ học “bất đắc dĩ” vào thời điểm cận thi cuối niên học. Sạt lở đang “bao vây” trường Tiểu học “A” Mỹ Hội Đông – nơi có 916 học sinh theo học 5 khối lớp. “Với diễn biến phức tạp hiện nay, chúng tôi cương quyết “đóng cửa trường” để đảm bảo an toàn tính mạng cho các em học sinh. Còn cụ thể nghỉ, học bù, thi bù thế nào, chúng tôi đã giao cho Phòng GDĐT nghiên cứu đề xuất...”, ông Lập cho biết.

Đừng đánh rắn đàng đuôi

Trong báo cáo nhanh về tình hình sạt lở ở xã Mỹ Hội Đông, Sở TNMT An Giang nhận định, nguyên nhân chủ yếu là do tại vị trí sạt lở xuất hiện 1 hố xoáy sâu với chiều dài 380m, chiều ngang 120m, độ sâu (âm) - 42m. Nhưng cũng như nhiều đề xuất thường thấy trước đó, báo cáo này nhấn mạnh đến giải pháp: Đề nghị địa phương quy hoạch lại, di dời và bố trí dân cư, đường giao thông, hạ tầng thích hợp...

Trong khi đó theo nhiều nhà chuyên môn, cái cốt lõi của vấn đề thì dường như chưa được quan tâm xử lý dứt điểm. Đó là câu chuyện vì sao có hố xoáy. Có người cho đó là chuyện bình thường của quy luật: “Sông sâu, bên lở, bên bồi”. Nhưng cũng có ý kiến cho là do tác động của con người, mà đậm nét nhất là chuyện khai thác cát. Tuy nhiên, cả hai ý kiến này đều chưa thuyết phục được nhau.

Vì sao có hiện tượng lạ này? Trao đổi với chúng tôi, T.S Dương Văn Ni, chuyên gia tài nguyên môi trường (ĐH Cần Thơ) cho rằng, đành rằng lở - bồi là chuyện của quy luật của tự nhiên, nhưng quá trình này không diễn ra một cách tấp nập, dồn dập và “trái mùa” như hiện nay. Vì thế không thể loại trừ khả năng tác động của con người, trong đó có khai thác cát.

Theo T.S Ni, để có kết luận, thuyết phục khoa học, cần có khảo sát, đánh giá vừa mang tính tổng quan, vừa mang tính cụ thể. “Cái thiếu sót lớn nhất của chúng ta trong tranh luận về nguyên nhân của sạt lở bờ sông, biển thời gian qua là thiếu thông tin nền đầy đủ, nên sau tranh luận là ai về nhà ấy. Còn sạt lở thì vẫn cứ diễn ra”- TS Ni tỏ vẻ tiếc nuối: “Nếu chưa tìm ra nguyên nhân chính, chúng ta sẽ dễ dàng rơi vào tình trạng trái khoái mà các cụ đã đúc kết: Đánh rắn đàng đuôi”.

“Xin đừng đánh rắn đàng đuôi”, xin gởi thông điệp này đến người có chức năng suy nghĩ để sớm đưa ra giải pháp ngăn chặn vấn nạn sạt lở “trái mùa”.

Lục Tùng

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/dong-bang-song-cuu-long-tai-mat-voi-nan-sat-lo-trai-mua-658448.bld