Đồng bằng sông Cửu Long: Làm sao phát triển giao thông thủy?

Đồng bằng sông Cửu Long có tiềm năng phát triển vận tải thủy nội địa tính kinh tế cao, an toàn, ít ô nhiễm, nhưng những khó khăn thời gian qua đang hạn chế thế mạnh vốn có này. Làm sao phát triển xứng tầm đang là câu hỏi đặt ra đối với các bộ ngành, đặc biệt là các địa phương…

Chợ nổi trên sông Tiền (Mỹ Tho)

Chưa phát huy được lợi thế

Thời gian qua, mạng giao thông thủy nội địa ở khu vực ĐBSCL được hình thành trên cơ sở các sông tự nhiên thuộc hệ thống sông Đồng Nai, Cửu Long và các kênh rạch ngang. Hiện có hơn 13.000km sử dụng được cho vận tải, trong đó khoảng 7.000km được đưa vào cấp quản lý. Các tuyến chính gồm 4 trục dọc nối Đông-Tây Nam bộ, 3 trục ngang và các tuyến tránh. Toàn vùng có gần 230.000 phương tiện thủy nội địa được đăng ký, chủng loại phong phú... Hàng hóa được vận tải bằng đường thủy vẫn là chủ yếu. Hàng năm, lượng hàng hóa vận chuyển phương tiện thủy nội địa qua khu vực ĐBSCL đạt 51,5 triệu tấn, chiếm 30% cả nước; chủ yếu là lúa gạo, phân bón, vật liệu xây dựng, mía đường...

Mặc dù mạng lưới giao thông thủy nội địa khá dày đặc, là thế mạnh của vùng ĐBSCL, nhưng thời gian qua vẫn chưa phát huy được lợi thế này. Vụ Vận tải Bộ GTVT đã chỉ ra một số hạn chế như: không đồng cấp, nhất là về độ sâu, một số cầu cũ có chiều rộng khoan thông thuyền, tĩnh không hạn chế. Hạn chế nhất hiện nay đối với các trục dọc là đoạn kênh yết hầu Chợ Gạo nối TPHCM với sông Tiền dài khoảng 27,2km. Mặc dù đã cải tạo nâng cấp nhưng vẫn không đáp ứng được mật độ cỡ loại phương tiện đi lại lớn 346.000 lượt/năm. Mặc dù có 2510 cảng, bến thủy nội địa nhưng trang thiết bị bốp xếp hàng hóa chưa được hiện đại hóa, chưa đồng bộ, kể cả đối với cảng bốp xếp container. Phần lớn các bến còn bốc xếp thủ công. Từ đó dẫn đến việc giao hàng rất chậm, ảnh hưởng không nhỏ đến giao thương...

Về hàng không, 4 cảng hàng không quốc tế và nội địa (Cần Thơ, Cà Mau, Phú Quốc, Rạch Giá) nhưng phát huy tác dụng thúc đẩy kinh tế chưa cao. Còn đường biển, mặc dù các cảng đều có khu hàng, bãi hàng nhưng quy mô không lớn, mới chủ yếu tập trung đáp ứng được nhu cầu của vùng.

Thời gian qua, việc kết nối giữa giao thông thủy và bộ chưa phát triển, một phần do cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, các hoạt động trung chuyển giữa 2 loại hình giao thông này chưa thuận lợi, chưa đáp ứng được các hình thức vận tải đa phương thức.

Thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức về vận tải thủy nội địa

Tại hội nghị Nâng cao hiệu quả vận tải thủy nội địa và kết nối các phương thức vận tải khu vực ĐBSCL mới diễn ra, Thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhận định: Khi vận tải thủy nội địa được đầu tư phát triển đúng mức, sẽ giúp hạ giá thành vận chuyển, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước ngoài nước, điều này gắn liền với việc tăng thu nhập bà con nông dân ĐBSCL.

Để nâng cao hiệu quả vận tải thủy nội địa và kết nối các phương thức vận tải vùng ĐBSCL, ông Nguyễn Phong Quang, Phó trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ đề xuất: Bộ GTVT rà soát lại quy hoạch về vận tải thủy nội địa của vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, phù hợp với mục tiêu phát triển theo nghị quyết 11 của Thủ tướng Chính phủ; Ưu tiên nguồn vốn để thực hiện các dự án vận tải thủy nội địa đã được triển khai thời gian qua nhằm sớm đưa vào khai thác hiệu quả; Quy hoạch cần gắn vấn đề liên kết các địa phương trong vùng, của các vùng trong khu vực nhằm phát huy cao nhất tìm năng lợi thế…

Cũng tại hội nghị, nhiều đại biểu đồng tình với việc cần có chính sách đào tạo, khuyến khích, thu hút nguồn nhân lực cho ngành trong khu vực, sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, tạo điều kiện thông thoáng cho hoạt động vận tải thủy nội địa; Tăng mức đầu tư để cải tạo, nâng cấp cơ bản về cơ sở hạ tầng đồng bộ về luồng tuyến, trang thiết bị, phương tiện quản lý; Xây dựng cầu đường bộ mới có khẩu độ khoan thông thuyền và tỉnh không phù hợp tiêu chuẩn thay thế các cầu cũ; Nghiên cứu, đề xuất loại hình phương tiện vận tải container bằng đường thủy nội địa hợp lý, hiệu quả, đồng bộ với phương án quy hoạch các cảng thủy nội địa; Mở rộng, phát triển mô hình vận tải sông pha biển và hoạt động tuyến ven biển; phát triển logistic...

Sau khi có chuyến thị sát về hệ thống giao thông thủy nội địa khu vực ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đánh giá: Tiềm năng phát triển vận tải thủy nội địa ở ĐBSCL cực kỳ lớn, nhưng thực tế hoạt động trên lĩnh vực này còn yếu kém vì chưa được quan tâm đúng mức. Trách nhiệm lớn là Bộ GTVT, nhất là Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, kế đến là các địa phương. Bộ trưởng nhấn mạnh với các địa phương: nhất thiết phải thay đổi, đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, vai trò của phát triển vận tải thủy nội địa. Các địa phương cần sớm hoàn thiện chiến lược, quy hoạch, thể chế chính sách, tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp, giảm chi phí, thúc đẩy môi trường cạnh tranh lành mạnh. Chỉ có như vậy vận tải thủy nội địa ĐBSCL mới phát triển.

Quốc Trung

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=86413&menu=1372&style=1