Đồng bằng sông Cửu Long: Làm mới môi trường đầu tư

Các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang có sự chuyển động tích cực nhằm tăng thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Trong 5 tháng đầu năm 2019, toàn vùng ĐBSCL có thêm 3.100 DN thành lập mới, vốn đăng ký 30.500 tỷ đồng (tăng 1,5% về số DN và 3,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước). Cùng với đó, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 5 tháng cũng có nhiều tích cực khi có 9/13 địa phương thu hút thêm 56 dự án, tổng vốn đăng ký trên 667,47 triệu USD. Đến nay, toàn vùng có khoảng 1.579 dự án FDI còn hiệu lực, vốn đăng ký trên 22,19 tỷ USD.

Tỷ lệ lấp đầy của các KCN ĐBSCL khá cao

Tỷ lệ lấp đầy của các KCN ĐBSCL khá cao

Với kết quả này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, vùng ĐBSCL còn nhiều dư địa để tăng thu hút đầu tư. Để phát huy thế mạnh của vùng cần phải quy hoạch theo hướng thúc đẩy các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng cơ cấu ngành dịch vụ, công nghiệp, giảm dần ngành nông nghiệp.

Trả lời chất vấn trước kỳ họp Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, ĐBSCL đang có nhiều tiềm năng như: Xuất khẩu gạo, trái cây, thủy sản với khối lượng lớn. Nhưng để phát triển khu vực này, rất cần một cảng biển nước sâu, đồng thời có hệ thống giao thông kết nối đồng bộ; tạo điều kiện cho vùng thu hút thêm nhiều dự án đầu tư trong thời gian tới.

Thực tế, thời gian qua, các tỉnh, thành phố ĐBSCL đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư. Dựa vào kết quả PCI 2018, ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ - khẳng định, ĐBSCL tiếp tục là vùng được đánh giá cao nhất trong 6 vùng kinh tế của cả nước, trong đó có 3 địa phương nằm trong Top 5. Thay đổi ấn tượng của ĐBSCL là các tiêu chí như tiếp cận đất đai, chí phí thời gian được cải thiện vượt bậc; cạnh tranh bình đẳng và không có sự phân biệt trong điều hành kinh tế. Đào tạo lao động lần đầu có Cần Thơ vào Top 15 cả nước, 4 tỉnh thoát khỏi nhóm 15 tỉnh xếp cuối, chỉ còn 8 tỉnh nằm trong top các tỉnh thấp nhất.

Sự năng động, thay đổi, cải cách môi trường đầu tư đang tạo ra một thông điệp: ĐBSCL sẽ là nơi mong muốn cải cách môi trường kinh doanh tốt nhất. Thực tế cả nước đã biết đến nhiều cách làm mới từ ĐBSCL như chương trình “Cà phê doanh nhân” của Đồng Tháp, tiếp DN trong ngày đầu tuần của Cần Thơ, “Đối thoại DN thường kỳ” tại Sóc Trăng, hay An Giang đang có kế hoạch “Cà phê doanh nhân” ở cấp huyện...

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI - Giám đốc Dự án PCI, với các xu hướng tích cực qua thời gian, ĐBSCL đang tiếp tục giải quyết những vấn đề làm sao để phát triển DN, kiến tạo môi trường kinh doanh một cách tốt nhất, trong đó cải cách thủ tục như một nhiệm vụ trọng tâm.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khởi động xây dựng Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021- 2030 và tầm nhìn 2050 theo cách tiếp cận mới để đưa ĐBSCL phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế.

Thanh Thanh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dong-bang-song-cuu-long-lam-moi-moi-truong-dau-tu-121836.html