Đồng bằng sông Cửu Long không còn là vùng trũng

Sau 9 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, từ vùng trũng văn hóa và giáo dục, ĐBSCL đã chuyển mình ngoạn mục

Sáng 14-9, hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) vùng Đông Nam Bộ (ĐNB) và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được tổ chức tại tỉnh Bạc Liêu, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Đây là dịp đánh giá kết quả đạt được sau 10 năm triển khai, thực hiện công cuộc xây dựng NTM trên địa bàn 19 tỉnh, TP trực thuộc trung ương của 2 vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Lấy người dân làm chủ thể

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Quốc Doanh cho biết sau hơn 9 năm triển khai xây dựng NTM, cả 2 vùng ĐNB và ĐBSCL có 874/1.731 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM; 30 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 7/19 tỉnh (gồm: Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tiền Giang, An Giang, Kiên Giang và Bạc Liêu) đã đạt hoặc vượt mục tiêu xã NTM do Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, Đồng Nai và Bình Dương có 100% xã đạt chuẩn NTM.

Tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình của 2 vùng đạt gần 932.500 tỉ đồng, cao nhất cả nước; hạ tầng không ngừng được đầu tư, kinh tế liên tục phát triển và nâng cao thu nhập cho người dân với tỉ lệ các xã đạt chuẩn các tiêu chí về thu nhập, nhà ở và hộ thoát nghèo đều cao hơn nhiều so với bình quân cả nước…

Về cách xây dựng NTM, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan cho rằng phải để người dân làm chủ như đúng tinh thần Nghị quyết 26/NQ-TW của trung ương về nông nghiệp, nông thôn và nông dân. "Tinh thần người dân làm chủ thể là gì? Theo suy nghĩ của chúng tôi, không phải là dân góp bao nhiêu tiền và đất mà là đứng lên làm chủ làng xóm của mình qua mô hình hội quán. Nghèo đói có nguyên nhân một phần là do người dân lủi thủi làm ăn một mình với tư tưởng đèn nhà ai nhà nấy sáng, ruộng ai nhà nấy làm. Nhưng với mô hình hội quán, trước hết đây là nơi bà con gặp nhau và sau đó là hợp tác, hùn hạp trong làm ăn. Muốn hùn thì phải hạp, phải gặp nhau và hiểu nhau từ câu chuyện đời thường thì mới hạp và tiến tới hùn mới làm ăn được" - ông Lê Minh Hoan nói và nhìn nhận hội quán là không gian cộng đồng, cầu nối giữa "nhà" và "nước".

Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, hiện tỉnh này có 80 hội quán với 4.300 thành viên và 17 HTX kiểu mới được thành lập. Các hội quán được kết nối hạ tầng viễn thông, giúp lãnh đạo tỉnh, các sở ngành ở trụ sở cũng có thể kết nối được với 80 hội quán. Hội quán trước hết có tác dụng giúp nông dân liên kết mua chung bán chung, giảm chi phí, nâng cao giá trị hàng hóa, giúp địa phương làm du lịch nông thôn, truyền thông các chủ trương, chính sách, góp phần thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Từ mô hình này, tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng đề án "Làng thông minh", giúp nông dân tự tìm hiểu về nhu cầu giáo dục, kết nối làm ăn, học hành và truyền tải tinh thần chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham quan các sản phẩm nông nghiệp của ĐBSCL. Ảnh: PHÚC NGUYÊN

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham quan các sản phẩm nông nghiệp của ĐBSCL. Ảnh: PHÚC NGUYÊN

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan (thứ ba từ phải qua) trò chuyện với cán bộ, người dân và doanh nghiệp tại một hội quán. Ảnh: Tâm Minh

Không chạy theo thành tích

Mục tiêu giai đoạn 2021-2025, có ít nhất 8/19 tỉnh, TP trực thuộc trung ương vùng ĐNB và ĐBSCL được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Vùng ĐNB có ít nhất 70%, ĐBSCL có ít nhất 50% đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Trong đó, mỗi tỉnh, TP có ít nhất một đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu...

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM - ghi nhận những kết quả xây dựng NTM của vùng ĐBSCL và ĐNB. Phó Thủ tướng đặc biệt ấn tượng với cả hai vùng về tiêu chí văn hóa và giáo dục đều cao hơn so với bình quân cả nước. Cụ thể, đối với tiêu chí văn hóa thì vùng ĐNB có tỉ lệ xã đạt chuẩn là 96,22%, vùng ĐBSCL là 86,17% (cả nước là 81,58%); với tiêu chí giáo dục thì vùng ĐNB có tỉ lệ xã đạt chuẩn là 94,22%, vùng ĐBSCL là 89,98% (cả nước là 88,9%).

"Từ lâu, ĐBSCL được ví là vùng trũng về văn hóa và giáo dục của cả nước nhưng bây giờ không còn. Những con số đã cho thấy tiêu chí về văn hóa và giáo dục của ĐBSCL còn đứng trên bình quân cả nước. Đây là kết quả rất tích cực cần phát huy" - Phó Thủ tướng đánh giá và đề nghị từng địa phương rà soát, so sánh với các địa phương khác để phát huy kết quả làm được, khắc phục những tồn đọng, từ đó đưa ra phương hướng phù hợp với địa phương mình trong giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt, các địa phương phải phát huy tốt quan điểm lấy người dân làm chủ thể nhưng không được huy động quá sức dân mà phải trên tinh thần tự nguyện, hợp lòng dân.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết sắp tới đây, Chính phủ sẽ tiếp tục phân cấp mạnh hơn cho các địa phương quyết định những tiêu chí NTM nhằm phù hợp điều kiện từng nơi. Đồng thời, đặt các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến về quy hoạch phát triển đô thị và vùng nông thôn ở ĐBSCL trên tinh thần "thuận thiên", thích ứng với biến đổi khí hậu…

"Các địa phương không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được; cần chú ý công tác xem xét, công nhận đạt chuẩn NTM trên tinh thần không chạy theo thành tích mà phải đi vào chất lượng, đồng thời phải luôn nhất quán quan điểm: Xây dựng NTM chỉ có khởi đầu, không có điểm kết thúc" - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Mỗi nơi một cách làm hay

Ông Nguyễn Quang Dương, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu, nhấn mạnh hội nghị này là diễn đàn rất quan trọng, có ý nghĩa thực tiễn rất sâu sắc. Hội nghị tập trung 19 tỉnh, TP, mỗi nơi đều có cách làm hay, sáng tạo..., đây là cơ hội rất tốt để Bạc Liêu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, hoàn thiện hơn nữa cách làm, tiếp cận, xây dựng cơ chế chính sách trong xây dựng NTM; qua đó thắt chặt thêm mối quan hệ, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các tỉnh, TP trong khu vực. Sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò của người đứng đầu, sẽ tạo ra sự chuyển biến rõ nét. Thực tiễn cho thấy ở những nơi nào người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thực sự tâm huyết, trách nhiệm, vào cuộc thường xuyên, quyết liệt thì việc xây dựng NTM đạt được cả mục tiêu về số lượng và đi vào chiều sâu chất lượng.

DUY NHÂN - PHÚC NGUYÊN

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/dong-bang-song-cuu-long-khong-con-la-vung-trung-20190914221637113.htm