Đồng bằng sông Cửu Long 'khát' các bác sĩ chuyên ngành hiếm

Tại hội nghị 'Nhân lực y tế vùng ĐBSCL mở rộng năm 2018' vừa diễn ra tại Cần Thơ lãnh đạo ngành y của các tỉnh đều 'than trời' về sự thiếu hụt bác sĩ ngành hiếm.

Theo thống kê, hiện 13 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL có 160 bệnh viện đa khoa tuyến huyện, đa khoa khu vực, đa khoa tỉnh và bệnh viện chuyên khoa; trong đó có 21 bệnh viện phục vụ 5 chuyên ngành hiếm như: Lao, phong, tâm thần, pháp y và giải phẫu bệnh.

PGS – T.S Trần Việt An (Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Y dược Cần Thơ) cho biết cả khu vực ĐBSCL có đến 13 Trung tâm Pháp y, nhưng chỉ có 4 bác sĩ chuyên ngành pháp y, còn lại là bác sĩ chuyên khoa khác.

Hiện tại các tỉnh, thành ĐBSCL bác sĩ ngành hiếm đang thiếu trầm trọng (Ảnh: minh họa)

Theo báo cáo của trường Đại học Y dược Cần Thơ, tính đến năm 2018 ĐBSCL có 7,85 bác sĩ và 1,39 dược sĩ trên vạn dân.

Cụ thể, tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân thấp nhất tại ĐBSCL là An Giang (6,30 bác sĩ/vạn dân), kế đến là Tiền Giang (6,32 bác sĩ/vạn dân). Tỉnh có số lượng dược sĩ thấp nhất là Long An (0,71 dược sĩ/vạn dân). Thành phố Cần Thơ là địa phương có tỷ lệ bác sĩ, dược sĩ trên vạn dân cao nhất (11,54 bác sĩ và 12,49 trên vạn dân).

Dự kiến, từ năm 2016 - 2020, Trường Đại học Y dược Cần Thơ sẽ đào tạo cho khu vực ĐBSCL 1.253 bác sĩ 5 chuyên ngành hiếm. Đây là nguồn nhân lực rất quan trọng cho các tỉnh trong 4 - 5 năm, đảm bảo hoạt động cho các lĩnh vực chuyên ngành hiếm.

Riêng năm 2018, trường sẽ đào tạo cho 13 tỉnh 242 chỉ tiêu ở 5 chuyên ngành hiếm, trong đó, Kiên Giang nhiều nhất với 35 chỉ tiêu, tiếp đến là Đồng Tháp với 28 chỉ tiêu, An Giang ít nhất với 9 chỉ tiêu.

Phan Định

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/dong-bang-song-cuu-long-khat-cac-bac-si-chuyen-nganh-hiem-d69252.html