Đồng bằng sông Cửu Long: Khẩn trương ứng phó cúm A/H1N1

Liên tiếp xuất hiện nhiều ca nhiễm cúm A/H1N1 cũng như sự diễn biến phức tạp của căn bệnh này, các địa phương vùng ĐBSCL đang khẩn trương triển khai các giải pháp để phòng chống.

Một bệnh nhân bị cúm đang được các bác sỹ thăm khám.Ảnh: P.V

Đã có hàng chục ca nhiễm cúm

Tại TX.Bình Minh (Vĩnh Long), trong ngày 8.6, Trung tâm Y tế TX báo cáo tại phòng 2.03 khoa nội nhiễm có 6 trường hợp sốt cao, ho khi đang nằm viện điều trị các bệnh lý nội khoa mãn tính. 6 bệnh nhân này được xác định dương tính với cúm A/H1N1, gồm: Nguyễn Thị Năm (SN 1947, huyện Tam Bình, Vĩnh Long), Nguyễn Thị Mười Ba (SN 1965, huyện Bình Tân, Vĩnh Long), Huỳnh Thị Chiếu (SN 1954, TX. Bình Minh, Vĩnh Long), Nguyễn Thị Tư (SN 1934, TX. Bình Minh, Vĩnh Long), Trương Thị Xê (SN 1942, TX. Bình Minh, Vĩnh Long) và Phạm Kim Thoa (SN 1964, TX. Bình Minh, Vĩnh Long).

Trong số này, có bà Nguyễn Thị Tư được chuyển sang điều trị tại BVĐK TP.Cần Thơ. Ban đầu, chưa có thông tin bà Tư bị cúm, sau đó, Trung tâm Y tế Bình Minh gọi điện thông báo, bà Tư từng tiếp xúc với người nhiễm cúm. Ngay sau đó, bà Tư được điều trị cách ly, bệnh viện cho người thống kê, lập danh sách các nhân viên y tế đã tiếp xúc, điều trị cho bệnh nhân này. Đồng thời, theo dõi sát và điều trị dự phòng cho 2 người nhà đang thăm nuôi bệnh nhân.

Riêng 3 nhân viên y tế (1 bác sĩ, 2 điều dưỡng) của Khoa tim mạch có triệu chứng lây nhiễm cúm của bệnh nhân này đã được cách ly và điều trị cúm A/H1N1 theo phác đồ của Bộ Y tế. Hiện 3 nhân viên y tế này chỉ có các biểu hiện nhẹ của cúm thông thường. Tuy nhiên, các nhân viên vẫn được cách ly tại nhà và kết hợp điều trị dự phòng.

Trước đó tại tỉnh Tiền Giang đã phát hiện có 4 ca nhiễm cúm A/H1N1 ở huyện Tân Phước và Cái Bè, đến nay, 3/4 ca đã xuất viện, điều trị cách ly tại gia đình.

Giám sát chặt để xử lý kịp thời ổ dịch

Đến nay, Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long đã cử đoàn giám sát, hỗ trợ Trung tâm Y tế Bình Minh phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, tập trung cách ly và theo dõi chặt chẽ, điều trị tích cực tất cả bệnh nhân trên. Đến nay, 3 trong số 6 trường hợp nói trên đã được xuất viện.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ sở y tế hướng dẫn bệnh nhân và người nhà và nhân viên bệnh viện các biện pháp phòng bệnh; yêu cầu bệnh nhân, cán bộ y tế và người nhà chăm sóc bệnh nhân mang khẩu trang, sử dụng thuốc sát khuẩn mũi, họng hằng ngày.

Vận động cán bộ y tế tiêm vaccine phòng bệnh cúm, tiếp tục thông tin giữa Trung tâm Y tế Bình Minh và BVĐK TP.Cần Thơ về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân Nguyễn Thị Tư đang điều trị tại BVĐK TP.Cần Thơ. Sẵn sàng lực lượng, đảm bảo cơ số thuốc, trang thiết bị, cơ sở vật chất, đảm bảo công tác thu dung, điều trị; Chú trọng phân tuyến, phân luồng để tránh lây nhiễm, lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế.

Phối hợp tăng cường truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông cơ sở về công tác phòng chống dịch bệnh, thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, ăn chín, uống chín, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Y tế TP.Cần Thơ - cho biết, đã có văn bản khẩn gửi các đơn vị có liên quan tăng cường công tác phòng chống cúm A (H1N1, H5N1, H7N9). Đặc biệt, các cơ sở y tế có giường bệnh phải tập trung giám sát chặt chẽ các trường hợp mắc các bệnh cúm A, lấy mẫu bệnh phẩm phát hiện sớm ngay ca bệnh đầu tiên và thông báo kịp thời cho Trung tâm Y tế dự phòng thành phố/quận/huyện và Sở Y tế để tiến hành các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch.

Ngoài ra cần rà soát lại cơ sở vật chất, khu vực cách ly, thiết bị y tế, thuốc, vật tư tiêu hao và các phương tiện phòng, chống dịch; đảm bảo đủ thuốc, hóa chất, vật tư chuyên dụng để phục vụ cho công tác điều trị, hồi sức cấp cứu; trang bị bảo hộ cá nhân cho cán bộ trực tiếp tham gia điều trị và chăm sóc bệnh nhân, hạn chế tối đa các ca tử vong.

TRẦN LƯU - TRẦN TUẤN

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/suc-khoe/dong-bang-song-cuu-long-khan-truong-ung-pho-cum-ah1n1-613218.ldo