Đồng bằng sông Cửu Long giữa vòng vây hạn mặn (Kỳ 1)

Tình hình hạn mặn gay gắt mùa khô năm nay ở đồng bằng sông Cửu Long đã làm hàng trăm nghìn hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt, hàng chục nghìn ha lúa, hoa màu, vườn cây ăn trái chết khô, thiệt hại.

Những dòng sông khô kiệt nước, trơ đáy ở Cà Mau.

Những dòng sông khô kiệt nước, trơ đáy ở Cà Mau.

NDĐT - Tình hình hạn mặn gay gắt mùa khô năm nay ở đồng bằng sông Cửu Long đã làm hàng trăm nghìn hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt, hàng chục nghìn ha lúa, hoa màu, vườn cây ăn trái chết khô, thiệt hại.

Vậy đâu là nguyên nhân, phải chăng thủy điện chặn dòng Mê Công làm nước không xuống được nên gây hạn mặn; từ nay, đồng bằng sông Cửu Long sẽ luôn luôn thiếu nước; có nên làm công trình lớn để ngăn mặn, trữ nước; ứng phó thế nào trong ngắn hạn và dài hạn? Loạt bài của Nhân Dân điện tử sẽ tìm câu trả lời cho những vấn đề này.

Kỳ 1: Vùng sông nước khô khát nước ngọt

Đồng bằng sông Cửu Long đang hứng chịu “đại hạn” lịch sử. Đây cũng là đợt hạn hán gay gắt nhất trong vòng 5 năm gần đây. Dẫu được mệnh danh là vùng sông nước nhưng miền Tây Nam Bộ đang bị khô khát vì thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn. Từ đó, gây thiệt hại trong sản xuất, ảnh hưởng đời sống người dân.

Nguy cơ cháy rừng vì khô hạn

Nóng nhất ở thời điểm hiện tại là hơn 43 nghìn ha lâm phần rừng tràm U Minh Hạ của tỉnh Cà Mau. Đây cũng là nơi có diện tích rừng ngập ngọt lớn thứ hai ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), được ví là “lá phổi” xanh của khu vực đồng bằng. Chúng đang “khát khô”, “bơ phờ” trong nắng hạn…!

Chìa vội bản báo cáo từ cơ sở vừa gửi lên, ông Lê Văn Hải, Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Cà Mau không giấu được nỗi lo. Bởi, toàn lâm phần rừng tràm và rừng các cụm đảo trên địa bàn tỉnh đã khô hạn hoàn toàn. Trong tổng diện tích lâm phần hơn 43.000 ha, đã có gần 80% diện tích dự báo cháy cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm), tương đương với hơn 34.700 ha, tập trung chủ yếu ở các Liên tiểu khu: Sông Trẹm, U Minh một, U Minh hai, Trần Văn Thời và lâm phần rừng ở các xã Nguyễn Phích, Khánh An (huyện U Minh). Đây cũng là cấp cảnh báo cháy cao nhất trong thang cảnh báo cháy rừng, nguy cơ xảy ra cháy rừng bất cứ lúc nào. Trong khi đó, hiện còn hơn 6.100 ha rưng dự báo cháy cấp 4, sắp chuyển sang báo cháy cấp 5 chỉ trong vài ngày tới.

Phóng viên Nhân Dân điện tử có mặt tại “tâm bão khô” Cà Mau.

Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Cà Mau cho biết, so thời điểm hai tuần trước, diện tích cảnh báo cháy cấp 5 tăng lên gần gấp ba lần, nằm ngoài dự báo của cơ quan chức năng. “Lo nhất là dự báo tình hình nắng gay gắt tiếp tục kéo dài theo chiều hướng cực đoan. Khi đó, kênh rạch cạn nước sẽ gây nguy cơ thiếu nước chữa cháy nếu xảy ra cháy lớn. Hiện tại, mực nước dưới các tuyến kênh trong rừng thấp hơn cùng kỳ năm 2019, từ 0,5 – 0,8m, có khả năng khô cạn hoàn toàn hoặc thiếu nước nghiêm trọng ở một số khu vực”, ông Lê Văn Hải lo lắng.

Tại Vườn quốc gia U Minh Hạ, nơi có hơn 8.000 ha rừng tràm đang được bảo vệ cực kỳ nghiêm ngặt, đến nay, đã có gần 2.900 ha chuyển sang cảnh báo cháy cấp 5. Với cường độ nắng nóng như hiện nay, khoảng một tuần tới đây, nhiều khả năng hơn 3.400 ha đang dự báo cháy cấp 4 của vườn cũng sẽ nâng mức cảnh báo cháy lên cấp cực kỳ nguy hiểm.

Trong khi đó, tại An Giang đã xảy ra bốn vụ cháy rừng và vườn tược trên vùng núi đồi huyện Tịnh Biên, tính từ đầu mùa khô. Tuy thiệt hại không lớn nhưng để lại nhiều nỗi lo khi khô hạn đang bước vào mùa khốc liệt. Đang bước vào cao điểm mùa khô, các cánh rừng vùng Bảy Núi bắt đầu vàng cháy lá. Chỉ một tàn lửa vô ý là có thể nhấn chìm cả cánh rừng già. Chi cục Kiểm lâm tỉnh An Giang đã nâng mức cảnh báo cháy rừng lên cấp 5 là mức cực kỳ nguy hiểm.

Những cánh rừng cây vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang, bắt đầu vàng cháy lá vì khô hạn.

Theo ông Trương Minh Hùng, Phó Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh An Giang, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 16.868 ha, gồm vùng đồi núi và đồng bằng. Trong đó, tổng diện tích vùng trọng điểm cháy là 7.286 ha, chiếm 43,2% tổng diện tích. Các vùng trọng điểm dễ cháy thuộc huyện Tri Tôn, có 4.274,3 ha, huyện Tịnh Biên có 2.912 ha, gồm khu vực núi Nhọn, khu vực đồi Kakô, khu vực Latina, khu vực Tà Lọt thuộc Núi Cấm…

Vào lõi rừng Phân trường Thạnh Trị, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Sóc Trăng, Nguyễn Khánh Toàn chỉ vào những mảng trắng bạc trên mặt đất nứt nẻ giải thích, đây là hiện tượng xì phèn do khô hạn kéo dài, có khả năng làm cây rừng chết hay chậm phát triển. Hơn nữa, vào mùa khô thiếu nước, đa số thực bì đều chết khô, cộng với cành lá rụng được tích lũy càng nhiều dưới trạng thái phân hủy không hoàn toàn trong điều kiện khô hạn là nguồn vật liệu dễ cháy. Chính vì vậy, công ty phải xây dựng nhiều tháp canh và có người túc trực 24/24 giờ để canh lửa, giữ rừng. Nước dưới kênh đang cạn dần, nắng nóng kéo dài, cảnh báo cháy rừng đều ở cấp độ cực kỳ nguy hiểm. Hiện, phân trường có tổng diện tích 661 ha, trong đó có hơn 505 ha được xác định có nguy cơ xảy ra cháy rất cao, do thảm thực vật ở phân trường là năn, sậy, bình bát, cây choại… khá dày.

Do thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, gió thổi mạnh làm cho nhiều cánh rừng tràm trên địa bàn Hậu Giang đã khô nước, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Theo chân đội tuần tra của Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, nơi có diện tích rừng lớn nhất tỉnh. Đi sâu vào khu Gò Lức, nhiều khoảnh như khoảnh 7, khoảnh 11… có lớp thực bì khá dày đã khô độ ẩm, một số loại dây leo trên thân cây tràm cũng bắt đầu khô lá dần. Ông Lư Xuân Hội, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng cho biết: “Ngoài khu Gò Lức, đơn vị cũng cho lực lượng kiểm tra tất cả các khu vực khác tại khu bảo tồn, khoanh vùng những nơi có nguy cơ xảy ra cháy cao. Qua kiểm tra, nhiều nơi cũng có lớp thực bì bị khô độ ẩm tương tự”.

Theo ông Đoàn Ngọc Thân, Phó Chi cục trưởng Kiểm Lâm tỉnh Hậu Giang, tỉnh có 3.300 ha đất rừng sản xuất và 2.805 ha đất rừng đặc dụng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng. Trước tình hình nắng nóng diễn ra gay gắt, để các ngành chức năng, chủ rừng và người dân nâng cao cảnh giác trong công tác phòng, chống cháy rừng, đầu tháng 3 này, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã nâng mức độ dự báo cháy rừng lên cấp 4 (cấp nguy hiểm) trên phạm vi toàn tỉnh.

Cơ quan chức năng tỉnh Hậu Giang kiểm tra rừng trong mùa khô năm nay.

Sông trơ đáy, lúa chết khô

Theo ông Lưu Hoàng Lý, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bạc Liêu, hiện nay, tại vùng sản xuất phía bắc Quốc lộ 1A, vụ lúa đông xuân năm nay, tỉnh sản xuất trên diện tích hơn 48.220 ha, dự kiến đến cuối tháng 4-2020, nông dân trong tỉnh mới thu hoạch dứt điểm. Tình trạng nắng nóng kéo dài trong mấy tháng qua và do thiếu nguồn nước ngọt từ sông Hậu đổ về Bạc Liêu qua trục Quản lộ - Phụng Hiệp, cộng thêm nhiệt độ cao làm gia tăng bốc hơi, xâm nhập mặn sớm đã và đang gây rất nhiều khó khăn cho việc tiếp nước ngọt từ Sóc Trăng về Bạc Liêu. Đáng lưu ý, thiếu nước ngọt đã làm hơn 5.500 ha lúa của nông dân Bạc Liêu bị thiệt hại nặng nề, nhiều diện tích bị chết. Riêng mô hình nuôi tôm trên đất lúa ở tiểu vùng chuyển đổi sản xuất có nguy cơ bị thiệt hại hơn 5.000 ha, tập trung ở địa bàn thị xã Giá Rai và các xã phía tây huyện Phước Long và Hồng Dân.

Ngoài ra, vùng sản xuất phía nam Quốc lộ 1A tại địa phận tỉnh Bạc Liêu, mặc dù là vùng mặn, nhưng sẽ phải đương đầu với nạn khô hạn và thiếu nước ngọt trầm trọng. Vì vậy, theo ông Lưu Hoàng Ly, trước tình hình này sẽ không đủ nguồn nước ngọt cấp vào các ao nuôi và kéo theo đó là độ mặn trong các ao nuôi có khả năng vượt quá ngưỡng tăng trưởng thích hợp của tôm, nguy cơ rất cao làm hơn 4.500 ha tôm nuôi bị thiệt hại…

Trước tình hình hạn mặn ngày càng gay gắt, đến đầu tháng 3-2020, tỉnh Trà Vinh đã có 8.480,83 ha lúa bị thiệt hại; trong đó, vụ mùa, 381,87 ha và vụ đông xuân, 8.098,96 ha. UBND tỉnh Trà Vinh đã chỉ đạo Sở NN-PTNT xây dựng kịch bản dự báo thiệt hại trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, hệ thống cống đầu mối hầu hết đều được đóng kín để ngăn mặn. Do đó, nguồn nước hiện có trên các kênh để bơm tát cứu lúa không còn nhiều. Nguồn nước ngọt cung cấp cho tỉnh có thể lấy từ các cống Tân Dinh, Bông Bót và Vũng Liêm thông qua kênh Mai Phốp - Ngã Hậu khi độ mặn giảm đến mức cho phép cũng rất hạn chế. Đồng thời, nguồn nước này cũng chưa thể cung cấp đến các vùng xa của tỉnh, do đó, mực nước trong nội đồng một số nơi không đáp ứng đủ cho sản xuất. Cụ thể, mực nước tại cống Trà Cú chỉ còn 0,12m; trong khi mức bảo đảm phục vụ tốt sản xuất phải từ 0,5m trở lên.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp Sóc Trăng, do hạn mặn kéo dài, đến nay toàn tỉnh đã có hơn 1.000 ha lúa bị thiệt hại. Đây là diện tích nông dân không thực hiện theo khuyến cáo nên tiếp tục xuống giống vụ thứ ba nên bị hạn mặn gây chết lúa. Tuy nhiên, theo ngành nông nghiệp địa phương, nếu hạn còn kéo dài, khả năng gây thiệt hại cho thêm 400 ha lúa, 4.000 ha cây ăn trái và 1.000 ha trồng rau màu không phát triển do thiếu nước ngọt.

Bầu không khí oi bức, ngột ngạt... đang phủ trùm các vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau. Tuyến Kênh Cũ dọc theo con lộ nhựa dài hơn 7km về xã Trần Hợi. Đây là tuyến kênh trục cung cấp nước tưới tiêu cho nhiều ấp vùng ngọt của xã Trần Hợi, Khánh Hưng của huyện Trần Văn Thời, thuộc Tiểu vùng III Bắc Cà Mau. Vào cao điểm mùa sa mưa, mực nước dưới kênh chừng 4m, nhưng hiện gần như khô cạn hoàn toàn, giao thông thủy đã tê liệt. Dưới cái nắng như thiêu đốt kéo dài hơn ba tháng liền, rất nhiều tuyến kênh vùng ngọt tỉnh Cà Mau đang trong tình trạng tương tự như vậy. Chi cục trưởng Thủy lợi tỉnh Cà Mau, Nguyễn Long Hoai cho biết, đến đầu tháng ba vừa qua, hệ thống các kênh trục và kênh cấp một vùng ngọt của tỉnh Cà Mau đã xuống cực kỳ thấp, chỉ còn từ 0,5 đến dưới 1m, có nơi đã khô cạn. Trong khi đó, các tuyến kênh cấp 2, cấp cấp 3 và kênh nội đồng thì khô cạn hoàn toàn.

Kênh rạch khô cạn đã làm kiệt quệ nước phục vụ tưới tiêu, thiệt hại lớn sản xuất của người dân. Theo thống kê, đến nay, Cà Mau đã có hơn 18.000 ha lúa bị thiệt hại vì hạn hán. Trong đó, có gần 16.000 ha lúa trên đất nuôi tôm, còn lại trà lúa vụ đông xuân, mức độ thiệt hại từ 30 đến hơn 70%. Ông Nguyễn Văn Hùng, ấp 4, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời cho biết, ngoài ảnh hưởng lớn đến năng suất do không đủ nước tưới tiêu, kênh rạch khô cạn đã khiến nông dân không thể vận chuyển lúa bằng đường thủy. “Trong xóm tôi, bán lúa phải thuê chở bằng xe máy, tốn mỗi bao từ 5.000 - 10.000 đồng tùy khoảng cách. Còn nếu thương lái vào tận nơi, họ trừ tiền chuyên chở ít nhất 200 đồng/kg lúa. Tình cảnh này, nông dân chúng tôi thiệt hại kép”, ông Hùng bộc bạch.

Nhóm PVTT ĐBSCL

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/43675902-dong-bang-song-cuu-long-giua-vong-vay-han-man-ky-1.html