Đồng bằng sông Cửu Long: Đối mặt khó khăn với dịch Covid-19, cả 1.000 doanh nghiệp giải thể

Thông tin từ Phòng Thương mại và Công nghiệp chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) trong 7 tháng đầu năm 2020, Đồng bằng sông Cửu Long đã có 2.600 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và 1.000 doanh nghiệp đã giải thể.

Cá tra xuất khẩu là một trong những mặt hàng chủ lực của Đồng bằng sông Cửu Long nhưng năm nay bị sụt giảm mạnh, đến ngày 15/7/2020, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 723 triệu USD, giảm 30,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Cá tra xuất khẩu là một trong những mặt hàng chủ lực của Đồng bằng sông Cửu Long nhưng năm nay bị sụt giảm mạnh, đến ngày 15/7/2020, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 723 triệu USD, giảm 30,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong tháng 7/2020, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tại Đồng bằng sông Cửu Long giảm nhẹ so với tháng trước, đạt 912 doanh nghiệp với số vốn đăng ký hơn 12 nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 7.000 lao động. Trong đó, Long An, Cần Thơ, Kiên Giang vẫn là các tỉnh có số doanh nghiệp thành lập mới nhiểu nhất toàn vùng, đều trên 100 doanh nghiệp. Trong 7 tháng đầu năm 2020, cả vùng có hơn 5.000 doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động gần 2.000 doanh nghiệp.

Do tác động của dịch bệnh, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động và giải thể tăng cao. Theo đó, hơn 1.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, 2.600 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và 1.000 doanh nghiệp đã giải thế. Với làn sóng dịch thứ 2 đang chuyển biến phức tạp, tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ còn nhiều bất ổn.

Trước đó, tại hội nghị “Kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19 kịch bản cho Đồng bằng sông Cửu Long và sự lựa chọn của doanh nghiệp” do VCCI Cần Thơ tổ chức hồi đầu tháng 7/2020, ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI Cần Thơ cho biết: “Theo tổng hợp kết quả khảo sát của VCCI vào tháng 5/2020, doanh nghiệp cả nước nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng đánh giá Covid-19 đã có những tác động nghiêm trọng đến tình hình sản xuất kinh doanh. Phần lớn doanh nghiệp đều đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh giảm đi, trong đó giảm mạnh nhất là lượng đơn đặt hàng mới (-80,7%), tổng doanh thu (-77,8%), lượng mua nguyên vật liệu đầu vào (-61,6%) và hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị (-61,1%). Trong khi đó, số doanh nghiệp có tình hình sản xuất kinh doanh tăng lên chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ từ khoảng 3,5 - 6,6 %, chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động sản xuất trang thiết bị trong ngành Y tế, găng tay, khẩu trang y tế.

Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp cũng gặp khó với tỷ lệ doanh nghiệp có lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới giảm đi chiếm 59,1% trong khi tỷ lệ tăng lên chỉ chiếm 4,6%, cho thấy nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ các các quốc gia nước ngoài đã bị giảm nghiêm trọng do tác động Covid-19. Số lượng công nhân tại doanh nghiệp đánh giá giảm đi lên tới 47%, cho thấy chỉ có khoảng một nửa doanh nghiệp đảm bảo được số lượng công nhân viên ổn định.

Các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp trao đổi tại hội nghị.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, với những đặc thù ngành nghề tập trung nhiều ở lĩnh vực sản xuất chế biến nông nghiệp nên ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh có độ trễ nhất định. Nếu như ngành thương mại dịch vụ - du lịch bị tác động ngay khi dịch bùng phát thì ngành chế biến nông thủy sản còn cầm cự trong thời gian dịch bệnh, nhưng đến nay thị trường tiêu thụ chủ lực là EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Trung Đông... đều giảm đơn hàng đáng kể, nhiều mặt hàng giảm rất mạnh như: Trái cây giảm 21,4%; cá tra giảm 39,1%; tôm giảm 14,5%...

Nhiều doanh nghiệp sản xuất ngành nông nghiệp, chế biến nông sản hiện đang tồn kho, hoạt động cầm chừng, trong khi các doanh nghiệp trong những lĩnh vực khác như: Dịch vụ du lịch, xây dựng bất động sản, vận tải, logistics, may mặc, da giày... vẫn chưa phục hồi, các doanh nghiệp còn lại có quy mô nhỏ và rất nhỏ đang phải thu hẹp hoạt động hoặc tạm dừng kinh doanh...”

Tuy nhiên, tại hội nghị “Kinh tế Việt Nam sau đại dịch Covid-19 kịch bản cho Đồng bằng sông Cửu Long và sự lựa chọn của doanh nghiệp” các doanh nghiệp và các chuyên gia kinh tế vẫn lạc quan về triển vọng những tháng cuối năm. Ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (FMC), một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tôm hàng đầu Đồng bằng sông Cửu Long từ nhiều năm qua, lạc quan nhận định: “Các thị trường tôm lớn nhiều năm nay vẫn là EU, Hoa Kỳ. Đầu năm có khó khăn nhưng chúng tôi nghĩ rằng khi EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam) có hiệu lực mặt hàng tôm được áp thuế bằng 0 thì con tôm có nhiều cơ hội xuất khẩu hơn. Chúng tôi nghĩ rằng những tháng cuối năm nay, diễn tiến sẽ tốt hơn. Kim ngạch xuất khẩu tôm sẽ không tăng trưởng được 2 con số nhưng có thể đạt 6 - 8%. Diễn tiến cung - cầu, lạc quan cho ngành tôm là có căn cứ...”

VCCI Cần Thơ trao giấy chứng nhận hội viên cho doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp lạc quan kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tăng trưởng trở lại sau dịch bệnh Covid-19 nhưng điều không ngờ, dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát trở lại, các doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long lại một lần nữa đối mặt với khó khăn và doanh nghiệp phải giải thể nhiều hơn.

Huỳnh Biển

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/dong-bang-song-cuu-long-doi-mat-kho-khan-voi-dich-covid-19-ca-1000-doanh-nghiep-giai-the-286936.html