Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh khai thác các dòng khách từ thị trường phía Bắc

Chiều 27/3/2019, Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long đã tổ chức Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (VITM).

ĐBSCL gồm 13 tỉnh/ thành, với các sản phẩm đặc thù như du lịch sinh thái miệt vườn sông nước, du lịch tâm linh, du lịch biển đảo, du lịch tìm hiểu di tích di sản và văn hóa lịch sử, du lịch nông nghiệp cộng đồng, và hiện đang phát triển du lịch MICE. Những sản phẩm du lịch đang thu hút du khách đến với ĐBSCL như: bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng, Bà chúa Xứ núi Sam, núi Cấm, rừng Tràm Trà Sư, Đồng Tháp Mười, mũi Cà Mau, Cồn Thới Sơn: Long - Lân - Quy - Phụng, đờn ca tài tử, đua bò Bảy núi, đua ghe ngo...

Ảnh minh họa - Nguồn: TL, Báo Tin tức

Ảnh minh họa - Nguồn: TL, Báo Tin tức

Báo Tin tức dẫn lời ông Phạm Thế Triều, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cho biết: Trong 5 năm gần đây, du lịch ĐBSCL tăng trưởng hơn 10%/năm về lượt khách lưu trú và doanh thu. Đặc biệt là cơ sở lưu trú tăng lên đáng kể. Dịch vụ du lịch từng bước được cải thiện, đảm bảo đủ điều kiện phục vụ những yêu cầu ngày càng cao của du khách. Trong năm qua, các tỉnh đầu tư với các sản phẩm đặc thù như du lịch sinh thái miệt vườn sông nước, du lịch văn hóa - tâm linh, du lịch biển đảo, du lịch nông nghiệp cộng đồng. Và hiện nay, đang phát triển du lịch MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác).

Trong năm 2018, các tỉnh vùng ĐBSCL đã đón hơn 40,7 triệu lượt khách đến với các khu điểm du lịch trong vùng. Được biết, năm 2019, các tỉnh vùng ĐBSCL tiếp tục đẩy mạnh khai thác các dòng khách từ thị trường phía Bắc, nhất là thông qua hợp tác với các doanh nghiệp du lịch Hà Nội. Do đó, nhân Hội chợ du lịch quốc tế VITM 2019, hơn 50 doanh nghiệp du lịch hàng đầu của vùng cùng với các trung tâm xúc tiến quảng bá của 13 tỉnh, thành đã liên kết giới thiệu sản phẩm của vùng.

Để nâng cao sự hợp tác, liên kết và đưa ra những giải pháp thúc đẩy du lịch ĐBSCL phát triển hơn nữa, Hội nghị đã chia sẻ và đóng góp ý kiến từ đại diện các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cùng đông đảo doanh nghiệp du lịch từ Hà Nội và các địa phương, trong đó, nhấn mạnh việc xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, tránh tương đồng, trùng lắp giữa 13 tỉnh/thành ĐBSCL sẽ khiến du khách thấy nhàm chán. Bên cạnh đó, ĐBSCL cần chú trọng cung cấp thông tin chỉ dẫn tại điểm có chiều sâu hơn; phân luồng giao thông; quan tâm vấn đề vệ sinh môi trường...

Thủy Bích (t/h)

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/dong-bang-song-cuu-long-day-manh-khai-thac-cac-dong-khach-tu-thi-truong-phia-bac-2019032809381899.htm