Đồng bằng sông Cửu Long có thể làm hình mẫu cho thế giới

ĐBSCL đang đối diện với muôn vàn khó khăn, nhưng nếu khéo léo vượt qua, có thể trở nên thịnh vượng và làm hình mẫu cho các đồng bằng khác trên thế giới.

Muôn vàn khó khăn

Ai theo dõi tin tức ĐBSCL sẽ nghĩ rằng ĐBSCL sắp tiêu rồi. Sạt lở khắp nơi, hạn - mặn gay gắt, sông ngòi thành những dòng sông đen, cá tôm đâu mất hết, sụt lún nhanh hơn nước biển dâng, đất đai suy kiệt, văn hóa sông nước bị mài mòn, cả triệu người bỏ xứ ra đi. Từ đó, cảm giác là cần phải làm gì đó khẩn cấp để cứu.

Đúng là những vấn đề của ĐBSCL rất nghiêm trọng. Nhưng nếu chỉ nhìn trên bề mặt vấn đề, đưa ra đối sách theo kiểu “trị theo triệu chứng” thì có thể có kết quả nhanh trước mắt, nhưng về lâu dài, sức khỏe chung của toàn hệ thống ngày càng trầm kha.

Thật may, Chính phủ đã có Nghị quyết 120 về phát triển ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu với tư duy hệ thống. Có lần tham dự một hội thảo ở một đại học lớn ở Châu Âu, khi tôi trình bày về các vấn đề của ĐBSCL và định hướng giải quyết của Nghị quyết 120, các đại biểu rất ngạc nhiên về sự tiến bộ về tư duy quản lý đồng bằng hàm chứa trong Nghị quyết.

Họ yêu cầu nói rõ hơn về cách mà Việt Nam ra được một chính sách như thế, tôi giải thích rằng chẳng phải vì chúng tôi giỏi hơn thế giới mà vì chúng tôi đã đi qua con đường với nhiều giá đắt phải trả, từ đó rút ra kinh nghiệm. Cho đến nay, Nghị quyết 120 nhận được sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán nước ngoài ở Việt Nam. Kỳ vọng rất nhiều, chỉ mong sao không ai bị thất vọng về quá trình thực hiện.

Sau 3 năm, Nghị quyết 120 giờ ra sao?

Sau 3 năm ban hành, nhìn bên ngoài nhiều người thắc mắc sao chưa thấy động tĩnh gì nhiều. Thắc mắc này đúng. Tuy nhiên, Nghị quyết 120 là định hướng ở tầm chiến lược, cần phải có những quy hoạch, kế hoạch cụ thể để triển khai và việc soạn thảo các quy hoạch, kế hoạch này tốn thời gian. Trong 3 năm qua, để triển khai Nghị quyết 120, Chính phủ đã cho soạn thảo Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững và Quy hoạch tích hợp ĐBSCL.

 Sông Hậu thơ mộng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Sông Hậu thơ mộng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Quy hoạch tích hợp ĐBSCL giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, trên tinh thần Nghị quyết 120 Chính phủ mang nhiều hy vọng cho ĐBSCL. Chất lượng quy hoạch và thực thi như thế nào sẽ còn chờ thời gian trả lời. Nhưng nếu khéo léo, chẳng những ĐBSCL có thể vượt qua được thách thức, trở nên thịnh vượng và còn làm hình mẫu cho các đồng bằng trên thế giới.

Cụ thể, thay vì đổ tiền vào chống chọi với thiên nhiên, mùa lũ “gồng mình” chống lũ, mùa khô “gồng mình” chống mặn để tạo ra thật nhiều lúa gạo, nếu quy hoạch lần này tập trung đầu tư vào đường sá, logistics, chuyển hướng nền nông nghiệp thì tự động nhiều chuyện đang là vấn đề sẽ không phải là vấn đề nữa.

Sáu bài học

Có thể nói, ĐBSCL đã trải qua một quá trình học hỏi. Trong quá trình đó, thành công cũng có mà cái giá phải trả cũng nhiều. Không chỉ ĐBSCL, ngày nay các đồng bằng trên thế giới cũng bị nhiều vấn đề giống nhau: nước biển dâng, sạt lở, sụt lún, ô nhiễm. Vậy nên, những bài học và cách tiếp cận đi tới tương lai theo Nghị quyết 120 của ĐBSCL có thể hữu ích cho các đồng bằng trên thế giới.

Biến đổi khí hậu, khô hạn năm 2020. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

1. Đồng bằng như một cơ thế sống. Một đồng bằng do phù sa sông tạo nên giống như một cơ thể sống với các cơ quan và các tiến trình vận hành trong một thể thống nhất, đòi hỏi phải có sự hiểu biết và đối xử có hệ thống để duy trì sức khỏe tổng thể. Sông ngòi có thể ví như mạch máu trong hệ tuần hoàn vận chuyển năng lượng, dinh dưỡng trong cơ thể. Nhịp thủy triều như nhịp tim, bơm máu cho hệ thống.

Đất cũng cần được xem là sống. Đất có thể bị “bệnh” theo nghĩa là đất mất khả năng duy trì sự sống. Đất, hay đúng hơn là vi sinh vật trong đất, cũng cần phải thở. Nhịp lên xuống hàng ngày của nước theo con nước lớn nước ròng, hàng tháng theo nước rong, nước kém, hàng năm theo mùa khô mùa nước tạo ra chế độ khô-ướt luân phiên để đất thở.

Sông ngòi thông thoáng, có chảy mới có ôxy, mới tự làm sạch được. Sông chảy, có ôxy, mới có tôm cá, mà tôm cá là mắt xích quan trọng trong toàn bộ hệ sinh thái và là nguồn dinh dưỡng của con người. Không còn cá thì không còn chim, cò, rùa, rắn. Nền văn hóa sông nước cũng từ nhịp điệu theo thời gian của nước mà hình thành.

2. Tài nguyên nước không chỉ là số mét khối. Khi nhìn đồng bằng chỉ là một nơi để sản xuất, thì tài nguyên nước dễ bị xem là số mét khối. Nhưng đồng bằng đâu chỉ là nơi để sản xuất mà còn là nơi sinh sống. Cách nhìn phiến diện coi tài nguyên nước là mét khối sẽ không duy trì được sức khỏe của một đồng bằng. Các khía cạnh khác của nước để duy trì chức năng hô hấp của đất, chức năng tuần hoàn của mạch máu cũng rất quan trọng.

3. Chỉ số GDP không phải là tất cả. Thông thường, số GDP được xem là chỉ số đo thành tích phát triển của một đồng bằng. Nhưng, vắt kiệt hệ thống của một đồng bằng để có con số GDP đẹp là cách làm không lành mạnh vì nó làm méo mó nền kinh tế của một đồng bằng. Kinh tế phải được hiểu rộng hơn, bởi vì nhiều giá trị tự nhiên như nước sạch, tôm cá tự nhiên, đất đai lành mạnh là miễn phí nên không có trong chỉ số GDP, nếu mất đi cũng không được tính trong GDP.

4. Tôn trọng quy luật tự nhiên. Đây chính là tầm thông thái của Nghị quyết 120. Ví dụ, kiểu thời tiết có thể thay đổi bất thường, nhưng quy luật của thiên nhiên là bất biến, không ai hoặc gì có thể thay đổi được. Can thiệp thô bạo mà không hiểu quy luật thiên nhiên, trước hay sau sẽ phải trả giá. Điều này không có nghĩa là phó mặc trời đất, nhưng trước khi can thiệp phải hiểu về quy luật vận hành của hệ thống một đồng bằng để tránh phải trả giá đắt.

5. Quy hoạch tích hợp. Điều này có thể không lạ với thế giới, nhưng lạ với Việt Nam sau nhiều thập kỷ áp dụng quy hoạch đơn ngành và theo địa phương. Quy hoạch tích hợp tổng thể là cách để đối xử với đồng bằng như một cơ thể sống, tránh mâu thuẫn lợi ích ngành, địa phương, và để phân bố không gian phát triển hợp lý trên toàn vùng.

6. Liên kết vùng. Nói đúng hơn là điều phối sự phát triển của vùng một cách hài hòa. Có rất nhiều ví dụ về hệ lụy của sự thiếu điều phối cho toàn vùng. Bao đê khép kín để canh tác vùng ngập lũ thì, đẩy nước đi nơi khác. Khai thác cát ở một nơi thì đáy sông bị sâu, sau đó khi đáy sông chính bị sâu sẽ rút đáy sông nhánh rồi tuần tự rút đáy sông rạch nhỏ hơn, làm cho sạt lở lan tỏa khắp nơi, nhưng việc cấp phép khai thác cát hiện nay lại theo ranh giới hành chính từng tỉnh. Du lịch cũng vậy, thiếu điều phối kết nối với nhau, khách đến một nơi là biết tất cả vì nơi nào cũng như nhau. Chưa kể nhiều cạnh tranh lẫn nhau giữa các địa phương vì thiếu điều phối.

Dự án thủy lợi cống Âu Thuyền Ninh Qưới (Bac Liêu). Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nguyên tắc không hối tiếc

Trong quy hoạch sự phát triển của một đồng bằng trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng, cần áp dụng “nguyên tắc không hối tiếc” vì một loạt lý do.

Thứ nhất, các dự báo về biến đổi khí hậu và nước biển dâng dù rất hữu ích để biết xu hướng diễn ra nhưng cũng hàm chứa nhiều yếu tố không chắc chắn, sẽ còn cập nhật nhiều lần. Nước biển dâng có thể cao hơn hoặc thấp hơn dự báo. Chi phí ứng phó với 30cm hay 50cm nước biển dâng sẽ rất khác với 100cm. Ứng phó với 100cm nước biển dâng ngay bây giờ cũng rất khác với 100cm cuối thế kỷ, tức gần 80 năm nữa.

Thứ hai, dự báo càng xa thì rủi ro sai số càng lớn, theo đó cần phải áp dụng nguyên tắc không hối tiếc, để tránh phải hối tiếc về sau khi dự báo không đúng như thế.

Thứ ba, hành động thích ứng có thể đúng, có thể sai, có thể có lợi trước mắt nhưng gây hại về sau, khó thấy.

Thứ tư, nguồn lực bao giờ cũng hạn chế, thì phài ưu tiên hành động nào ít rủi ro sai lầm đáng tiếc. Hành động “hối tiếc cao” là những hành động chi phí cao, khó đảo ngược khi nhận ra sai lầm; làm cho các phương án khác không còn thực hiện được; gây tác động tiêu cực cho nơi khác, ngành khác; lợi trước mắt, hại về lâu dài. Nếu đi đúng đường, tương lai ĐBSCL vẫn sáng.

Nghị quyết làm nức lòng 20 triệu dân ĐBSCL

Ngày 13/3, tại Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nghị quyết số 120/NQ-CP, được gọi là “Nghị quyết vàng”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 17/11/2017, làm nức lòng 20 triệu dân ĐBSCL. Nghị quyết 120 có ý nghĩa định hình tổng thể chiến lược phát triển bền vững ĐBSCL. Nghị quyết này như một cam kết của Chính phủ với ĐBSCL trước những cơ hội và thách thức mới.

Thời gian qua, Bộ NN-PTNT ưu tiên tập trung tổ chức triển khai 4 lĩnh vực then chốt: (1) Xây dựng Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL; (2) Phát triển thủy lợi vùng ĐBSCL; (3) Phòng, chống xói lở bờ sông, bờ biển, phòng chống thiên tai; (4) Nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi thủy sản thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng.

Đến thời điểm hiện nay, hầu hết các nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ đã cơ bản hoàn thành; một số hoạt động mang tính chất thường xuyên thì các đơn vị đang tiếp tục triển khai.

NGỌC THẮNG

Ths. NGUYỄN HỮU THIỆN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/dong-bang-song-cuu-long-co-the-lam-hinh-mau-cho-the-gioi-d285845.html