Đồng bằng sông Cửu Long có những yếu tố gì thu hút các startup?

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá có nhiều thế mạnh để hoạt động KH-CN phát triển, liên kết trong nghiên cứu và ứng dụng, tạo nên những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao.

Tại Diễn đàn Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong khuôn khổ Techfest Mekong 2022, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng nhận định: “Hệ sinh thái khởi nghiệp sẽ đưa lại hoạt động phát huy đầy đủ ý tưởng sáng tạo của mỗi con người. Chúng ta làm điều gì đó khác biệt so với những người khác - đó là ý tưởng sáng tạo, đó là làm khởi nghiệp”.

Thứ trưởng đặc biệt nhấn mạnh tới việc muốn startup thì phải có ý tưởng khác biệt so với người khác, và hãy cùng hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo đó bằng cách cùng bạn bè, cùng đồng đội… hình thành nên một doanh nghiệp. Khởi nghiệp là để tạo ra giá trị, và đó là điều cốt lõi, quan trọng nhất - tạo ra giá trị cho chính bản thân mình, tạo ra giá trị cho gia đình mình, tạo ra giá trị cho tổ chức, và rộng hơn nữa là tạo ra giá trị cho đất nước.

Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng phát biểu tại Diễn đàn

Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng phát biểu tại Diễn đàn

Theo ông Martin Kim - Giám đốc Shinhan Future’s Lab Việt Nam, đổi mới sáng tạo mở không phải là một khái niệm mới trong kinh doanh. Tuy nhiên, chúng ta thường bị cuốn theo phần “đổi mới” của mô hình, cuốn theo những ý tưởng mới mẻ, sáng tạo mà quên mất việc phải “cởi mở” trong việc tiếp nhận và hiện thực hóa những ý tưởng này một cách hiệu quả.

Ông Kim muốn khuyến khích các tập đoàn đi theo mô hình đổi mới sáng tạo mà ở đó, các công ty lớn đặt sự phát triển của startup lên trước. Khi startup phát triển bền vững, các công ty và tập đoàn cũng sẽ được hưởng lợi từ việc đồng tạo ra những thị trường mới và cùng chia sẻ những nguồn tài nguyên chung, hướng tới đồng thịnh vượng trong hệ sinh thái.

Hơn 100 doanh nghiệp liên quan đến nông nghiệp, nông nghiệp sinh học

Được mệnh danh là “Vùng đất Chín Rồng” – Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất giữ vị thế hết sức quan trọng cả về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, trong giao thương với các nước ASEAN và tiểu vùng sông Mekong. Đồng bằng sông Cửu Long có rất nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, trở thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, sớm tiếp cận nền kinh tế thị trường.

Cùng với đó, nới đây cũng được đánh giá có nhiều thế mạnh để hoạt động KH-CN phát triển, liên kết trong nghiên cứu và ứng dụng, tạo nên những sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao.

Cơ cấu kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long được ông Huỳnh Kim Tước chia sẻ tại Diễn đàn

Ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN TP.HCM chỉ ra với 4 mặt hàng chính của nông nghiệp về nông sản và thủy sản đóng góp 30%, trong khi chỉ với 2 ngành công nghiệp chiếm tới 70%. Các mặt hàng chính của nông nghiệp tuy chỉ đóng góp 30% nhưng đây là nguồn cung quan trọng, chủ chốt của ngành chế biến thực phẩm - ngành kinh tế lớn nhất của TP. HCM

Theo ông Tước, bản chất của bài toán doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là phải giải quyết được các vấn đề như tăng trưởng kinh tế, trong đó phát triển doanh nghiệp tư nhân; nâng cao năng suất doanh nghiệp, điều này phụ thuộc vào đổi mới sáng tạo.

Vậy Đồng bằng sông Cửu Long có những yếu tố gì thu hút các startup? Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN TP.HCM đã chỉ ra 3 yếu tố: Đồng bằng sông Cửu Long tập trung các doanh nghiệp lớn; Viện/Trường đại học; cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, không gian vườn ươm đổi mới sáng tạo… Ông cũng cho biết thêm, trong top 500 các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 100 doanh nghiệp liên quan đến nông nghiệp, nông nghiệp sinh học.

Ông Tước chỉ ra rằng các thách thức của vùng còn tập trung nhiều ở năng lực nguồn nhân lực. Năng lực sáng tạo và phát triển kết quả sáng tạo cũng như năng lực hiểu biết thị trường và kết nối hệ sinh thái còn hạn chế.

Ông Huỳnh Kim Tước (Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN TP.HCM)

Kết quả trên hệ thống đánh giá năng lực nghiên cứu Sihub cho thấy vùng có hơn 300 ý tưởng mới và 50 ý tưởng xuất sắc, đây chính là những tiền đề, là tiềm năng để khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển. Mặc dù còn giới hạn trong đầu tư vào KH-CN nhưng các sản phẩm và ứng dụng KH-CN của vùng đã hoạt động hiệu quả, chiếm 37,1% và dẫn đầu tỷ lệ tăng toàn quốc.

Tuy nhiên, khả năng áp dụng công nghệ cao của vùng còn chưa tốt nên khi đưa những công nghệ cao và hiện đại vào thì doanh nghiệp không hấp thụ được. Đây là vừa là cơ hội vừa là thách thức để các bạn trẻ bứt phá, ứng dụng phát triển sản phẩm.

Ông Tước cũng quan sát thấy rất nhiều doanh nghiệp, tỉnh thành địa phương làm khởi nghiệp nhưng chưa thấy ai đặt mục tiêu hình thành hệ sinh thái. Các doanh nghiệp cần đặt mục tiêu ứng dụng tối đa công nghệ cao cho doanh nghiệp và thực hiện từng bước vững chắc.

Nhận thấy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo rất đặc biệt, ông Tước đề xuất cần phải tập trung xây dựng nền tảng Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trực tuyến, lấy đây làm gốc, là nền tảng để phát triển. Đặc biệt, cân nhắc ưu tiên tái ươm tạo cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Cuối cùng, ông Tước cho rằng cần phải ký kết, hợp tác với các Trường đại học, phổ biến nhận thức để đại học thay đổi; đào tạo; tư vấn cho các Trường đại học; đồng thời chú trọng phát triển logistics, kinh tế sông và đường cảng biển.

Thu Anh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/dong-bang-song-cuu-long-co-nhung-yeu-to-gi-thu-hut-cac-startup-188586.html