Đồng bằng sông Cửu Long: Chủ động ứng phó với hạn, mặn

Theo dự báo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, những tháng đầu năm 2018, sông, rạch tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có khả năng xuất hiện các thời đoạn có dòng chảy thấp, biến động khó lường, ảnh hưởng đến sinh hoạt, sản xuất tại địa phương; đồng thời, có thể làm mặn gia tăng sớm. Không để hạn, mặn ảnh hưởng đến sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân, các địa phương đã chủ động triển khai nhiều biện pháp ứng phó.

Diễn biến phức tạp

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, từ năm 2010 đến nay, xâm nhập mặn đến sớm từ 1 đến 1,5 tháng và kéo dài hơn so với trước đây. Độ mặn đầu mùa khô khả năng lớn hơn giữa mùa, ngược với quy luật xâm nhập mặn. Năm 2018, diễn biến hạn, mặn không khắc nghiệt như những năm 2015, 2016 nhưng tương đối phức tạp. Mới đầu mùa khô nhưng nồng độ mặn với ranh mặn 4g/l xâm nhập vào đất liền từ 15 đến 45km đã xuất hiện ở nhiều vùng ven biển ĐBSCL. Trong đó, khu vực trên hai sông Vàm Cỏ, độ mặn xuất hiện lớn nhất so với cùng kỳ năm 2017 còn thấp hơn từ 0-1,3g/l; khu vực cửa sông Cửu Long nồng độ mặn xuất hiện lớn nhất so với cùng kỳ năm 2017 thấp hơn từ 0,5-5,8g/l; khu vực ven biển Tây, trên sông Cái Lớn, nồng độ mặn xuất hiện lớn nhất so với cùng kỳ năm 2017 thấp hơn 4,1-5,6g/l…

Đắp đập thời vụ tại Hậu Giang để chủ động ngăn mặn xâm nhập.

Khảo sát tại một số địa phương ven biển như: Bến Tre, Tiền Giang, Kiên Giang, Cà Mau… chúng tôi được biết, hiện nước mặn đã tấn công sâu vào nội đồng từ 20 đến 25km. Trong khi đó, ở các tỉnh, thành phố còn lại đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán. Cụ thể ở Bến Tre, nước mặn đã bắt đầu xâm nhập vào 3 cửa sông chính của tỉnh, gồm: Sông Cổ Chiên, Hàm Luông và Cửa Đại. Dự báo thời gian tới, khi triều cường kết hợp với gió chướng hoạt động mạnh, mặn sẽ xâm nhập sâu vào nội đồng, đe dọa sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân. Nguy hại nhất là hơn 40.000ha vườn cây ăn trái rất mẫn cảm với hạn, mặn. Riêng vùng cồn Hố thuộc xã An Thủy, huyện Ba Tri, người dân đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Còn tỉnh Kiên Giang, vào khoảng giữa tháng 2, nước mặn bắt đầu xâm nhập khiến người dân trở tay không kịp. Một số diện tích lúa trong giai đoạn đòng trỗ thuộc địa bàn huyện Kiên Lương và Giang Thành bị ảnh hưởng. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang cho biết: “Tình hình xâm nhập mặn trên địa bàn huyện đầu năm 2018 diễn ra hết sức phức tạp. Nước mặn xuất hiện sớm hơn so với dự báo. Mới xuất hiện nhưng nước mặn đã tấn công sâu vào nội đồng hơn 20km, làm cho trên 30.000ha lúa đang trong giai đoạn đòng trỗ tại hai xã Hòa Điền, Kiên Bình, huyện Kiên Lương và huyện Giang Thành bị ảnh hưởng. Tuy nhiên do chủ động ngay từ đầu nên các diện tích lúa bị ảnh hưởng nhẹ và hiện tại đã được khắc phục hoàn toàn”.

Nhiều địa phương vào cuộc mạnh mẽ

Rút kinh nghiệm từ những năm trước nên cuối năm 2017, chính quyền và nhà vườn tỉnh Tiền Giang đã triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó với nước mặn. Ông Trình Văn Sỹ, nhà vườn trồng 1,5ha sầu riêng tại xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy cho biết: “Năm 2016, do không chủ động phòng, chống nên mặn tấn công làm nhiều diện tích cây ăn trái bị ảnh hưởng. Nhưng năm nay, từ trước Tết gia đình tôi đã chủ động nạo vét các đầm nước xung quanh vườn và bố trí hệ thống máy để bơm nước ngọt trữ lại. Nhờ vậy mà có hạn, mặn thì 1,5ha vườn sầu riêng vẫn được bảo đảm”.

Kiên Giang đẩy nhanh tiến độ thi công các cống, đập ngăn mặn. Ảnh: Huỳnh Xây

Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có gần 500 cống, đập để ngăn mặn, trữ ngọt. Tính đến thời điểm này, 9 cống lớn tại Cù lao Tân Phú Đông và hàng chục cống, đập ven biển của vùng Gò Công đều được đóng kín. Riêng cống Xuân Hòa tại huyện Chợ Gạo tăng cường lấy nước vào để cung cấp nước cho hàng chục nghìn héc-ta lúa và vườn cây ăn trái ở các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông và thị xã Gò Công. Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Tiền Giang thông tin thêm: “Tỉnh đã phân phối 16 thuyền bơm với công suất 32.000 mét khối/giờ cho các địa phương để chủ động bơm tiếp nước ngọt khi mặn tăng cao. Riêng cống Xuân Hòa được đầu tư gần 20 tỷ đồng xây dựng hệ thống đóng, mở cống thủy lực để thuận lợi cho việc lấy nước ngọt vào kênh nội đồng. Nhờ chủ động trong ngăn mặn, trữ ngọt mà hơn 26.000ha lúa và hàng chục nghìn héc-ta vườn cây ở vùng này chưa bị ảnh hưởng”.

Còn tỉnh Kiên Giang, đến thời điểm này, phần lớn các cống ven biển Tây từ thành phố Rạch Giá đến huyện biên giới Giang Thành đã đóng để ngăn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất lúa đông xuân. Trên vùng Tứ giác Long Xuyên, tây sông Hậu và U Minh Thượng, tỉnh cũng tập trung triển khai thực hiện, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình thủy lợi trọng điểm, nạo vét kênh mương bồi lắng để trữ nước ngọt cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong mùa khô.

Đối với một số địa phương khác như: Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng và Bến Tre… để chủ động ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn, ngoài nạo vét kênh mương thủy lợi, đóng các cống, đập ngăn mặn, còn chủ động phân công cán bộ kỹ thuật nông nghiệp bám sát địa bàn, cập nhật theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của hạn mặn. Mỗi ngày hai lần đều đến các kênh rạch trên địa bàn để đo nồng độ mặn, thông tin kịp thời cho người dân. Duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng các công trình thủy lợi, hệ thống cấp nước bị hư hỏng, xuống cấp; đẩy nhanh thi công, đưa vào vận hành, khai thác các công trình thủy lợi để kịp thời ngăn mặn, trữ ngọt; bảo đảm vận hành các nhà máy nước liên tục phục vụ nhân dân.

Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang nói: “Từ trước Tết Nguyên đán 2018, tỉnh đã chủ động cơ cấu mùa vụ truyền thống, quy hoạch sản xuất của các vùng trồng lúa, cây ăn trái, rau màu… với mục tiêu bảo đảm đủ nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp cho bà con ở vùng có nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn cho vụ lúa đông xuân 2017-2018 và hè thu 2018; bảo đảm chống hạn cho diện tích lúa đông xuân 2017-2018 và diện tích lúa hè thu 2018 ở các huyện Châu Thành, Châu Thành A, Phụng Hiệp, thị xã Ngã Bảy”.

Hiện tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL chưa phải là đỉnh điểm, nhưng với những biện pháp, kế hoạch chủ động đối phó tích cực ngay từ đầu của chính quyền địa phương và người dân sẽ góp phần giảm đáng kể những thiệt hại cho sản xuất cũng như sinh hoạt của người dân nơi đây.

Bài và ảnh: THÚY AN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/dong-bang-song-cuu-long-chu-dong-ung-pho-voi-han-man-534336