Đồng bằng sông Cửu Long bước vào cao điểm xâm nhập mặn

Đồng bằng sông Cửu Long đang trong đợt mặn cao điểm, kéo dài tới ngày 15-3-2020. Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai khuyến cáo các địa phương hạn chế tưới nhằm giảm thiểu thiệt hại sản xuất. Đối với diện tích trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chịu mặn kém, trước khi tưới cần kiểm tra nồng độ mặn.

Cán bộ Đồn Biên phòng Tân Thành, BĐBP Tiền Giang chở nước ngọt cấp miễn phí cho người dân trên địa bàn. Ảnh: Hồ Phúc

Cán bộ Đồn Biên phòng Tân Thành, BĐBP Tiền Giang chở nước ngọt cấp miễn phí cho người dân trên địa bàn. Ảnh: Hồ Phúc

Ngày 10-3, độ mặn đo được trên sông Cửa Tiểu là 7,5g/l, kéo dài tới 57km cao hơn mùa khô năm 2015-2016 2,1g/l; trên sông Cửa Đại là 10g/l; sông Hàm Luông là 16,1g/l, vào sâu 18km.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, mùa mưa năm 2019 trên lưu vực sông Mê Công xuất hiện muộn, thời gian mùa mưa ngắn, tổng lượng dòng chảy năm chỉ ở mức trung bình - thấp. Dòng chảy về đồng bằng từ đầu mùa khô đến nay giảm nhanh, đang xuống ở mức rất thấp so với tài liệu trung bình nhiều năm từ 1980 đến nay.

Hai yếu tố thượng lưu quan trọng chi phối chủ đạo đến nguồn nước, xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020 ở vùng đồng bằng sông Cửu Long là lượng trữ trong Biển Hồ (TonleSap) và dòng chảy đến Kratie (đầu châu thổ MeKong). Lưu lượng về đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu hụt nghiêm trọng so với trung bình nhiều năm, thậm chí thấp hơn cả năm 2015-2016 (năm xuất hiện xâm nhập mặn kỷ lục). Đây là nguyên nhân chính gây xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài trong mùa khô 2019-2020.

Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai dự báo, trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với việc sử dụng và khai thác tài nguyên nước trong lưu vực (tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập) sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập kéo dài hơn và trở nên trầm trọng hơn.

Tính đến ngày 2-3, hạn mặn đã gây thiệt hại nặng cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể, tại tỉnh Cà Mau hơn 27.000 ha lúa bị thiệt hại; 3.568 hộ thiếu nước sinh hoạt. Ngoài ra, địa phương này xảy ra 887 điểm (21.167m) sụp lún ven bờ kênh; đáy Cống Trùm Thuật Nam, huyện Trần Văn Thời bị xoáy lở.

Tỉnh Bến Tre cũng bị thiệt hại 104,7 ha lúa Thu Đông (30-70%); 5.000ha lúa Đông Xuân sinh trưởng và phát triển chậm (khả năng cao bị mất trắng). Toàn bộ người dân trên địa bàn tỉnh đều bị ảnh hưởng do nước sinh hoạt bị nhiễm mặn.

Tỉnh Trà Vinh có 624ha lúa Đông Xuân bị thiệt hại từ 30-70%. Tổng số hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt là 8.662 hộ (huyện Càng Long, Châu Thành).

Tỉnh Vĩnh Long chưa ghi nhận thiệt hại về sản xuất nông nghiệp nhưng có tới 66.200 hộ (huyện Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít và Tam Bình) bị ảnh hưởng do nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm mặn.

Tỉnh Kiên Giang có 172ha lúa mùa (huyện An Minh) bị thiệt hại hoàn toàn và 1.503ha lúa Đông Xuân bị thiệt hại từ 30-70%.

1.000 ha lúa Đông Xuân của tỉnh Sóc Trăng bị thiệt hại (30-70%: 773ha, >70%: 227ha).

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/dong-bang-song-cuu-long-buoc-vao-cao-diem-xam-nhap-man/