'Đồng bạc đâm toạc tờ giấy!'

Nhà báo dũng cảm, xung trận, xả thân mỗi năm phanh phui nhiều vụ việc tiêu cực động trời, góp phần đem lại ngọn gió lành cho xã hội. Giá như không có báo chí - truyền thông, thế giới này sẽ ra sao, như thế nào?

“Đồng bạc đâm toạc tờ giấy”. Cha ông ta đã tổng kết, đố có gì sai!

Dòng chảy chủ đạo của cuộc sống này, cái tốt luôn chiếm ưu thế. Nhà báo dũng cảm, xả thân, trung thực là lực lượng đông đảo, hùng hậu.

Ấy nhưng, những câu chuyện về việc nhà báo tham lam, ngửa tay nhận đồng tiền bẩn - hối lộ của kẻ xấu, xưa nay, trong nước, ngoài nước không còn là chuyện lạ, chuyện cá biệt.

Đất nước Trung Hoa rộng lớn bao la, có cả vài triệu người hành nghề ký giả. Năm 2016, báo giới Trung Quốc có gần một ngàn nhà báo “ăn bẩn” kiểu đó. Một phóng viên điều tra ở tỉnh Phúc Kiến, làm báo để vụ lợi, tiền nhiều không đếm xiết đã đóng hòm chôn sâu dưới đất, khi công an bắt đã phải khai ra khoản tiền “bẩn” cất giấu đó.

Ở Việt Nam, Hội Nhà báo đã thống kê trong vài chục năm trở lại đây có kha khá nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, ăn dơ, ăn bẩn - đồng tiền đâm toạc tờ giấy, bẻ cong ngòi bút. Thói thường, đám ký giả hư hỏng này dò ra nơi nào có tiêu cực, tham nhũng, cán bộ nào giàu có bất thường là mò tới viết bài, chụp ảnh, bắn tin đe nẹt khổ chủ, dọa doanh nghiệp rồi vòi tiền. Họ làm ra vẻ dũng cảm lắm - chiến sĩ tiên phong chống tiêu cực. Nhưng, bên trong lòng họ là bao sự tính toán, tìm cớ vòi vĩnh, đổi chác, ăn dơ - ăn tạp.

Một cuộc hội thảo khoa học về đạo đức báo chí do Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì tại Hà Nội, với gần 40 tham luận chuẩn bị công phu đã phân tích diễn giải cả về lý luận và thực tiễn, chung quanh “Đồng tiền đâm toạc tờ giấy” - vì tiền mà bẻ cong ngòi bút - tâm không sáng, lòng không trong, bút không sắc! Năm 2016, 10 điều quy định về đạo đức người làm báo đã được Hội Nhà báo Việt Nam ban hành, thực thi trong toàn Hội.

Một câu chuyện nóng, vừa xảy ra liên quan “đồng tiền đâm toạc tờ giấy” trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Cứ theo các nguồn tin chính thức, Trưởng ban Bạn đọc báo điện tử Giáo dục Việt Nam Lê Duy Phong tham gia viết bài về các biệt thự khủng - sự giàu có của quan chức A, quan chức B, quan chức C ở tỉnh nghèo miền núi này. Chuyện động trời, đúng lúc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra tại Hà Nội, cả nước đang triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Giá như (lại giá như), Lê Duy Phong cứ đàng hoàng mà “chiến đấu”, bằng ngòi bút trung thực và xây dựng để mà phanh phui các biểu hiện tiêu cực, góp phần làm trong sạch Đảng, lành mạnh hóa các quan hệ xã hội thì đẹp biết bao.

Cuộc đời đâu có vậy. Chung quanh vụ việc này, dư luận có những ý kiến - suy đoán khác nhau. Hãy cứ theo nguồn tin chính thống, Lê Duy Phong đã nhận tiền ở quán ăn - một cục tiền hẳn hoi và công an ập vào bắt tại trận. Lê Duy Phong bị cơ quan tiến hành tố tụng, quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam - về tội “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”. Thế là chết rồi, dù là tạm giam cũng là vào vòng lao lý. Đã bị khởi tố, bắt tạm giam - là tạm mất quyền công dân; theo Luật Báo chí, thẻ nhà báo cũng bị tước nốt. Lê Duy Phong viết bài chống tiêu cực xuất phát từ động cơ nào? Cơ quan có thẩm quyền rồi sẽ kết luận rõ ràng, khi có đủ chứng cứ. Một bài học, không thể không luận bàn, rút ra những điểm chung về sự rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, về quy trình - quy chế quản lý phóng viên (và quản lý nội dung thông tin) của các tòa soạn báo?

“Đồng bạc đâm toạc tờ giấy”. Cha ông ta đã tổng kết, đố có gì sai!

Đồng tiền là phương tiện phục vụ cuộc sống con người. Nhưng đồng tiền không sạch là kẻ thù giết chết chính mình, khi thiếu bản lĩnh và sự trui rèn trong cuộc sống, trong hành nghề (!)

Ong Vò Vẽ

Nguồn Người Làm Báo: http://nguoilambao.vn/dong-bac-dam-toac-to-giay-n6516.html