Đông Anh phát triển nông nghiệp công nghệ cao

nh hướng trở thành đô thị vệ tinh, huyện Đông Anh đang tích cực phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, bước đầu mang lại những tín hiệu khả quan, từng bước tạo ra phương thức sản xuất mới, hiện đại, hiệu quả kinh tế cao...

Là mô hình tiêu biểu với hệ thống chuồng trại hiện đại nhất huyện Đông Anh, đến nay trang trại chăn nuôi gia súc của gia đình ông Đinh Văn Đoàn, xã Tiên Dương có doanh thu từ 10 đến 12 tỷ đồng/năm. Ông Đoàn cho biết, hiện nay trang trại áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) với quy mô nuôi 500 lợn nái và 200 lợn thương phẩm. Với tổng mức đầu tư hàng trăm tỷ đồng, hệ thống chuồng trại chăn nuôi của gia đình ông Đinh Văn Đoàn đã xử lý tốt vấn đề môi trường. Ngoài trang trại của ông Đinh Văn Đoàn, nhiều hộ chăn nuôi gà, lợn, trứng thương phẩm trên địa bàn huyện cũng cho hiệu quả kinh tế cao, bởi đầu tư và chăn nuôi theo hướng hiện đại. Hầu hết sản phẩm của các trang trại được tiêu thụ tại siêu thị ở Hà Nội và xuất bán đi nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Không chỉ dừng lại ở chăn nuôi, nhiều mô hình trồng trọt ứng dụng công nghệ ở huyện Đông Anh cũng cho hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như mô hình trồng rau hữu cơ tại xã Tiên Dương, với diện tích 1ha có thể cho doanh thu từ 1,5 đến 2 tỷ đồng/ha/năm. Về mô hình này, bà Nguyễn Thị Thoa, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội) nhận định: Sản xuất hữu cơ là định hướng phát triển của ngành Nông nghiệp Hà Nội trong những năm tiếp theo. Đây cũng là tiền đề để huyện Đông Anh triển khai các mô hình ứng dụng công nghệ cao.

Ngoài mô hình trồng rau hữu cơ nêu trên, huyện Đông Anh còn xây dựng thành công cơ sở trồng rau an toàn ứng dụng công nghệ tưới Israel ở xã Liên Hà với diện tích 1.000m2, doanh thu đạt từ 400 đến 500 triệu đồng/ha/năm. Hay mô hình trồng rau an toàn của Hợp tác xã Sông Hồng trên diện tích 6.000m2, trong đó 2.000m2 trồng trong nhà màng lắp hệ thống tưới theo công nghệ Israel, cho doanh thu 1,5 tỷ đồng/ha/năm.

Ông Hoàng Mạnh Lâm, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh cho biết: Để đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, cung ứng nông sản, thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô, Đông Anh đã đẩy mạnh công tác dồn điền đổi thửa nhằm tạo điều kiện cho các hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa ứng dụng khoa học vào sản xuất. Đến nay, toàn huyện đã thực hiện được 1.865/1.981ha (đạt 94% kế hoạch), diện tích còn lại sẽ tiến hành dồn đổi trong năm nay và đầu năm 2018. Đây là điều kiện để huyện Đông Anh tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng chất lượng cao, nông sản sạch. Năm 2016, toàn huyện đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng 125ha; năm 2017 là 70ha. Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2016-2020, cả huyện sẽ chuyển đổi 800ha...

Theo ông Phạm Văn Châm, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, để thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, huyện Đông Anh đã có nhiều chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư, tuy nhiên số lượng chưa nhiều. Nguyên nhân được nhìn nhận là chi phí đầu tư vào cơ sở hạ tầng tốn kém, việc giải phóng mặt bằng còn vướng mắc khiến doanh nghiệp không mặn mà. Trong khi đó, đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn bấp bênh. Gỡ "nút thắt" này, huyện Đông Anh đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt để mỗi địa phương có từ 1 đến 2 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Cùng với những hỗ trợ cụ thể của thành phố, cộng với quyết tâm cao của Đông Anh, đây là động lực mạnh mẽ thúc đẩy nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện trong thời gian tới.

Đào Huyền

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/882910/dong-anh-phat-trien-nong-nghiep-cong-nghe-cao