Đông Anh phấn đấu trở thành quận vào năm 2020

Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành Ủy, UBND Thành Phố về định hướng phát triển huyện Đông Anh thành Quận, UBND huyện đã chủ động trong việc xây dựng Đề án Đầu tư xây dựng huyện Đông Anh thành Quận vào năm 2020.

Đây là thông tin được ông Nguyễn Xuân Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết tại buổi giao ban Báo chí chiều ngày 20/11.

Ông Nguyễn Xuâ Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh

Kinh tế trên địa bàn tiếp tục tăng trưởng cao hơn so với năm 2017

Giá trị sản xuất các ngành kinh tế trên địa bàn (giá so sánh) ước đạt 127.967 tỷ đồng tăng 10,6 % (KH 9,5 – 9,8%). Trong đó: CN-XDCB tăng 10,4% (KH 9,3-9,6%); thương mại dịch vụ tăng 15,8% (KH 13,8%); nông lâm thủy sản tăng 2,3% (KH 0,9-1,2%); khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 10,5%. Khu vực Huyện quản lý tăng 11,2% (trong đó, CN - XDCB tăng 10,8%, TM - DV tăng 15,6%, NLN-TS tăng 2,3%).

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng mà BCH Đảng bộ Huyện đã đề ra, cụ thể: Trên địa bàn huyện: CN -TTCN chiếm 89,5%; TMDV chiếm 8,9%; NN chiếm 1,6%.

Đông Anh được công nhận là huyện Nông thôn mới

Năm 2018, sản xuất nông nghiệp đã được chỉ đạo tập trung và chủ động trong triển khai thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ sản xuất nông nghiệp do đó sản xuất nông nghiệp của Huyện đạt được kết quả tốt: Giá trị sản xuất NLN - thủy sản trên địa bàn ước đạt 2.128 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ. Cơ cấu kinh tế nội ngành tiếp tục chuyển dịch đúng định hướng với tỷ lệ trồng trọt chiếm 41%, chăn nuôi 59% .

Về trồng trọt, tổng diện tích gieo trồng các loại cây trồng đạt 17.221 ha, (giảm 220 ha so với cùng kỳ, lý do: diện tích đất sản xuất nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng; một phần chuyển diện tích chuyển sang cây trồng hàng năm). Nhiều giống cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao được nhân dân tiếp thu vào sản xuất.

Về chăn nuôi - thủy sản: Tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và ngày càng phát triển (tập trung chủ yếu ở các mô hình kinh tế trang trại và chăn nuôi tập trung tách khỏi khu vực dân cư với trên 60% mô hình cho hiệu quả kinh tế cao). Công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản được tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ, không có ổ dịch phát sinh trên địa bàn.

Công nghiệp - TTCN được quan tâm chỉ đạo, kết quả: Giá trị sản xuất ngành công nghiệp thuộc huyện ước đạt 18.540 tỷ đồng (tăng 11,2%). So với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ doanh nghiệp bỏ trốn, giải thể, dừng hoạt động giảm dần (Theo số liệu thống kê cho thấy toàn Huyện có 4.050 doanh nghiệm đang hoạt động ổn định, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2017)

Thương mại, dịch vụ và du lịch thu được nhiều kết quả: Các loại hình thương mại dịch vụ trên địa bàn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; Giá trị sản xuất ngành Thương mại - Dịch vụ đạt 10.171 tỷ đồng tăng 15,8%.

Trường học được đầu tư xây mới đáp ứng được nhu cầu của học sinh

Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh, quản lý thị trường được tăng cường, hiệu quả, góp phần đảm bảo văn minh thương mại, đảm bảo quyền, lợi ích của người tiêu dùng, bình ổn thị trường.

Công tác phát triển du lịch được quan tâm chỉ đạo ngày càng phát triển với tỷ lệ du khách đến thăm ngày một đông hơn.

Phấn đấu năm 2020 huyện Đông Anh sẽ trờ thành quận

Để Đông Anh trở thành quận vào năm 2020, UBND huyện đã chủ động trong việc xây dựng Đề án Đầu tư xây dựng huyện Đông Anh thành quận vào năm 2020 và các Đề án thành phần để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt làm căn cứ để tổ chức triển khai thực hiện.

Cầu Đông Trù kết nối giao thông để phát triển kinh tế

Theo ông Nguyễn Xuân Linh, để Đông Anh có thể trở thành Quận chính quyền và nhân dân huyện Đông Anh cần cố gắng và nõ lực rất nhiều trong việc hoàn thiện tổ chức bộ máy, hạ tầng cơ sở và các thiết chế văn hóa để đáp ứng được yêu cầu của đơn vị hành chính quận.

Trước mắt huyện Đông Anh sẽ phải giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, khu công nghiệp và ô nhiễm do bà con nông dân đốt cháy rơm rạ sau mỗi mùa vụ. Đây là nhiệm vụ đặt lên hàng đầu cần phải giải quyết dứt điểm.

Theo ông Linh, huyện Đông Anh cũng đã có đề án để thu gom rơm rạ sau sản xuất để chế biến thành phân bón hữu cơ phục vụ lại cho nhu cầu của bà con, vừa đảm bảo không ô nhiễm môi trường đồng thời lại tái sản xuất các sản phẩm từ nông nghiệp. Với Đề án này UBND huyện sẽ tổ chức lực lượng thu gom rơm rạ của bà con, tập trung và xử lý bằng công nghệ vi sinh để tạo ra nguồn phân bón hữu cơ. Lực lượng này được tổ chức và trả lương để thực hiện nhiệm vụ.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Kinh tế nông thôn về việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của huyện Đông Anh trước sự phát triển, ông Nguyễn Xuân Linh cho biết: UBND huyện dã có những đề án để bảo tồn, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể có từ lâu đời. Hiện, huyện Đông Anh có rất nhiều di tích lịch sử, trong đó có 2 di tích lịch sử tầm cỡ Quốc gia đó là đền Cổ Loa và đền Sái, ngoài ra còn có làng múa rối nước Đào Thục, ngoài việc quy hoạch để bảo tồn theo các quy định của Nhà nước, UBND huyện Đông Anh còn tuyên truyền cho nhân dân trên địa bàn hiểu và thấy được giá trị văn hóa, giá trị lịch sử của các di tích này, từ đó người dân có ý thức hơn trong việc gìn giữ và bảo tồn các giá trị văn hóa của địa phương.

Ông Trần Xuân Hà, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội

Đánh giá Báo cáo của UBND huyện Đông Anh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Trần Xuân Hà, cho biết: "Đông Anh là một huyện ngoại thành của Thủ đô, trong những năm qua huyện đã có những phát triển nhảy vọt cả về kinh tế, văn hóa và xã hội. Chính quyền, nhân dân huyện Đông Anh đã nỗ lực hết mình để phát triển kinh tế, an ninh được đảm bảo. Các cơ quan báo chí cần tuyên truyền và ủng hộ huyện Đông Anh trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và huyện Đông Anh để đến năm 2020 huyện trở thành Quận".

Ngọc Thủy

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/dong-anh-phan-dau-tro-thanh-quan-vao-nam-2020-post23897.html