Đông Anh, Hà Nội: Dân nghẹt thở vì hàng loạt doanh nghiệp đua nhau xả khói

Gần 2 năm trở lại đây, mấy chục cơ sở sản xuất gỗ dán, tái chế phế liệu, đúc phôi thép, chiết xuất dầu … nằm trên địa bàn xã Việt Hùng (huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) đua nhau xả khói làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân.

Ô nhiễm nghiêm trọng

Phản ánh của người dân xã Việt Hùng (huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) tới báo TN&MT cho biết, vài năm trở lại đây, trên địa bàn thôn Trung, xã Việt Hùng xuất hiện mấy chục cơ sở sản xuất đủ các ngành nghề như: ép gỗ, tái chế sắt thép, nấu lốp cao su, sản xuất bê tông … Các cơ sở này (tập trung ở các địa điểm Bãi Thó, Lò Vôi, Bãi Than, đặc biệt là khu vực ga Cổ Loa) thường xuyên xả thải (đặc biệt là xả khói) gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm ảnh hưởng tới cuộc sống người dân xung quanh.

Nhằm làm rõ thông tin, PV báo TN&MT đã trực tiếp xuống khu vực trên để ghi nhận thực tế. Quan sát của PV nhận thấy, khu vực mà người dân phản ánh rộng khoảng 40.000 m2 và có đường xá rất khang trang, rộng lớn. Dọc tuyến đường chạy vào khu đất trên là các nhà xưởng, nhà máy, bãi tập kết nguyên vật liệu mọc lên san sát. Nhìn bề ngoài, khu vực này giống hệt một cụm công nghiệp nhỏ với đủ các công ty sản xuất ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: sản xuất gỗ ép, luyện thép, làm bê tông, làm lốp cao su … Thời điểm PV có mặt, một số công ty vẫn đang hoạt động. Đặc điểm chung dễ nhận thấy là khói thải của các cơ sở này đều có màu đen kịt và bốc mùi khét lẹt.

Một cơ sở sản xuất xả khói đen kịt ra môi trường

Thấy PV đang tác nghiệp, bác Trần Thị Xuyến, một người dân sống sát ngay các cơ sở sản xuất này chạy ra than thở: “Dân chúng tôi ở đây sắp chết ngạt rồi các anh ơi. Các anh tính, mấy chục nhà máy đua nhau cùng xả khói thì chúng tôi thở làm sao được. Mà khói thải ở đây lúc nào cũng đen xì, có mùi khét lẹt. Người bình thường chỉ ngửi vài phút là thấy nôn nao chỉ chực nôn ọe. Vậy mà biết bao con người ở cái thôn này đêm ngày phải chịu cảnh sống dở chết dở suốt mấy năm qua. Chúng tôi kêu cứu, kiến nghị mãi nhưng chính quyền họ có nghe đâu. Các doanh nghiệp vẫn xả thải ầm ầm”.

Bác Xuyến cũng cho biết thêm: “Thấy dân chúng tôi kêu nhiều quá, hầu hết các doanh nghiệp chuyển sang hoạt động buổi đêm. Họ hoạt động từ 19h cho tới tận sáng hôm sau. Thời điểm đó, tất cả các nhà máy đồng loạt xả khói khiến không khí ngột ngạt không thở nổi. Buổi tối là thời gian nghỉ ngơi của mọi người nhưng đối với chúng tôi, buổi tối là một cực hình tra tấn khủng khiếp”.

Chị Hồ Thị Thoa, một hộ dân khác cũng sinh sống sát cạnh khu sản xuất này cho hay: “Trước đây, khu vực này không khí rất trong lành. Thế nhưng 2 năm trở lại đây, hàng chục doanh nghiệp chuyển về, dựng xưởng hoạt động sản xuất đã gây ô nhiễm không khí trầm trọng. Những cột khói của các cơ sở này đua nhau xả thải làm cả khu vực xung quanh lúc nào cũng đặc quánh lại vì khói. Trong số đó, những nhà ở mặt đường Đức Nội như nhà tôi là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Các anh cứ đi dọc khu này là biết, nhà nào nhà nấy phải làm cửa kính kín, đóng im ỉm suốt ngày đêm. Hễ mở ra một tý là khói bụi bám lên đồ đạc đen kịt. Bản thân tôi thường xuyên hít phải khói bụi ô nhiễm nên bị tức ngực, khó thở. Trẻ con quanh vùng cũng đều có bệnh về hô hấp”.

Một góc nhà xưởng trong cả khu sản xuất rộng khoảng 5 ha

Đùn đẩy trách nhiệm?

Nhằm làm rõ những vấn đề liên quan, PV đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Hữu Sáng, Chủ tịch UBND xã Việt Hùng, huyện Đông Anh. Ông Sáng cho hay, vào cuối năm 2016, lãnh đạo xã đã nhận được phản ánh của người dân thôn Trung về các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Tháng 5/2017, UBND xã Việt Hùng thành lập đoàn kiểm tra về tài nguyên môi trường, an ninh trật tự với các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn xã Việt Hùng, báo cáo lên UBND huyện Đông Anh.

Theo kết quả kiểm tra của xã Việt Hùng, nhiều công ty đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về bảo vệ môi trường. Cụ thể, những đơn vị gây ô nhiễm chính bao gồm: Xưởng chế biến thép của hộ ông Lưu Quang Hùng, xưởng chiết xuất dầu của công ty Thịnh Kim, công ty thép Việt Đức và hàng loạt các xưởng gỗ ép. “Những cơ sở này là nguyên nhân chính tạo ra khói đen và có mùi khó chịu làm ảnh hưởng tới người dân quanh khu vực. Chúng tôi đã kiến nghị lên huyện yêu cầu giải tán xưởng sản xuất của hộ ông Lưu Quang Hùng, công ty Thịnh Kim và các xưởng gỗ ép để họ không xả thải ra môi trường nữa. Trong tháng 7/2018 này, huyện Đông Anh cũng tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm vấn đề nêu trên”.

Theo thông tin ông Nguyễn Hữu Sáng cung cấp, khu vực có các cơ sở sản xuất nêu trên rộng khoảng 50.000 m2, được thành phố Hà Nội cho 3 công ty gồm: Công ty cổ phần đầu tư sản xuất công nghiệp - Nhà máy Bê tông kết cấu thép xây dựng Đông Anh; Công ty cổ phần dịch vụ và sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng Đông Anh; Công ty cổ phần sản xuất và kinh doanh vật tư thiết bị VVMI thuê đất từ rất lâu rồi. Hoạt động của những công ty này trước đây cũng không gây ô nhiễm và người dân cũng không có ý kiến gì. Tuy nhiên vào cuối năm 2016, các công ty này lại ngang nhiên cho các đơn vị khác vào thuê đất, dựng xưởng trái phép và tình trạng ô nhiễm môi trường bắt đầu phát sinh từ đó.

Hiện có khoảng hơn 20 cơ sở sản xuất thuê lại đất của 3 công ty được thành phố Hà Nội cho thuê đất

Trả lời câu hỏi liên quan tới trách nhiệm quản lý trên địa bàn khi xã Việt Hùng để cho 3 công ty được thành phố Hà Nội cho thuê đất tự ý “xẻ thịt” rồi cho mấy chục đơn vị khác thuê lại, ông Sáng nói: “Mặc dù xã là cấp gần dân nhất nhưng đất không do chúng tôi quản lý. Người ta dựng xưởng trên đất được thành phố cho thuê thì cũng khó mà ngăn cản. Tuy nhiên vào cuối năm 2016, khi người dân có ý kiến, chúng tôi đã lập đoàn kiểm tra vào kiểm tra ngay. Sau đó chúng tôi đã báo cáo lên huyện. Giờ phương án xử lý thế nào thuộc thẩm quyền của huyện, chúng tôi chỉ là đơn vị phối hợp thôi”.

Mặc dù những lời ông Sáng nói đều rất “đúng thẩm quyền” nhưng quá trình mấy chục doanh nghiệp vào dựng xưởng, dựng nhà máy rầm rộ như vậy, lẽ nào chính quyền xã không hay biết? Nếu biết thì tại sao xã Việt Hùng không báo cáo ngay với huyện Đông Anh để huyện có những giải pháp ngăn chặn ngay từ bước đầu, tránh tình trạng “nước đến chân mới nhảy” như bây giờ?

Phạm Thiệu

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/moi-truong/huyen-dong-anh-hn-dan-chet-mon-vi-hang-loat-doanh-nghiep-dua-nhau-xa-khoi-1255671.html