Dona Đỗ Ngọc với 'Những chuyến xe đàn bà'

Buổi giao lưu, ra mắt cuốn sách "Những chuyến xe đàn bà" của nhà báo, nhà nhiếp ảnh Dona Đỗ Ngọc do Chi Nhánh Nhà Xuất bản Trẻ (NXB) tại Đà Nẵng tổ chức ngày 12-10 để lại nhiều dư âm sâu lắng về những thông điệp mà người viết muốn gửi đến độc giả, đặc biệt là phái nữ. Từ những gì Đỗ Ngọc tâm sự, chia sẻ, người đọc hiểu thêm vì sao chị lại đặt tựa đề cho gần 50 tạp văn trong cuốn sách thứ ba của mình là "Những chuyến xe đàn bà", để thấy yêu thương hơn những người đàn bà trong cuộc sống này!

Nhà báo, nhà nhiếp ảnh Đỗ Ngọc trong buổi ra mắt cuốn sách "Những chuyến xe đàn bà". Ảnh: P.T

Nhà báo, nhà nhiếp ảnh Đỗ Ngọc trong buổi ra mắt cuốn sách "Những chuyến xe đàn bà". Ảnh: P.T

Trong suốt buổi giao lưu, Dona Đỗ Ngọc hơn một lần nhấn mạnh mình không phải là nhà văn mà chỉ là một nhà báo, nhiếp ảnh viết những suy nghĩ, cảm nhận, góc nhìn của mình về những người phụ nữ đã từng gặp, hoặc cùng đồng hành trên những chuyến xe DonaFotour- hành trình sống của chị. Trong quan niệm của Đỗ Ngọc, được làm đàn bà là hạnh phúc. Kể cả khi người đàn bà ấy đang đau khổ, có những nỗi buồn thì nỗi buồn ấy, sự đau khổ ấy dưới góc nhìn tinh tế, nhân văn của chị cũng không hề bi thương, mà đó là một nỗi buồn rất đẹp và rất... đàn bà! Theo chị, đã làm đàn bà là "khổ rồi", nhưng khổ ở đây là "khổ đẹp" vì phải sống có trách nhiệm với gia đình, con cái, với các mối quan hệ nhằng nhịt trong cuộc sống. Lâu nay, khi nói về phụ nữ, người ta thường hay dùng cụm từ "thân phận người phụ nữ", tuy nhiên, trong cuộc sống hiện nay, theo chị từ "thân phận" xem ra không còn phù hợp nữa. Bởi được làm đàn bà là hạnh phúc và đàn bà "khổ" cũng có nghĩa là người đàn bà biết chăm lo đến vai trò, chức năng, thiên chức mà tạo hóa đã ban cho. Còn hạnh phúc nào lớn hơn đối với người phụ nữ khi được làm vợ, làm mẹ? Có lẽ vì quan niệm đó nên trong gần 50 tạp văn của "Những chuyến xe đàn bà", có những tạp văn chị sẻ chia nỗi buồn, nỗi đau của những người phụ nữ sống không được hạnh phúc, phải chia tay với chồng, nhưng người đọc cảm nhận được rằng, nỗi buồn của sự chia tay đó không hề bi thương, mà đó là... nỗi buồn đẹp. "Không phải bất kỳ cuộc chia tay nào cũng có kết cục buồn. Có những cuộc chia tay để mở ra một trang mới cho người phụ nữ, giúp họ đi đến một cuộc gặp mới tốt đẹp hơn lên rất nhiều"- Đỗ Ngọc bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề liên quan đến hôn nhân gia đình. Và tôi cảm nhận được đằng sau cái nhìn rất hiện thực ấy là cái nhìn đầy nhân văn của một người đàn bà từng trải, biết cảm thông, sẻ chia trong chị.

Cũng ở "Những chuyến xe đàn bà" người đọc sẽ bắt gặp sự chia sẻ của chị về những phút giây thảnh thơi của những người phụ nữ có thể là tiến sĩ, hoa hậu, doanh nhân, bác sĩ, người nội trợ, nhà báo. Và trong giây phút thảnh thơi ấy, những người đàn bà ấy thật đáng yêu. Như lời chị viết ở trang đầu cuốn sách: "Niềm vui của đàn bà nhiều khi thật đơn giản, chia sẻ với nhau vẻ đẹp của những bông hoa, tiếng cười lảnh lót một góc đồi. Chỉ ngắm nhìn dã quỳ trong nắng, trong mưa, rồi về, phía xa là cơn giông xám đen một góc trời. Những giây phút vui vẻ, thảnh thơi bên nhau thật quý giá, sau những lo toan bận rộn con cái, công việc đời thường. Có một cái gì thật cảm động khi tôi ngắm nhìn họ từ xa. Những ánh mắt long lanh tươi sáng kia, những nụ cười hồn nhiên vô tư tạo cho họ một thần thái, một nhan sắc khác. Một vẻ đẹp có sức lan tỏa, truyền cảm hứng sống đầy năng lượng. Ngắm nhìn những người đàn bà từ xa, chụp ảnh họ, tôi như viết ngôn tình bằng ống kính". Dưới góc nhìn của một người từng trải qua các vị trí khác nhau của người làm báo, của một nhiếp ảnh gia và trên hết là với tư cách của một người đàn bà, chị cho rằng, khi đã là đàn bà thì dù bạn là ai cũng phải tự tạo cho mình năng lượng, tự biết chăm sóc bản thân, biết yêu thương mình. Kể cả khi người phụ nữ nào đó không tìm được cho mình một mái ấm riêng thì cũng phải "tự biết hạnh phúc một mình", để thấy mình không cô đơn trong cuộc sống. Có lẽ vì góc nhìn mẫn cảm, đa chiều và đầy tinh tế của chị mà khi đọc "Những chuyến xe đàn bà", độc giả đặc biệt là phái nữ có cảm giác như gặp chính mình đâu đó trong những tạp văn của chị.

Đến nay, Dona Đỗ Ngọc đã cho ra đời 3 cuốn sách thì cả ba đều ở thể loại tạp văn (trước đó là Đàn bà liêu xiêu (in chung năm 2014), AND tình yêu (2017). Chị cho biết, trên hành trình đi và viết của mình, chị sẽ chỉ trung thành với thể loại này thôi. Bởi theo chị đây là thể loại có thể giúp chị "tung tẩy" được những cảm xúc, suy nghĩ và góc nhìn riêng của mình ở nhiều vấn đề, lĩnh vực. Chia sẻ về cuộc sống riêng tư, chị cho biết, mình có niềm đam mê nhiếp ảnh từ thời niên thiếu và cũng rất ham mê văn chương với ước mơ được trở thành nhà báo. Chị tốt nghiệp ĐH Tổng hợp Văn, từng công tác tại Báo Phụ nữ TP Hồ Chí Minh, nghỉ hưu sớm trước 3 năm để thực hiện những điều mình thích. "Đến bây giờ, tôi cho rằng mình là người may mắn khi đã theo đuổi và đi đến cùng được những đam mê của mình".

Nghe chị sẻ chia những gì đã viết trong "Những chuyến xe đàn bà", vì sao phải là "đàn bà" chứ không phải là "phụ nữ" hay "thiếu nữ", tôi chợt nghĩ, đằng sau vẻ cứng cỏi, hơi nam tính, quyết đoán ấy là một người đàn bà có tâm hồn vô cùng đa cảm, nhạy cảm, tinh tế với góc nhìn rất nhân văn về cuộc sống, về con người, đặc biệt là những người đàn bà. Tôi rất thích cách chị nghĩ về vẻ đẹp của người phụ nữ không phải ở nhan sắc mà ở chính thần thái và sự tự tin của họ trước cuộc sống. "Là thiếu nữ hay cô gái thì cũng sẽ là đàn bà trong tương lai. Từ phụ nữ chỉ là danh từ chung. Còn từ "đàn bà" theo tôi là rất đẹp, hàm chứa trong đó sự chín muồi, trưởng thành, từng trải kể cả hạnh phúc lẫn đau khổ"- Đỗ Ngọc chia sẻ thêm.

Có thể nói "Những chuyến xe đàn bà" như một thông điệp yêu thương mà người đàn bà Đỗ Ngọc muốn tặng cho những người phụ nữ. Đọc để thấy yêu thương mình hơn và cũng để cho những người đàn ông đọc để yêu thương thêm hơn những người phụ nữ. Đây cũng là món quà NXB Trẻ muốn dành tặng cho "một nửa thế giới", nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10 sắp đến. Được biết, cuốn sách được in bằng mực có nguồn gốc từ đậu nành và tất cả các công đoạn đều có chứng nhận thân thiện với môi trường, như là một trong những nỗ lực nghề nghiệp mà NXB Trẻ muốn phục vụ cho độc giả trong thời gian sắp tới. Đây cũng là lần đầu tiên Chi nhánh NXB Trẻ tại Đà Nẵng ra mắt sách tại miền Trung.

P.THỦY

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/68_196695_dona-do-ngoc-voi-nhung-chuyen-xe-dan-ba-.aspx