Đón vốn FDI qua dịch chuyển đơn hàng

Gần đây, câu chuyện dịch chuyển vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam được nhắc đến rất nhiều. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc dịch chuyển nhà máy rất khó; đơn giản và hiệu quả hơn, Việt Nam có thể đón vốn FDI qua dịch chuyển đơn hàng.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), bức tranh thu hút vốn FDI trong tháng 6 đã có nhiều tín hiệu tích cực. Theo đó, cả nước đã thu hút 1,79 tỷ USD vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2019, tăng 14,9% so với tháng 5/2020. Đáng chú ý, quy mô dự án

Cơ hội trước mắt mà doanh nghiệp có thể đón bắt chính là dịch chuyển đơn hàng

Cơ hội trước mắt mà doanh nghiệp có thể đón bắt chính là dịch chuyển đơn hàng

đầu tư mới cũng tăng lên đáng kể và xuất hiện một số dự án sản xuất quy mô lớn. Cụ thể, quy mô vốn bình quân trong tháng 6 đạt 4,8 triệu USD/dự án, cao hơn 67,2% so với tháng 5/2020, gấp 2,4 lần so với tháng 3/2020 và 2,2 lần so với tháng 2/2020. Dù vốn đầu tư cấp mới và vốn tăng lên, song vẫn chủ yếu tăng là nhờ các dự án lớn đã được nộp hồ sơ và đàm phán trong một thời gian dài trước đó.

Tính chung 6 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 15,67 tỷ USD, bằng 84,9% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện của dự án FDI ước đạt 8,65 tỷ USD, bằng 95,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Liên quan đến làn sóng dịch chuyển vốn FDI, ông Phạm Đình Thúy – Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp (Tổng cục Thống kê) – cho rằng, chưa có bằng chứng rõ ràng về sự chuyển dịch dòng vốn trên thế giới do tác động kép từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc và đại dịch Covid-19, trong đó Việt Nam có thể là điểm đến mới. “Việc chuyển hướng đầu tư sang quốc gia khác không đơn giản vì nhà đầu tư sẽ phải xem xét, cân nhắc các chi phí liên quan. Với doanh nghiệp sản xuất, sự dịch chuyển có thể mất từ 2 đến 5 năm do các chuỗi cung ứng toàn cầu đã được hoàn thiện” – ông Phạm Đình Thúy cho hay.

Bên cạnh đó, các quốc gia như Indonesia, Ấn Độ, Thái Lan… cũng đang áp dụng các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, nguồn nhân lực giá rẻ để níu kéo nhà đầu tư ở lại. Trước tình hình này, nhiều chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp có thể đón làn sóng dịch chuyển đơn hàng sang sản xuất tại Việt Nam. "Làn sóng dễ nhất là dịch chuyển đơn hàng. Các tập đoàn phải chuyển giao công nghệ, dịch chuyển một phần trong chuỗi cung ứng và sản xuất để tránh rủi ro từ việc đánh thuế hoặc Covid-19” - ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse - nhấn mạnh và cho biết, trong thời gian tới, mỗi doanh nghiệp cần xác định rõ phân khúc và tận dụng tối đa cơ hội; có khát vọng và sự nhạy cảm để chọn phương án tối ưu. Trong đó, chủ động tìm đối tác tốt và tiếp nhận công nghệ sản xuất; tiến tới làm chủ công nghệ, thiết lập thương hiệu và chủ động về nguồn nhân lực để tồn tại trong bối cảnh hậu Covid-19.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Việt Nam cần chủ động tiếp cận luồng vốn theo cách mới thì mới có thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị.

Thay bằng việc chỉ chú trọng đến khâu gia công như trước đây, doanh nghiệp trong nước cần đầu tư dây chuyền sản xuất và lao động lành nghề để tham gia sản xuất chi tiết có hàm lượng công nghệ cao.

Thu Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/don-von-fdi-qua-dich-chuyen-don-hang-140068.html