Đơn vị cải cách, ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả

Ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) cần ưu tiên tập trung triển khai tốt hơn Nghị quyết 28-NQ/TW của Trung ương về cải cách chính sách BHXH, đặc biệt là về sắp xếp bộ máy, ứng dụng CNTT, cung cấp hơn nữa nhiều dịch vụ công trực tuyến với chất lượng tốt hơn đến người dân và doanh nghiệp.

Đó là 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm ngành BHXH cần triển khai thời gian tới, được Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ chỉ ra tại cuộc làm việc, khảo sát thực tế việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và kết quả tổ chức thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho BHXH Việt Nam, diễn ra sáng 18/10.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khảo sát tại Trung tâm Điều hành Hệ thống CNTT của BHXH Việt Nam. Ảnh: BHXH Việt Nam

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, đến nay, ngành đã cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra cho năm 2020 về ứng dụng CNTT; đã giảm thời gian nộp BHXH của các doanh nghiệp từ 335 giờ/năm trước đây xuống còn 45 giờ, giảm từ 115 bộ thủ tục hành chính xuống còn 28 bộ. BHXH Việt Nam đã đưa vào vận hành và sử dụng Hệ thống quản lý văn bản và điều hành trong phạm vi toàn ngành.

Từ ngày 1/3/2018, toàn bộ văn bản đến, văn bản đi (trừ một số văn bản bắt buộc phải sử dụng văn bản giấy theo quy định) đều được số hóa, sử dụng chữ ký số cá nhân (4.200 chứng thư) và chữ ký số cơ quan (992 chứng thư) do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp để phục vụ soạn thảo, trao đổi thông tin, xử lý công việc, trình ký, ký và phát hành điện tử trên Hệ thống.

Ngành BHXH đã xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung toàn ngành trên cơ sở dữ liệu hộ gia đình, dữ liệu quản lý thu, cấp sổ BHXH, thẻ BHYT của BHXH các tỉnh, thành phố; hệ thống cấp mã số BHXH - mã số định danh cá nhân duy nhất để quản lý người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp thống nhất trên phạm vi toàn quốc; hệ thống giao dịch điện tử; hệ thống thông tin giám định BHYT; triển khai, vận hành có hiệu quả Trung tâm Điều hành hệ thống công nghệ thông tin và Trung tâm dịch vụ khách hàng. Đến nay, số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 hiện có 19 dịch vụ; số hồ sơ điện tử phát sinh trên hệ thống là 104,5 triệu; đã giải quyết là 95,2 triệu hồ sơ.

Đặc biệt, hệ thống Thông tin giám định BHYT đã kết nối tới hơn 12.000 (gần 100%) cơ sở khám chữa bệnh BHYT từ tuyến xã đến Trung ương trên phạm vi toàn quốc, mang lại hiệu quả lớn trong quản lý khám chữa bệnh, kiểm soát việc sử dụng quỹ BHYT và tạo lập cơ sở dữ liệu quan trọng để đánh giá, điều chỉnh chính sách…

Theo xếp hạng sẵn sàng về ứng dụng CNTT của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành BHXH đang đứng thứ hai, riêng hạ tầng kỹ thuật đứng thứ nhất. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam, BHXH là lĩnh vực thăng hạng nhiều nhất, tới 81 bậc, đạt vị trí 86/190 nền kinh tế trong năm 2018.

Phát biểu tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng – Trưởng đoàn công tác - đã chuyển lời khen ngợi, đánh giá cao của Thủ tướng về 5 vấn đề tới BHXH Việt Nam. Đó là: BHXH là một trong những đơn vị cải cách sớm nhất, sớm đẩy mạnh ứng dụng CNTT, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, chia sẻ thông tin, giám sát việc thanh toán, chi trả bảo hiểm. Thứ hai, BHXH đã có nhiều giải pháp mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Thứ ba, công tác thanh tra chuyên ngành đạt nhiều kết quả, nhất là trong phát hiện, xử lý các đơn vị nợ đọng về BHXH, BHYT. Thứ tư, công tác thực hiện chính sách BHYT có nhiều chuyển biến, đặc biệt phát hiện kịp thời các vi phạm trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Thứ năm, hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT được mở rộng với trên 11.000 đại lý trên cả nước.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng nêu 5 nhiệm vụ để BHXH tiếp tục triển khai tốt hơn nữa nhiệm vụ chính trị được Đảng và Nhà nước giao phó. Trong đó, cần ưu tiên tập trung triển khai tốt hơn Nghị quyết 28-NQ/TW của Trung ương về cải cách chính sách BHXH, đặc biệt là về sắp xếp bộ máy, ứng dụng CNTT, cung cấp hơn nữa nhiều dịch vụ công trực tuyến với chất lượng tốt hơn.

Hai là, tập trung phát triển rộng hơn nữa đối tượng tham gia BHXH, đây là mục tiêu được nêu nhiều trong các nghị quyết của Đảng, chương trình hành động của Chính phủ. Thứ ba là ngành BHXH cần có những giải pháp tích cực hơn nữa trong việc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng để tránh việc mất cân đối Quỹ.

Thứ tư, BHXH cần làm tốt hơn nữa công tác kiểm soát, giám sát tự động trong chi BHXH, BHYT, giảm tiêu cực, gian lận, trục lợi BHXH. Và cuối cùng là ngành BHXH cần cố gắng bảo đảm công khai, bình đẳng, minh bạch giữa các cơ sở y tế công lập và tư nhân, giữa các bệnh nhân của các cơ sở này.

Ngọc Lan

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/don-vi-cai-cach-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-hieu-qua-81633.html