Đòn trừng phạt muộn màng của Mỹ

Chính quyền Tổng thống Donald Trump cuối cùng đã áp đặt lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Động thái này nhiều khả năng làm phức tạp thêm mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Washington và Ankara trong bối cảnh nước Mỹ chuẩn bị chuyển giao quyền lực.

Hệ thống phòng không S-400. Ảnh: TASS

Hệ thống phòng không S-400. Ảnh: TASS

Trong thông báo ngày 14-12, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo giải thích rằng nước này áp các lệnh cấm vận nhằm vào Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (cơ quan phát triển và mua sắm quốc phòng hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ - SSB) theo Ðạo luật Chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA), vì cố tình thực hiện giao dịch đáng kể với Tập đoàn xuất khẩu vũ khí Nga Rosoboronexport khi đặt mua hệ thống S-400. Theo ông Pompeo, Mỹ từng nói rõ với Thổ Nhĩ Kỳ ở cấp cao nhất rằng việc sở hữu S-400 có thể đe dọa an ninh công nghệ quân sự và binh sĩ Mỹ, đồng thời mang lại nguồn thu lớn cho lĩnh vực quốc phòng Nga cũng như giúp Mát-xcơ-va tiếp cận ngành công nghiệp quốc phòng và lực lượng vũ trang của Ankara. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quyết theo đuổi hợp đồng, bất chấp những hệ thống thay thế sẵn có và đáp ứng yêu cầu chiến đấu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) do Mỹ dẫn đầu.

Thổ Nhĩ Kỳ dọa trả đũa

Theo đó, gói biện pháp trừng phạt Ankara bao gồm lệnh cấm mọi giấy phép xuất khẩu và các khoản vay của Mỹ cho SSB, đóng băng tài sản và hạn chế đi lại đối với Chủ tịch SSB Ismail Demir cùng 3 quan chức khác. Lệnh cấm vận, nhận được sự ủng hộ từ lưỡng đảng tại Quốc hội Mỹ, cũng đánh dấu lần đầu tiên Washington sử dụng CAATSA đối với một đồng minh NATO. CAATSA quy định bất cứ quốc gia nào tham gia các giao dịch trên 15 triệu USD với các nhà thầu quốc phòng thuộc nhà nước Nga đều phải hứng chịu lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ lập tức lên án các lệnh cấm vận của Mỹ, đồng thời thúc giục Washington sửa chữa “sai lầm nghiêm trọng” sớm nhất có thể bởi hành động này sẽ đe dọa quan hệ song phương và dẫn đến các đòn trả đũa không mong muốn từ Ankara. Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng các lệnh trừng phạt là “không thể giải thích được” sau khi Washington liên tục từ chối đề nghị của Ankara lập một nhóm công tác chung. Thông báo cũng tái khẳng định S-400 sẽ không ảnh hưởng đến các hệ thống vũ khí của NATO. Thổ Nhĩ Kỳ lập luận rằng họ buộc phải mua S-400 vì Mỹ không bán hệ thống tên lửa phòng không Patriot. Ankara cũng chỉ ra việc áp dụng tiêu chuẩn kép, khi thành viên NATO là Hy Lạp sử dụng các tên lửa do Nga chế tạo. Trên truyền hình, ông Demir nhấn mạnh “ngôn ngữ đe dọa” chỉ làm tăng gấp đôi quyết tâm của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc sở hữu nền công nghiệp quốc phòng hoàn toàn độc lập.

Mỹ mất kiên nhẫn

Giới chức Mỹ lâu nay phản đối hợp đồng mua sắm của Thổ Nhĩ Kỳ, với lý do S-400 không tương thích với hệ thống phòng thủ NATO và đe dọa tiêm kích tàng hình tối tấn nhất F-35 của Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ đặt mua 4 hệ thống S-400 từ Nga trị giá 2,5 tỉ USD năm 2017 và nhận tổ hợp đầu tiên vào tháng 7-2019. Vài ngày sau, Washington gạt Ankara khỏi chương trình phát triển F-35, từ chối bàn giao 105 máy bay F-35A Thổ Nhĩ Kỳ đặt mua và loại các tập đoàn quốc phòng nước này khỏi dây chuyền sản xuất F-35. Hành động của Mỹ chỉ dừng lại ở đó.

Mãi đến thời điểm này chính quyền ông Trump mới quyết định trừng phạt, mà theo Hãng tin AP, một phần vì Mỹ muốn dành cho phía Thổ Nhĩ Kỳ thời gian để xem xét lại việc triển khai S-400. Giới chức xứ cờ hoa cũng từng nói đồng minh NATO có thể né được đòn trừng phạt nếu không triển khai lá chắn di động này. Một số chuyên gia thì nghi ngờ trì hoãn là do mối quan hệ cá nhân giữa chủ nhân Nhà Trắng và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan. Dù vậy, Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 10 năm nay đã tiến hành đợt bắn thử đầu tiên và còn tuyên bố sẽ tiếp tục thử nghiệm S-400 mà “không cần xin phép Washington”. Vụ việc đã khiến Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ nổi giận.

Ðòn trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, được tung ra giữa lúc nhiệm kỳ của ông Trump sắp kết thúc, có thể sẽ ảnh hưởng đến quan hệ của Ankara với chính quyền Tổng thống đắc cử Joe Biden khi ông này nhậm chức vào tháng 1-2021.

Tổ hợp tên lửa S-400, phiên bản kế nhiệm của S-200 và S-300, ra mắt năm 2007. So với các hệ thống tên lửa Mỹ, S-400 được cho có năng lực đối phó một loạt mục tiêu với phạm vi hoạt động xa hơn và xử lý nhiều mối đe dọa cùng lúc. Bất chấp nguy cơ bị Mỹ trừng phạt, hàng chục quốc gia vẫn mong muốn “tậu” hệ thống phòng không của Nga.

HẠNH NGUYÊN

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/don-trung-phat-muon-mang-cua-my-a128411.html