Đơn thư tố cáo sai sự thật: Cần xét kỷ luật và truy cứu trách nhiệm hình sự

Chuyên gia cho rằng, những người tố cáo sai sự thật, mang động cơ vu khống, vu cáo bịa đặt, cần phải xem xét hình thức kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bao giờ cũng vậy, hễ cứ đến thời điểm trước Đại hội Đảng các cấp là xuất hiện rất nhiều đơn thư tố cáo nhắm vào các ứng cử viên tiềm năng. Có những đơn thư được cấp trên xác định có nội dung đúng, giúp cho công tác cán bộ được minh bạch hơn.

Tuy nhiên, rất nhiều đơn thư là vu khống, bịa đặt nhằm hạ uy tín cán bộ. Đây được xem như những kẻ phá đám, ích kỷ, chọc gậy bánh xe, không muốn người khác hơn mình. Pháp luật đã có quy định bảo vệ người tố cáo và cũng có một số quy định xử lý người tố cáo sai sự thật, vu khống, bịa đặt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đa số người tố cáo bịa đặt vẫn không hề hấn gì và vì thế họ càng được thể lấn tới.

Trả lời VTC News về vấn đề này, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, trong trường hợp vì mục đích vụ lợi, tranh chức tranh quyền mà thực hiện hành vi tố cáo, nói xấu, hạ bệ uy tín của người khác, cần đưa ra hình thức kỷ luật, xử lý phù hợp.

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

- Hiện nay pháp luật có quy định việc bảo vệ người tố cáo, song đối với những người tố cáo sai sự thật cần có hình thức xử lý thế nào, thưa ông?

Tôi cho rằng, những người tố cáo sai sự thật, có động cơ vu khống, vu cáo, gây mất đoàn kết nội bộ, cần phải xem xét hình thức kỷ luật, thậm chí tùy theo mức độ cần truy cứu trách nhiệm trước pháp luật.

Đối với Đảng viên, nếu tố cáo sai sự thật, tùy theo mức độ có thể xem xét hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức và cuối cùng là khai trừ ra khỏi Đảng. Còn đối với những người không là Đảng viên, trong trường hợp này cần chiếu theo những điều khoản trong Luật Khiếu nại, Tố cáo để xử lý.

Theo đó, ngoài kỷ luật Đảng, còn phải xem xét đến quy định pháp luật của Nhà nước về hành vi vu khống. Bởi vì đó không đơn thuần là vi phạm dân sự, mà cần truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Tại một cơ quan Trung ương, có cá nhân đứng ra tố cáo người đứng đầu lên Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTW), nhưng khi UBKTTW xuống làm việc 4 tháng tại đơn vị không phát hiện được nội dung nêu trong đơn tố cáo. Thấy không kiện được, người này lại rút đơn về. Đối với những trường hợp tố cáo sai sự thật như trên chắc hẳn sẽ phải có những biện pháp xử lý phù hợp?

Tôi cho rằng những hiện tượng này tùy theo động cơ và mức độ, cần được xem xét, xử lý đúng người, đúng sai phạm.

Trong trường hợp vì mục đích vụ lợi, tranh chức tranh quyền mà thực hiện hành vi tố cáo, nhằm nói xấu, hạ bệ uy tín của đối phương thì sau khi xác minh cụ thể, cơ quan kiểm tra sẽ đưa ra hình thức kỷ luật, xử lý phù hợp.

Đặc biệt, đối với những người “lợi dụng việc tố cáo để xuyên tạc sự thật, vu khống, vu cáo bịa đặt, đả kích, chia rẽ bè phái, gây rối nội bộ”, hoặc có hành vi “tố cáo nhiều lần có dụng ý xấu” phải được xem xét, xử ký nghiêm theo quy định của Đảng và Nhà nước. Điều này đã được nêu cụ thể trong Hướng dẫn 01 của UBKTTW năm 2016 về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng.

Tất cả các hành vi vu khống, vu cáo, bịa đặt có thể xem xét xử phạt theo Bộ luật Hình sự. Trong đó việc gây mất đoàn kết nội bộ hoặc đưa thông tin lên báo chí, mạng xã hội làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân, tập thể cũng cần xem xét, kiểm tra cụ thể để có hình thức xử lý nghiêm.

Tuy nhiên, nếu như tố cáo trong phạm vi tổ chức Đảng, không phát tán thông tin ra ngoài khi chưa có kết luận của cơ quan kiểm tra, thì mức độ ở đây là chưa đặc biệt nghiêm trọng.

Sau khi kiểm tra thấy thông tin tố cáo là sai sự thật, cơ quan kiểm tra sẽ mời người tố cáo lên để thông tin đầy đủ về nội dung kết luận, sau đó người tố cáo sai sẽ xin lỗi, nhằm bảo đảm đoàn kết nội bộ.

Trong tổ chức Đảng, việc đơn thư phản ánh thông tin về một cá nhân nào đó lên cơ quan kiểm tra, mà không gây tổn thương, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín cho người khác (tức là chỉ phản ánh riêng cho cơ quan cấp trên), thì có thể được khuyến khích. Bởi vì đó là cách chúng ta thực hiện tinh thần phê bình và tự phê bình trong Đảng.

- Việc tố cáo sai trong thời gian dài lên tới 4 tháng đã ảnh hưởng thế nào đến công việc của các cán bộ ở Ủy ban Kiểm tra Trung ương?

Tôi cho rằng, nếu sự việc phức tạp thì phải đi nhiều lần, phải thẩm tra xác minh. Cho nên, nếu các vụ việc kéo dài thì cán bộ sẽ phải tốn kém thời gian, vất vả hơn.

Nếu cán bộ kiểm tra bị “sa lầy” vào vụ tố cáo kéo dài, thì sẽ không có thời gian để đi xử lý các vụ việc khác. Do đó, cán bộ kiểm tra phải nghiêm túc, sắc sảo, nhận rõ đúng sai thật nhanh, tránh trường hợp đến cơ sở không nắm được tình hình, gây mất thời gian lên xuống cơ sở.

Vậy nên, phải làm sao hạn chế việc kéo dài kiểm tra nội dung tố cáo. Điều này đòi hỏi cán bộ kiểm tra thì phải làm đúng, "công minh, chính xác, kịp thời", để không làm mất thời gian, công sức và chi phí cho cơ quan kiểm tra, cũng như của cơ sở đó.

- Trong khi đó, hoạt động của chính đơn vị cơ quan Trung ương - nơi có người đứng đầu bị tố cáo sai sự thật chắc chắn cũng bị ảnh hưởng?

Tôi cho rằng, hoạt động của cơ quan Trung ương bị ảnh hưởng rất rõ. Bởi vì nhiều thành viên trong cơ quan, đơn vị và cấp ủy tại cơ sở đó sẽ phải “họp lên họp xuống” vất vả, để cung cấp thông tin cho cán bộ kiểm tra.

Có những lúc cơ quan phải họp bất thường, họp kéo dài cả đêm để giải quyết xong vấn đề tố cáo. Việc này ảnh hưởng tới công việc điều hành chung của toàn cơ quan.

Khi có tố cáo tại một cơ quan Trung ương, chắc chắn sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến công việc điều hành tại cơ quan ấy. Khi đó, người tố cáo và bị tố cáo trong cơ quan đó sẽ phải dành thời gian làm việc với cán bộ kiểm tra. Tuy nhiên, mọi hoạt động của cơ quan đó vẫn diễn ra trước khi có kết luận chính thức từ cơ quan kiểm tra.

Trong trường hợp tố cáo nhằm vào người lãnh đạo, người đứng đầu thì ảnh hưởng lớn tới cơ quan đó. Thậm chí, việc này có thể khiến nội bộ rối ren, mất đoàn kết.

Nếu tập thể không vững vàng thì trong trường hợp này sẽ khiến tình hình phức tạp thêm.

- Phải chăng trong sự việc này, nếu chiếu theo quy định của Đảng thì người tố cáo sai sẽ phải đối mặt với hình thức kỷ luật cao nhất là "Khai trừ Đảng"?

Trong một số trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng, sẽ bị kỷ luật Đảng ở mức cao nhất là khai trừ. Tuy nhiên, cơ quan kiểm tra sẽ xem xét động cơ, mục đích và đánh giá hậu quả của việc tố cáo sai sự thật trên để đưa ra mức xử lý phù hợp trong Đảng.

Như tôi đã nói ở trên, trong Hướng dẫn 01 của UBKTTW năm 2016 về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng đã nêu rất cụ thể về các trường hợp nêu trên. Đặc biệt là sẽ kỷ luật nghiêm việc lợi dụng việc tố cáo để xuyên tạc sự thật, vu khống, vu cáo bịa đặt, đả kích, chia rẽ bè phái, gây rối nội bộ.

- Nếu những nội dung tố cáo sai sự thật này được phát tán ra ngoài thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng?

Nếu tố cáo sai sự thật và vu khống, vu cáo bịa đặt thì có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Tất cả những điều này được quy định rõ trong Luật Tố cáo, Luật Hình sự.

Đối với việc tố cáo sai sự thật này được phát tán ra ngoài, tùy theo mức độ nghiêm trọng để xem xét xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

- Vụ việc kéo dài hàng mấy tháng trời ở cơ quan Trung ương kia đã gây thiệt hại rất lớn về nhân lực, vật lực cho cả cơ quan kiểm tra và cơ quan bị kiểm tra. Nhưng người tố cáo sai sự thật thì vẫn chẳng hề hấn gì, chỉ việc rút đơn là xong chuyện. Như thế có quá ưu ái cho kẻ tố cáo sai không, thưa ông?

Người bị tố cáo sai sẽ bị ảnh hưởng nhiều và có thể rơi vào trạng thái lo lắng, băn khoăn làm ảnh hưởng tới việc điều hành hoạt động của bộ máy cơ quan.

Người bị tố cáo sai cũng sẽ bị ảnh hưởng trong công tác đề bạt nhân sự. Tại vì những người đang bị tố cáo, về nguyên tắc không được giải quyết về vấn đề nhân sự, không được thăng cấp, bổ nhiệm vị trí.

Về khả năng có người sử dụng những “thủ thuật” tố cáo trên để gây tác động trong quá trình lãnh đạo hay cán bộ sắp được đề cử vị trí mới, tôi cho rằng, có những kẻ xấu thường lợi dụng những kẽ hở hay những tình huống để gây khó dễ cho những người mà họ không ưa.

Theo tôi được biết, trước đây đã có những quy định để bảo vệ người bị tố cáo sai. Và hiện nay những quy định về bảo vệ người bị tố cáo sai trên còn được cụ thể hóa và chặt chẽ hơn trước.

Tất nhiên chúng ta đang có quy định bảo vệ những người tố cáo đúng. Tuy nhiên, nếu là tố cáo sai, thì tổ chức cũng có cách bảo vệ những người bị ảnh hưởng.

Ví dụ sắp đến kỳ đại hội, đồng chí A bị tố cáo và bôi nhọ. Sau khi UBKTTW xem xét thấy thông tin tố cáo là bịa đặt, sẽ ra kết luận nhằm bảo vệ danh dự cho đồng chí A. Dựa vào đó, khi đến kỳ đại hội, lãnh đạo các cấp sẽ xem xét và đánh giá khách quan nhất về đồng chí A.

Bên thềm đại hội và trong đại hội, các đồng chí Ủy viên Trung ương khóa trước mà được tái cử sang nhiệm kỳ tiếp theo, sẽ phải xem xét các yếu tố như: Có đơn thư tố cáo không? Nếu có, nội dung như thế nào?

Sau đó UBKTTW sẽ xác minh và gửi báo cáo cho đại biểu đại hội xem xét việc đồng chí Ủy viên Trung ương có bao nhiêu đơn tố cáo, nội dung tố cáo như thế nào và kết luận của UBKTTW ra sao.

Nếu là đơn thư bịa đặt, các kết luận của UBKTTW sẽ minh oan cho người bị ảnh hưởng bởi đơn thư tố cáo sai, đồng thời trả lại sự trong sạch cho họ.

- Trong thời gian ông còn công tác, từng có các trường hợp tố cáo sai sự thật, gây ảnh hưởng đến công tác nội bộ cơ quan, đơn vị không?

Những năm 1995-1996, UBKTTW từng xử lý các trường hợp tố cáo sai sự thật và gây ảnh hưởng đoàn kết nội bộ. Khi đó, chúng tôi đã xem xét đồng thời về quy định của Đảng và cả vấn đề vi phạm pháp luật của Nhà nước đối với các cá nhân tố cáo sai sự thật.

Đơn cử có một cán bộ lãnh đạo ở phía Bắc, sau khi nghỉ hưu, tiếp tục dùng hình thức đơn từ để vu khống, vu cáo cán bộ khác. Sau UBKTTW xem xét, xác định là tố cáo sai sự thật và có động cơ không trong sáng, nên đã xử lý kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng. Đó là ví dụ điển hình nhất về việc vu khống sai sự thật, gây rối nội bộ.

Một trường hợp khác là nguyên Bí thư Tỉnh ủy, khi đang chịu án kỷ luật, nhưng tiếp tục làm đơn thư tố cáo nhằm chống phá nội bộ, không có tính xây dựng, gây mất đoàn kết cơ sở. Cho nên sau khi kiểm tra và xác định có sai phạm, người này đã bị khai trừ khỏi Đảng.

- Quy trình xem xét đối với đơn thư tố cáo hiện nay thế nào, thưa ông?

Hiện nay quy trình diễn ra rất chặt chẽ, bảo đảm tính nghiêm minh và công tâm. Trước khi giải quyết tố cáo, cơ quan kiểm tra sẽ mời người tố cáo đến để xác minh xem có đúng là đơn thư và có bổ sung thêm thông tin gì không.

Sau khi có kết luận, cơ quan kiểm tra sẽ mời người tố cáo đến. Nếu tố cáo đúng thì sẽ được hoan nghênh, nhưng nếu sai thì sẽ tìm hiểu động cơ, mục đích của đơn thư tố cáo.

Bởi nếu vì mục đích chống tiêu cực, thì cần được giải thích một cách đầy đủ và khuyến khích nhân dân cùng tham gia. Đồng thời tránh hiện tượng khiến người tố cáo đúng không dám tố cáo hay e ngại góp ý kiến xây dựng trong cơ sở Đảng.

Trong một số trường hợp, người tố cáo vì nhẹ dạ cả tin, nghe thông tin một chiều mà đưa đơn kiện, UBKTTW sẽ thông tin đầy đủ và yêu cầu người đó xin lỗi người bị tố cáo sai.

Tuy nhiên, trong trường hợp vì mục đích vụ lợi cá nhân, thực hiện hành vi tố cáo, nhằm nói xấu, hạ bệ uy tín của người khác, cơ quan kiểm tra sẽ đưa ra hình thức kỷ luật phù hợp, xử lý nghiêm minh theo đúng quy định.

Đối với cán bộ UBKTTW thực hiện nhiệm vụ, yêu cầu không thiên vị, không né tránh, không nể nang. Họ cần phải lắng nghe ý kiến từ Nhân dân, Đảng viên. Đồng thời, trong quá trình kiểm tra phải phân biệt rõ động cơ, hành vi, tác hại của từng việc làm để có hình thức xử lý phù hợp.

- Xin cảm ơn ông!

Minh Tuấn (thực hiện)

Nguồn VTC: https://vtc.vn/don-thu-to-cao-sai-su-that-can-xet-ky-luat-va-truy-cuu-trach-nhiem-hinh-su-ar571040.html