Đòn thù kinh tế trả đũa lẫn nhau

Đòn thù kinh tế trả đũa lẫn nhau

Quan hệ Australia (Úc) và Trung Quốc trở nên căng thẳng khi hải quan Trung Quốc không cho thông quan hơn 23.000 lít rượu vang hồi cuối tháng 2/2021 vì vấn đề nhãn mác.

Sau đó, Bắc Kinh đã tăng thuế nhập rượu vang Úc lên tới 218% kể từ 28/3/2021 và kéo dài trong 5 năm. Thực chất, Trung Quốc đã có 1 chuỗi hành động hạn chế hàng từ Úc gồm rượu vang, lúa mạch, than đá, tôm hùm… từ cuối 2020. Căng thẳng giữa 2 bên diễn ra sau khi Úc kêu gọi điều tra độc lập nguồn gốc đại dịch Covid-19. Trước đó, Trung Quốc cũng có lệnh giảm nhập khẩu tham từ Úc hồi tháng 8/2020 khiến những con tàu chở than từ Úc mắc kẹt trên biển.

Trong giai đoạn này, Trung Quốc và Đài Loan cũng căng thẳng khi quốc gia 1 tỷ dân chặn nhập khẩu dứa đúng lúc hòn đảo Đài Loan vào vụ mùa thu hoạch. Còn khi các nước Châu Âu từ chối sử dụng bông từ Tân Cương thì ngay lập tức Trung Quốc sử dụng các hành động gây áp lực lên các hãng thời trang từ EU.

Trả đũa nhau bằng kinh tế thì không thể bỏ qua “cuộc chiến” Mỹ - Trung. Đỉnh điểm căng thẳng khi Mỹ đưa hàng chục công ty Trung Quốc vào “danh sách đen” dưới thời TT Donald Trump như: nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc SMIC, công ty sản xuất phương tiện bay không người lái DJI, Học viện Công nghệ Bắc Kinh, Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc và hơn một chục viện nghiên cứu được kết nối với Tổng công ty Đóng tàu Nhà nước Trung Quốc... và trước đó là Huawei Technologies, ZTE Corp, nhà sản xuất camera giám sát Hikvision…

Sự việc ồn ào nhất là liên quan đến bắt giữ “công chúa Huawei” Mạnh Vãn Chu và các đòn liên tiếp đánh vào tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc khiến cho hãng này gần như mất hẳn thị trường Mỹ, tổn thương năng lực sản xuất khi bị cấm sử dụng chip của các doanh nghiệp Mỹ và các ứng dụng Google của Mỹ.

Nhà Trắng cũng đã ký thông qua luật trục xuất các công ty Trung Quốc khỏi sàn chứng khoán Mỹ nếu cơ quan quản lý tài chính Mỹ không thể kiểm tra kết quả kiểm toán của các công ty này.

Đáp lại, Trung Quốc lập tức hạn chế nhập khẩu nông sản từ Mỹ nhất là ngô và đậu tương; đồng thời, bất ngờ hủy ngang việc nhập khẩu một lượng lớn thịt lợn… gây ảnh hưởng hàng trăm tỷ USD lên nông dân Mỹ.

Những cú ăn miếng trả miếng, đánh thuế lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa của nhau khiến thương mại tắc nghẽn, giao dịch buôn bán và sản xuất trên thế giới đảo chiều. Sau một thời ồn ào dưới nhiệm kỳ của TT Donald Trump, mức độ đối đầu không hề giảm đi dưới thời Joe Biden.

Cũng không thể bỏ qua một thời kỳ căng thẳng của Nga và Phương Tây sau khi TT Putin trưng cầu dân ý và sáp nhập lãnh thổ Crimea vào Liên bang Nga. Lập tức, các nước phương Tây từ chối nhập khẩu dầu mỏ, hạn chế Nga trong việc tiếp cận công nghệ, vốn và đầu tư nước ngoài. Những hợp đồng đóng tàu sân bay, buôn bán vũ khí hay các dự án đầu tư lớn… bị hủy bỏ. Đáp lại, Nga dừng nhập khẩu nông sản, hàng tiêu dùng cao cấp và hạn chế quyền kinh doanh trên lãnh thổ Nga của các tập đoàn Phương Tây.

Những hình thái mới

Với động thái của Trung Quốc, công ty khai thác than hàng đầu nước Úc - Glencore đã phải đóng cửa một số mỏ. Nông dân trồng nho và sản xuất rượu vang khó khăn.

Trong khi đó, chỉ sau một năm bị trừng phạt, ông lớn Huawei đã mất "ngôi vương" tại nước này do thiếu linh kiện sản xuất, ảnh hưởng từ lệnh cấm vận của Mỹ. Thủ phủ dệt may Tô Châu (Trung Quốc) rơi vào tình trạng báo động với hàng loạt nhà máy đóng cửa, cho công nhân nghỉ do Mỹ hạn chế nhập khẩu sang Mỹ. Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp ô tô của Mỹ và châu Âu như BMW, Ford, Mercedes và Tesla… điêu đứng vì Trung Quốc áp thuế 25% lên xe sản xuất tại Mỹ.

Những ảnh hưởng sẽ còn kéo dài vì tại cuộc gặp Mỹ - Trung đầu năm 2021 vẫn không có tuyên bố chung nào được đưa ra. Tình thế căng thẳng, đe dọa "ăn miếng trả miếng", chỉ trích lẫn nhau vẫn liên tục được đưa ra.

Để giảm thiểu rủi ro, trước các đòn trả đũa kinh tế, các nước buộc phải có những bước đi chống đỡ trước mắt và chiến lược phòng tránh về dài hạn. Từ đó những hình thái mới, liên kết kinh tế mới hình thành. Thậm chí, với cuộc chiến Mỹ - Trung, các chuyên gia kinh tế thế giới nhân định, một trật tự thế giới đang hình thành để định hình tương lai của thế giới.

Một trong những đặc điểm nổi bật là xu hướng cân bằng và tự chủ trong những ngành kinh tế then chốt; hoặc hợp tác đa dạng và linh hoạt với nhiều đối tác và các liên minh để cân bằng hơn khi có biến động. Đặc biệt là các tập đoàn lớn sẽ buộc phải tính toán lại việc phân bổ nguồn vốn, cơ sở sản xuất trên toàn cầu từ đó dẫn tới những dịch chuyển chuổi sản xuất mới, liên minh mới nổi lên trên phạm vi toàn cầu.

Với các nước lớn như Trung Quốc và Nga, những đòn đau về kinh tế buộc họ phải tính tới sự tự chủ cao. Nước Nga sau “cuộc chiến” với Phương Tây đã chủ trương xây dựng một nền kinh tế toàn diện, giảm phụ thuộc vào dầu mỏ, đầu tư lớn phục hồi nông nghiệp, hàng tiêu dùng… TT Putin cũng chủ trương hướng Đông để tìm thêm các đối tác mới, nguồn đầu tư mới, đặc biệt từ các đối tác Ấn Độ, Trung Quốc… Trước các đòn cấm vận công nghệ từ Mỹ, Huawei và các tập đoàn công nghệ Trung Quốc cũng đầu tư mạnh hơn để hướng tới có 1 thể tự chủ sản xuất chip và xây dựng 1 hệ điều hành điện thoại của riêng mình. Các quốc gia châu Âu cũng công bố kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD vào chip bán dẫn và cơ sở hạ tầng viễn thông mới, từ đó thúc đẩy sự phát triển ở những lĩnh vực khác như trí tuệ nhân tạo (AI).

Xu hướng đa dạng hóa và tìm kiếm các liên kết mới là không thể tránh khỏi. Việc này sẽ tạo nên một trật tự kinh tế mới của tương lại Theo Nikkei, Mỹ và các nước đồng minh muốn xây dựng một chuỗi cung ứng công nghệ ít phụ thuộc vào Trung Quốc. Đây sẽ là một chuỗi cung ứng ít bị ảnh hưởng bởi những sự gián đoạn như thảm họa tự nhiên, hay các chính sách từ những quốc gia không thân thiện. Nhiều tập đoàn công nghệ Mỹ và Phương Tây đã tìm kiếm những vùng đất mới để đa dạng hóa cơ sở sản xuất ngoài Trung Quốc để phân tán rủi ro.

Một trong những bước đi đáng chú ý là Mỹ kêu gọi và đứng đầu “Bộ tứ kim cương” (QUAD) để phát triển các và định hình các liên kết kinh tế mới với Nhật Bản, Australia và Ấn Độ. Mỹ sẽ hợp tác với các nước đồng minh QUAD trong lĩnh vực sản xuất và cung ứng trong các chuỗi kinh tế quan trọng trên phạm vi toàn cầu.

Xu thế mới và sự chuyển hướng sau đối đầu thương mại vô hình chung tạo ra cơ hội mới, thị trường mới cho nhiều nước có quy mô kinh tế nhỏ hơn. Các Quốc gia Đông Nam Á hay Nam Á đang chứng kiến một luồng vốn vốn công nghệ hàng tỷ USD dời đến để giảm thiểu rủi ro khi quá tập trung vào Trung Quốc. Kéo theo các cơ sở sản xuất là vốn, công nghệ, nhân lực và cả 1 chuỗi logistics toàn cầu… mang đến 1 cơ hội lớn cho các nước mới. Tuy nhiên, trước sự biến động, mỗi quốc gia đều có sự lựa chọn của riêng mình để giữ được vị thế cân bằng, thu hút đầu tư cho phát triển cân đối và bền vững là bài toán đầy thách thức.

M.Hà

Nguồn VietnamNet: https://premium.vietnamnet.vn/cuoc-chien-thuong-mai-n-474494.html