Đón thời cơ để bứt phá

Dịch Covid-19 trên cả nước được kiểm soát, cộng với dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 kéo dài 4 ngày đã mở ra cơ hội phục hồi, bứt phá cho ngành Du lịch Việt Nam.

Tín hiệu tích cực thấy rõ khi cùng lúc hàng loạt hãng hàng không tung ra những suất vé giá rẻ, còn các hãng lữ hành cung cấp nhiều sản phẩm có mức giá hấp dẫn với nhiều ưu đãi. Đặc biệt, sau chuỗi thời gian dài tạm “ngủ đông” bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành Du lịch đã tự dưỡng thêm sinh lực để làm mới mình. Theo đó, trong các gói kích cầu hiện nay, nhiều yếu tố khác biệt đã được các đơn vị khai thác để trở thành thế mạnh. Đó là việc khai thác các tuyến du lịch mới; tổ chức các tour theo xu hướng đi từng nhóm nhỏ, hoặc tổ chức cho du khách tự lái xe khám phá...

Sau "khoảng lặng" chờ đợi ở cả phía du khách và các doanh nghiệp lữ hành bởi dịch Covid-19, đây là thời kỳ cao điểm để “cung” gặp “cầu”. Và thực tế đã chứng minh. Ví như, Công ty Du lịch Vietravel - Chi nhánh Hà Nội đã bán được hơn 50% số vé trong tổng số 15.000 vé máy bay mà đơn vị này phục vụ khách trong dịp nghỉ lễ; hay với Công ty Lữ hành Hanoitourist, lượng khách gọi điện hoặc đặt vé du lịch qua mạng đã tăng từ 50% đến 100% so với cùng kỳ năm 2020... Cùng với đó, hàng loạt hoạt động, sự kiện quảng bá du lịch cũng đang chờ được bấm nút để khởi động như: Lễ hội du lịch và văn hóa ẩm thực Hà Nội 2021; Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2021...

Sự sôi động đó đang mở ra cơ hội cho ngành Du lịch. Song, để phát triển bền vững, ngành công nghiệp không khói phải không ngừng nỗ lực. Nỗ lực đầu tiên và ngay tại thời điểm này là các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch phải luôn tạo ra được những sản phẩm ấn tượng, hấp dẫn, giá cả phù hợp nhưng chất lượng phải cao. Càng tung ra nhiều ưu đãi, càng kích cầu thì chất lượng sản phẩm càng phải nâng tính chuyên nghiệp. Thực hiện được điều này không đơn giản, nhưng đó là cách tốt nhất để ngành Du lịch thu hút đông đảo khách nội địa; tạo sự cạnh tranh và xây dựng thương hiệu để chinh phục khách quốc tế cho cả trước mắt và lâu dài.

Vốn là ngành tổng hợp nên để phát triển mạnh mẽ rất cần sự chung tay của các bên liên quan. Để tận dụng tốt cơ hội, các chương trình liên kết cần được đẩy mạnh hơn nữa. Không chỉ liên kết các tour, tuyến giữa các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm tạo ra sản phẩm hấp dẫn, mà giữa các hãng hàng không với các doanh nghiệp du lịch cũng cần có sự bắt tay chặt chẽ hơn, tạo vòng tròn khép kín, mang đến sự tiện lợi cho du khách.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên người dân không sẵn sàng đặt tour trong dài hạn, vì vậy, ngành Du lịch cần thường xuyên đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá trên địa bàn cả nước. Trong đó, phải đặc biệt chú trọng xây dựng những sản phẩm phù hợp với tình hình thực tại; đặt du khách vào vị trí trung tâm để bảo vệ quyền lợi của khách. Song ở chiều ngược lại, mỗi người dân cũng cần ủng hộ hoạt động du lịch nước nhà để ngành Du lịch thêm điểm tựa vượt qua giai đoạn khó khăn.

Lúc này, dù dịch Covid-19 đã được kiểm soát trong nước, nhưng ngành Du lịch không chủ quan mà cần tiếp tục tuân thủ các quy định trong phòng, chống dịch. Mỗi đơn vị cần xây dựng quy trình đáp ứng các yêu cầu về an toàn sức khỏe cộng đồng; có kịch bản ứng phó kịp thời và kích hoạt ngay trong tình huống khẩn cấp… Tăng tính chủ động để đón thời cơ, ngành Du lịch sẽ lấy lại đà tăng trưởng để bứt phá trong thời gian còn lại của năm.

Tư Văn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/995876/don-thoi-co-de-but-pha