Đón tết trên những chuyến tàu

Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, những đoàn tàu lại hối hả ngược xuôi chở bao người trên khắp mọi miền đất nước về sum họp gia đình. Những chuyến tàu lăn bánh cũng chở trên đó biết bao cảm xúc, bao nỗi mong chờ cùng tình yêu của những người con xa xứ về với quê hương. Đằng sau mỗi chuyến tàu đó, ít ai biết rằng có những nhân viên lái tàu phải làm việc ngày đêm, ít khi nào họ được đón một cái Tết trọn vẹn bên gia đình.

Anh Nguyễn Lê Huỳnh (nhân viên lái tàu – Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội)

Anh Nguyễn Lê Huỳnh (nhân viên lái tàu – Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội)

Chở mùa xuân về muôn ngả

Ga Hà Nội những ngày cận Tết nhộn nhịp người. Một hồi còi dài vang lên, tiếng bánh sắt lăn vào đường ray kêu ken két, con tàu khởi hành, đó cũng là hành trình thứ mấy trăm trong đời lái tàu của anh Nguyễn Lê Huỳnh (nhân viên lái tàu – Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội) mà bản thân anh cũng không thể nhớ hết. Đi tàu từ năm 1988, đến nay anh Huỳnh cũng chẳng nhớ đã bao cái Tết đón giao thừa trên tàu.

Anh kể, không khí chuyến tàu cuối năm đi xuyên Giao thừa lạ lắm, càng đến giờ phút thiêng liêng chuyển giao năm cũ - năm mới, anh em trong tổ tàu, nhân viên với hành khách… như tình cảm hơn, thân quen hơn. Trên chuyến tàu ấy, ai nấy đều rộn ràng những câu thăm hỏi, động viên gửi đến nhau giúp cho người xa quê chưa kịp trở về đoàn tụ bên gia đình thấy ấm lòng hơn.

Theo thường lệ, trên chuyến tàu ngày 30 Tết, buổi tối, nhân viên tàu sẽ chuẩn bị tiệc đón giao thừa ở toa tàu. Mỗi người một công việc, người phụ trách trang trí cành đào, người chuẩn bị đèn nháy, người tất bật bày bánh kẹo lên bàn để chuẩn bị cùng hành khách đón chào năm mới. Đúng thời khắc giao thừa điểm, trưởng tàu sẽ gửi lời chúc Tết, lì xì đến từng hành khách.

Trong thời khắc thiêng liêng năm cũ chuyển sang năm mới, mọi người nhìn nhau với ánh mắt tươi vui cùng cất lên tiếng hát, lời reo “chúc mừng năm mới”, rồi cùng nhau nâng ly chúc tụng với bao điều tốt đẹp. Bao lì xì đỏ trao nhau, bánh chưng, bánh tét xanh màu lá chuối non được cắt ra chia năm, xẻ bảy, ly rượu mừng xuân được nâng lên, ấm nồng tình cảm giữa hành khách và nhân viên đoàn tàu.

Kể thêm về những chuyến tàu xuyên Tết anh Huỳnh cho biết, những năm đầu khi mới bước chân vào nghề, đón Tết trên tàu anh cũng bỡ ngỡ nhiều lắm. Hồi đó Tết đến là nhớ nhà, nhớ người thân, nhớ cảm giác được sum vầy. Những năm sau đó thì quen dần, bớt nhớ nhung hơn, tuy nhiên, cho đến hiện tại với thâm niên hơn 31 năm theo nghề với vị trí là công nhân lái tàu khách Bắc – Nam, anh luôn đề cao trách nhiệm trong công việc, luôn luôn cùng anh em nhân viên làm hết sức mình để đảm bảo đem tới an toàn, hài lòng cho hành khách.

“Đầu máy tàu hoàn toàn tách biệt với các toa khác nên vào giờ phút chuyển giao sang năm mới trên đầu máy chỉ có 2 người lái chính và lái phụ ngồi cạnh nhau. Hai người ở hai ghế, mắt vẫn hướng về phía trước tiếp tục điều khiển đoàn tàu lăn bánh, có chăng chúng tôi chỉ quay sang nói với nhau câu “chúc mừng năm mới” trong lúc tàu vẫn lăn bánh giữa màn đêm thăm thẳm. Trong thời khắc đặc biệt nhất của năm, anh em tổ tàu giấu nỗi nhớ nhà, giấu nỗi bâng khuâng để đem đến niềm vui, chia sẻ cùng hành khách trong giờ khắc thiêng liêng ấy. Dù đón Tết ở nơi xa nhưng chúng tôi vẫn cố tạo ra sự đầm ấm mang đậm nét cổ truyền dân tộc”, anh Huỳnh bộc bạch.

Để những chuyến tàu Tết an toàn

Cùng chung tâm trạng, anh Nguyễn Xuân Huy (nhân viên lái tàu – Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội) tâm sự: “Có năm chúng tôi đón giao thừa khi tàu đang đến thành phố Vinh, có năm thì tàu vào đến Quảng Bình nhưng cũng nhiều năm, đưa bà con vào ga Đà Nẵng thì thấy bầu trời pháo hoa sáng rực chào đón năm mới. Tàu ngày Tết lúc nào cũng đông như hội, người bồng bế con nhỏ, người mang thêm cành đào, cây quất, túi quà gói bánh…

Anh Nguyễn Xuân Huy - nhân viên lái tàu.

Dưới sân ga người đi, người tiễn đông đúc, rộn ràng với bao cung bậc cảm xúc. Trên tàu, hành khách rôm rả bàn chuyện đón Tết, thăm họ hàng. Tôi nhớ bố mẹ, nhớ các con tôi chứ, nhớ vợ… Dù mình làm công việc này 9 năm rồi nhưng giây lát vẫn thấy lòng chùng xuống… Ngày Tết, ai cũng muốn đoàn tụ, cũng muốn ở bên gia đình nhưng mình lấy niềm vui của hành khách để làm động lực, niềm vui cho chính mình và để nỗ lực làm việc”.

Mặc dù có những lúc chạnh lòng nhưng những nhân viên lái tàu như anh Huỳnh, anh Huy vẫn đều yêu công việc này. Khi nghe các anh chia sẻ về công việc của mình, chúng tôi nhận thấy ở các anh có một niềm tự hào khó diễn tả thành lời, đặc biệt các anh luôn vui khi những chuyến tàu Tết đã đưa hàng trăm, hàng ngàn hành khách khắp mọi miền đất nước được về nhà đoàn tụ cùng người thân.

Để đem tới sự an toàn trên mỗi chuyến tàu, áp lực và căng thẳng nhất vẫn luôn là lái tàu. Với nghề lái tàu, đêm giao thừa cũng như ngày thường, đều không có giờ ăn, nghỉ cố định. Họ phải chờ khi tàu về đến ga mới có thể ăn cơm hoặc tranh thủ ăn luôn trên tàu. Khi giao thừa sang, họ càng phải căng thẳng quan sát phía trước bởi giao thừa mọi người đi chơi xuân, đi lễ nhiều, nhiều người chếnh choáng hơi men, không chú ý đến đường ray dễ xảy ra các sự cố.

“Khi ngồi buồng lái, chúng tôi phải làm việc căng thẳng, tập trung tư tưởng, liên tục quan sát phía trước để nhận biết tín hiệu ra vào ga, các chướng ngại vật qua đường ngang để xử lý kịp thời, đồng thời để ý giờ tàu, trạng thái hoạt động của đầu máy để đưa tàu về đúng giờ, phát hiện các hư hỏng. Lúc này dường như mọi nỗi nhớ nhà bị lãng quên, ai nấy đều căng mắt, căng tai nghe và quan sát, tập trung, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, thực hiện đúng quy trình tác nghiệp, chỉ mong sao kết thúc chuyến đi an toàn, suôn sẻ là niềm vui lớn nhất”, lái tàu Nguyễn Xuân Huy chia sẻ.

Cứ vậy, mải miết với công việc trên chuyến tàu đêm giao thừa bận rộn, đến sáng hôm sau, nhân viên lái tàu mới có thời gian gọi cuộc điện thoại ngắn về chúc Tết người thân. Giữa công việc bề bộn, các anh chỉ kịp chúc Tết bố mẹ, hỏi thăm sức khỏe vợ, con… rồi nói lời tạm biệt. Dưới sự điều khiển của các anh, con tàu lần lượt dừng lại ở từng sân ga, đưa những người con xa quê về đoàn tụ cùng gia đình. Và trong số đó, các anh luôn là những người về nhà muộn nhất, rồi sau đó lại hối hả đưa những chuyến tàu an toàn vào Nam, ra Bắc…

N. Hoa

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/don-tet-tren-nhung-chuyen-tau-102587.html