Đón Tết sớm ở 'Ngôi nhà chung'

Từ rằm tháng Chạp, nhiều khu làng các dân tộc trong Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam đã tưng bừng trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị mâm cơm tất niên và mời các cộng đồng dân tộc khác tới cùng chung vui. Mọi người ở 'Ngôi nhà chung' vẫn bảo, đây là nơi đón Tết sớm nhất cả nước.

Làng dân tộc Thái đón khách đến chơi nhà

Tưng bừng “Làng đón Tết”

Trong suốt tháng 1-2019, chủ đề hoạt động của Làng Văn hóa, Du lịch các Dân tộc Việt Nam là “Xuân sum họp”. Từ cách đây nửa tháng, không gian các làng dân tộc Tày, Dao, Nùng, Thái, Mường, Khơ Mú, Mông, Ba Na, Tà Ôi, Cơ Tu, Xơ Đăng, RagLai, Ê Đê, Khmer đều đã trang trí đón Tết theo truyền thống của các dân tộc. Nhà nào cũng trang hoàng từ cổng, không gian chung quanh nhà, lối đi vào và không gian tổ chức trò chơi dân gian. Để du khách có thể hiểu thêm về phong tục tập quán đa dạng, độc đáo của các dân tộc, trong nhà cũng bày biện, trang trí theo đúng truyền thống tại quê hương. Năm nào ở Làng cũng đón xuân sớm để những ngày cận Tết, đồng bào có thể về quê hương đoàn tụ cùng với gia đình.

Nghệ nhân Hoàng Văn Phong làm lễ cúng đầu năm.

Tại làng dân tộc Thái, chương trình “Đón Tết ngày đầu năm mới và cùng chung niềm vui bên mâm cơm đặc biệt ngày Tết” đã khiến nghệ nhân Hoàng Văn Phong cùng mọi người tất bật từ sáng sớm. Khi những người “hàng xóm” của mình, là những nghệ nhân Tày, Dao, Nùng, Mường, Khơ Mú, Mông, Ba Na, Tà Ôi, Cơ Tu, Xơ Đăng, Raglai, Ê-đê, Kh’mer và du khách tới chơi nhà, gia chủ ra tận cổng để đón, giới thiệu và dùng câu chúc bằng tiếng Thái để dành cho khách quý. Sau đó, đồng bào các dân tộc anh em sẽ đáp lại lời chúc Tết theo phong tục của đồng bào mình.

Để giới thiệu phong tục dân tộc mình, nghệ nhân Hoàng Văn Phong làm lễ kính cáo tổ tiên nhân ngày đầu năm mới, đón những người anh em đến ăn Tết cùng với đồng bào dân tộc Thái, còn các thành viên trong làng hướng dẫn mọi người cách tung còn cầu may, cùng nhau nhảy sạp, múa xòe.

Trong khi đó, tại làng dân tộc Mông, “chủ nhà” là ông Sùng Pà Thào cũng đang chuẩn bị cho Lễ cúng công cụ sản xuất đón năm mới (ảnh trên). Theo quan niệm của đồng bào Mông, trước khi nghỉ Tết phải thu cất những công cụ, nông cụ sản xuất tập trung về gần bàn thờ để chuẩn bị cho lễ cúng Tổ tiên và cúng cho các nông cụ. Cối xay ngô tháo ra, quẩy tấu, khèn, cuốc, dao, cối giã bánh dày… dán một tờ giấy bản lên rồi làm lễ với gà, bánh, ngô và rượu… rồi làm lễ để công cụ sản xuất được nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả. Các hoạt động truyền thống đón Tết vui xuân đặc trưng các dân tộc làm cho mọi người được hiểu thêm về nghi lễ, lễ hội, phong tục tập quán, vừa là cơ hội giao lưu văn hóa giữa các vùng miền.

Trải nghiệm không khí cộng đồng

Biết ngày 19-1 có chương trình “Làng đón xuân”, từ ngày hôm trước, bà Nguyễn Thị Xuyến (Làng dân tộc Tày) đã tất bật chuẩn bị nguyên liệu, từ gạo nếp nương thơm đượm, thịt lợn bản được lựa chọn từ con lợn ngon nhất, đậu xanh, hành, hạt tiêu, lá dong, lạt giang…để chuẩn bị gói bánh chưng đón năm mới. Bà cho biết, với đồng bào Tày, bánh chưng là món ăn truyền thống mang đậm giá trị văn hóa, là vật dâng cúng ông bà, tổ tiên. Mọi người trong làng dân tộc Tày mỗi người một chân một tay cùng làm bánh chưng và sửa soạn bàn thờ ngày Tết với các lễ vật dâng cúng tổ tiên.

Trong suốt một năm qua, nhà Tày cùng với nhà Mường là hai điểm tổ chức chương trình du lịch homestay với tên gọi “Một ngày bản buôn” để du khách trải nghiệm du lịch cộng đồng. Các hoạt động khác: hái chè, dệt vải, chế tác nhạc cụ, đan lát đồ thủ công, nấu rượu, làm thuốc... cùng tham gia các hoạt động hằng ngày cùng với chủ nhân của các không gian văn hóa này. Chị Hồng Minh (Quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Lâu rồi tôi mới lại được ngồi bên bếp lửa trông nồi bánh chưng. Điều đặc biệt hơn, trong không gian ấm cúng này, các nghệ nhân đã giới thiệu nghi thức Lẩu Then, hát sli, hát then khiến tôi thấy như đang được ở trong những ngôi nhà sàn truyền thống của vùng cao Việt Bắc”.

Nhiều bạn học sinh, sinh viên, thanh niên tới Làng Văn hóa, Du lịch các dân tộc Việt Nam lại thích tham gia các trò chơi dân gian tại đây như ném còn, đi cà khoeo, bập bênh, đánh cầu… Sau đó, mọi người cùng nhau trải nghiệm văn hóa ẩm thực và những món ăn đặc sắc theo vùng miền. Chương trình ẩm thực cũng gắn với từng cộng đồng sinh sống tại làng. Từ món xôi đồ, thịt gà nấu măng, cá ốt đồ, rau đồ, cá nướng, các món ăn từ thịt lợn, xôi màu… của dân tộc Mường tới gà nấu mọ, gà nướng… của dân tộc Khơ Mú. Nghệ nhân Tày sẽ mời khách khâu nhục, cá om măng chua, lạp sườn, thịt gác bếp, măng nhồi… của dân tộc Tày… Ngoài ra, những tín đồ ẩm thực có thể chọn mật ong rừng, phấn hoa, cà phê, ca cao… của dân tộc Ê Đê, bánh tét bánh dừa … của dân tộc Khmer hay bánh tình yêu của dân tộc Tà Ôi…

THẢO NGUYÊN HƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/38994002-don-tet-som-o-%E2%80%9Cngoi-nha-chung%E2%80%9D.html