Đón Tết giữa trùng khơi

Ai đã từng chọn nghề thủy thủ, gắn bó với biển cả hay làm việc trên các con tàu, hẳn có ít nhất đôi lần đón Tết trên biển. Cảm xúc đón Tết giữa trùng khơi của những chàng trai làm việc trên tàu PTSC Vũng Tàu rất đặc biệt, không thể nào quên.

Thật may mắn khi chúng tôi có dịp ghé thăm tàu PTSC Vũng Tàu (thuộc Công ty Tàu dịch vụ Dầu khí (PTSC Marine), chi nhánh Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam - PTSC) trong chuyến về bờ để lấy hàng hóa vận chuyển ra mỏ Chim Sáo.

Anh em tàu PTSC Vũng Tàu đón Tết trên biển

Anh em tàu PTSC Vũng Tàu đón Tết trên biển

Ra tới cảng, nhìn thấy chiếc tàu PTSC Vũng Tàu sao thấy nó to thế, khác hẳn nhìn trên ảnh. Chúng tôi thích thú bước theo các anh lên tàu. Theo quy trình, chúng tôi phải được trang bị đồ bảo hộ an toàn trước khi lên tham quan trên tàu.

Thật thú vị khi chúng tôi được gặp anh Nguyễn Duy Nam, Thuyền trưởng tàu PTSC Vũng Tàu, được xem anh khởi động tàu và nghe những câu chuyện thú vị trên tàu. Lần đầu tiên được lên tàu, được các anh dẫn đi tham quan hết con tàu, được chứng kiến các thuyền viên đang làm việc, chúng tôi đi từ bỡ ngỡ này đến bỡ ngỡ khác và thấu hiểu hơn nỗi vất vả của các anh, thấy các anh rất vui vẻ khi coi đây như là ngôi nhà thứ hai của mình.

Thuyền trưởng tàu PTSC Vũng Tàu Nguyễn Duy Nam đang khởi động tàu

Ngoài sản xuất kinh doanh, PTSC Marine còn phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự TP Vũng Tàu tổ chức bồi dưỡng kiến thức an ninh quốc phòng cho hầu hết CBCNV, thuyền viên; tổ chức cứu hộ, cứu nạn trên biển... PTSC Marine đã hợp tác chặt chẽ với Công ty TNHH MTV Dịch vụ khảo sát và Công trình ngầm PTSC (PTSC G&S), Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân (Hải quân Vùng 2)... sẵn sàng tham gia nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia; cử người trực 24/24 giờ để kịp thời nắm bắt thông tin, sẵn sàng nhận nhiệm vụ bảo vệ an ninh, an toàn trên biển. Đặc biệt, sau khi áp dụng hệ thống giám sát hoạt động tàu trực tuyến trên biển, công ty đã hỗ trợ tích cực cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và các cơ quan chức năng trong việc giám sát, theo dõi hoạt động của các tàu nước ngoài trên Biển Đông.

Ngành hàng hải dầu khí có rất nhiều khác biệt so với hàng hải thông thường và trong các trường hàng hải trong nước không có khoa, môn học về hàng hải dầu khí. Tuy vậy, đội ngũ thuyền viên PTSC không ngừng nỗ lực học hỏi trên thực tế công việc hằng ngày, tự trau dồi khả năng chuyên môn, bản lĩnh nghề nghiệp, tới nay đã làm chủ được các công việc khó khăn nhất của ngành hàng hải dầu khí như làm neo, dịch chuyển giàn nửa nổi nửa chìm (Sub-marine), vận hành khai thác tàu DP ở trong và ngoài nước... Các nhà thầu nước ngoài dù có yêu cầu cao nhất như BP (Anh), JVPC (Việt - Nhật), Petronas (Malaysia), Cửu Long JOC... đều đánh giá rất cao đội ngũ thuyền trưởng của PTSC Marine bởi sự chuyên nghiệp, nỗ lực, sự nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm cao, luôn sẵn sàng vượt qua mọi thử thách.

Trò chuyện cùng anh Nguyễn Duy Nam, chúng tôi được biết anh sinh ra và lớn lên trên đất cảng Hải Phòng, theo học ngành điều khiển tàu biển và tốt nghiệp Đại học Hàng hải, sau nhiều bôn ba, năm 2009, anh đã chọn PTSC Marine là “bến đỗ” cho niềm đam mê nghề nghiệp của mình. Hiện tại, anh Nam đang đảm nhận chức danh Thuyền trưởng của tàu PTSC Vũng Tàu.

Trong cương vị là người chỉ huy, anh Nam luôn tự hào vì đội ngũ thuyền trưởng, máy trưởng của PTSC Marine đã trưởng thành vượt bậc về chuyên môn, ngoại ngữ tốt hơn hẳn các lớp đàn anh đi trước và họ có thể hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Thực tế đã chứng minh các thuyền trưởng, máy trưởng trẻ tuổi người Việt của PTSC Marine hoàn toàn đủ tự tin để hòa nhập với môi trường làm việc quốc tế và yêu cầu chất lượng dịch vụ ngày càng cao của các đối tác trong ngành Dầu khí.

Hiện nay, tàu PTSC Vũng Tàu làm việc cho Tập đoàn khai thác dầu khí Premier Oil đến từ Anh quốc đang khai thác tại mỏ Chim Sáo, thuyền viên trên tàu có 18 người; tổng số thuyền viên và hành khách chở được lên đến 32 người. Khách đi trên tàu là người ra giàn khai thác dầu khí, công việc của tàu dịch vụ là phục vụ cho công tác khai thác dầu khí.

Anh Nam chia sẻ: Nhiệm vụ của tàu PTSC Vũng Tàu là trực bảo vệ cho mỏ Chim Sáo về công tác an toàn, cứu hỏa, bảo vệ an ninh, cung ứng hàng hóa, thực phẩm, nước ngọt... Tàu làm việc 10 tiếng theo các ca gồm trực ca (máy, buồng lái) và day work (bảo quản, bảo dưỡng máy) trên boong tàu. Khi tàu trực an toàn và an ninh cho mỏ Chim Sáo thì phải bảo vệ, xua đuổi những tàu xâm phạm vào vùng giới hạn của mỏ, không cho các tàu lạ đi qua hoặc xâm phạm vào khu vực của mỏ, có khi là tàu Trung Quốc, có khi là tàu cá của người dân Việt Nam, chủ yếu là tàu cá bởi ngư dân không biết những vùng cấm quanh mỏ bao nhiêu hải lý, lúc đó tàu sẽ ra hướng dẫn ngư dân đi ra ngoài, không được đánh bắt trong vùng cấm, nguy hiểm đến an toàn, an ninh mỏ, an toàn khai thác mỏ. Còn tàu Trung Quốc thỉnh thoảng cũng phi thẳng vào, hay một số tàu hàng đi sơ ý xâm phạm, tàu PTSC Vũng Tàu phải ra chặn lại và kêu gọi họ ra khỏi vùng nguy hiểm, bảo đảm an ninh khai thác cho giàn khoan, tàu chứa.

Hồi tưởng lại những cái Tết trên tàu PTSC Vũng Tàu, anh Nam kể: Như thông lệ, thường các tàu sẽ được thông báo nghỉ Tết từ ngày 30 cho tới hết ngày mùng 3 Tết. Tuy nhiên, những thuyền viên đang làm việc trên tàu PTSC Vũng Tàu thì không có nghỉ Tết, bởi họ luôn phải duy trì ca trực, bảo đảm an toàn hoạt động của tàu hay đang tiến hành giao nhận hàng hóa, hoặc trực khai thác mỏ. Tết sẽ đến chậm với tàu PTSC Vũng Tàu một chút. Dù vậy, đồ lễ hay các món ăn ngày Tết vẫn luôn đầy đủ, tươm tất. Bữa cơm chiều tất niên rất được coi trọng, mọi người cùng bày biện và thưởng thức những món ngon nhất. Sau bữa cơm chiều tất niên, mọi người quay lại công việc và chuẩn bị dọn dẹp câu lạc bộ để đón giao thừa. Cảm giác xúc động nhất với thuyền trưởng có lẽ là lúc nâng ly chúc anh em thuyền viên trên tàu và cùng ngồi bên mâm cơm ấm cúng trò chuyện rôm rả.

Anh Nam chia sẻ thêm: Các anh em làm việc trên tàu thường đi 3 tháng mới về nhà, chẳng may khi bố mẹ hay vợ con ốm đau thì không thể về được nên cũng thiệt thòi về tinh thần. Sức khỏe nhiều khi cũng không tốt lắm, phải chịu nhiều sóng gió, không yên ả bằng khi làm trên bờ, có khi sóng cao đến 5-7m vẫn phải trên tàu làm việc bình thường, phải duy trì tàu hoạt động, có khi sóng gió to quá, ai không chịu nổi sẽ rất mệt, không thể ăn được, chỉ uống sữa thôi... Bởi thế, với những thuyền viên trên các con tàu dịch vụ dầu khí, gia đình luôn là điểm tựa tinh thần cho họ trong mỗi hành trình ra biển khơi.

Tết có thể được đón trên biển, giữa đại dương mênh mông hay có thể ngay trong bến cảng cùng gia đình, nhưng các thuyền viên PTSC Marine luôn cho rằng, làm việc vào ngày Tết cũng bình thường thôi, vì công việc là trên hết.

Hồng Thắm

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/don-tet-giua-trung-khoi-560947.html