Đón Tết cổ truyền nơi trời Tây

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều người Việt đang sinh sống tại các quốc gia trên thế giới không thể về quê đón Tết cổ truyền Tân Sửu cùng gia đình.

Đôi bạn trẻ Quân Nguyễn và Minh Quỳnh bên cành đào tự tay chuẩn bị để đón Tết tại Berlin, Đức. Ảnh: NVCC

Đôi bạn trẻ Quân Nguyễn và Minh Quỳnh bên cành đào tự tay chuẩn bị để đón Tết tại Berlin, Đức. Ảnh: NVCC

Họ có những cách đón xuân mới rất riêng để vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ vị Tết quê hương.

Bánh chưng, bánh tét… đậm vị quê nhà

Những ngày cận Tết Nguyên đán, chị Thiều Hồng Thắm (quê Hà Tĩnh) - đang sinh sống và làm việc tại Kharkop-Ukraine - nhận được hàng trăm đơn đặt bánh chưng của người Việt sống tại đây.

Chị Thắm sang Ukraine được 15 năm. Những năm trước, cộng đồng người Việt nói chung và người Hà Tĩnh tại đây đều tổ chức tiệc đón Tết cổ truyền cùng nhau. Mọi người cùng gói bánh chưng, làm các món ăn ngày Tết như thịt kho trứng, dưa hành muối, cùng trang trí cành hoa mai, hoa đào… Tuy nhiên, do dịch Covid-19, chính quyền thành phố cấm tụ tập đông người nên mỗi gia đình đều tự đón Tết riêng.

Mấy tháng nay, do công việc gặp khó khăn nên chị Thắm quyết định “đổi nghề”, ở nhà gói bánh chưng theo đơn đặt hàng. Chị Thắm cho hay, lá gói bánh rất khó kiếm dịp Tết dương lịch, nhưng đợt Tết âm lịch thì dễ hơn.

Lá được vận chuyển từ Ba Lan sang nên mọi người có thể tìm mua và tự gói bánh. Do lá dong khó tìm nên cũng có những đơn hàng phải gói bằng lá chuối. Tuy nhiên, chất lượng và hương vị bánh đều như nhau, đậm đà vị Tết. Giá bán một chiếc bánh tùy theo trọng lượng khoảng 140 nghìn đồng/chiếc.

“Năm nay do cấm tụ tập nên gia đình tôi đã đặt bánh cho chị Thắm qua mạng. Nhìn những hình ảnh chị up lên mạng, clip gói bánh, nấu bánh, vớt bánh… nhớ Tết Việt Nam rất nhiều. Cảm giác cầm trên tay chiếc bánh chưng, thêm một ít dưa hành muối nữa thấy Tết thật gần. Hương vị, cảm giác ấy rất đặc biệt, nôn nao, khó tả”, chị Hà Thanh, đồng hương Hà Tĩnh với chị Thắm tại TP Kharkop tâm sự.

Cũng giống như nhiều người Việt xa xứ khác, anh Quân Nguyễn (quê Nghệ An) và chị Minh Quỳnh (quê Hà Nội) đang làm việc, học tập tại Berlin - Đức không thể về quê dịp này nên rất nhớ vị Tết. Đôi bạn trẻ này đã cùng nhau gói những chiếc bánh tét, bánh chưng để chuẩn bị cho Tết cổ truyền nơi đất khách.

Với nhiều người Việt, thấy hoa đào là thấy Tết nên chị Quỳnh đã tự tay chuẩn bị những cành đào đặc biệt. Chị Minh Quỳnh cho hay, do Berlin đang thực hiện lệnh cấm, chỉ bán nhu yếu phẩm cần thiết nên cửa hàng hoa tạm đóng. Không mua được những bông hoa đào, hoa mai bằng nhựa để gắn vào cánh, chị Quỳnh tự đan len, kết thành những bông hoa đào đỏ nhỏ xinh gắn vào cành để thỏa nỗi nhớ nhà…

12 năm xa quê, chị Hồ Xuân (quê Nghệ An) - sống tại TP Varonhet (Nga) - cho biết, những năm trước, gia đình chị cùng một số người bạn thân tổ chức đón Tết cổ truyền… giống như ở Việt Nam. Họ cùng mua một con heo về mổ lấy thịt và gói bánh chưng, muối dưa, kho thịt… để đón Giao thừa. Không khí rất vui vẻ, ấm áp.

Năm nay do dịch Covid-19, “ai ở yên nhà đó”, không tụ tập bạn bè nhưng với gia đình chị, Tết Việt rất gần. Chị Xuân tự chuẩn bị những món ăn vào dịp Tết và cả nhà quây quần bên nhau cùng gói bánh chưng. “Dù xa quê nhưng gia đình tôi vẫn lưu giữ những nét cổ truyền của dân tộc. Tôi muốn các con cảm nhận, hiểu và luôn nhớ Tết Việt, nhớ về cội nguồn của mình”, chị Xuân nói.

Các con của chị Hồ Xuân (sống tại TP VaroNhet-Nga) cùng gói bánh chưng dịp Tết cổ truyền Tân Sửu. Ảnh: NVCC.

Đón Tết… online

Chị Cao Trương Ngọc Ánh (30 tuổi, quê TPHCM) đang học tập và làm việc tại Hà Lan tâm tư, do không thể về Việt Nam nên… phải đón Tết cùng gia đình qua video call.

Cận Tết chị Ánh đã tìm tới siêu thị Việt mua một ít mứt và bánh chưng sẵn sàng đón xuân. “Cảm giác rất nhớ nhà và hơi chạnh lòng một chút vì bên Hà Lan đang trong giai đoạn lockdown, cấm tụ tập trên 2 người nên cộng đồng người Việt Nam cũng không tổ chức gì cả. Nhiều người cũng giống như mình, đón Tết cùng gia đình và bạn bè qua Internet, video call”, chị Ánh nói.

Cùng có chung tâm trạng, chị Nguyễn Thị Thùy Trang (quê Nghệ An) - sang Bỉ cùng chồng được hơn 5 năm - chia sẻ, ngày thường đi làm, bận rộn với công việc, nhà cửa thì không sao. Nhưng cứ mỗi dịp Tết đến lại nhớ quê. Vợ chồng chị đã mua vé máy bay định về Việt Nam dịp Tết này nhưng đành ngậm ngùi ở lại vì Covid.

“Buồn và nhớ nhà rất nhiều. Mỗi tối, mở Facebook thấy nhà nhà, người người nô nức sắm Tết, gói bánh chưng, mua hoa mai, hoa đào, cây quất về chưng tự dưng thấy chạnh lòng phát khóc vì nhớ. Ở Bỉ, cuộc sống của tôi rất tốt, chồng và gia đình chồng rất tuyệt vời nhưng đón mùa xuân mới thì phải về Việt Nam, về với gia đình. Đó mới là điều tuyệt vời nhất”, chị Trang chia sẻ.

Năm nay, chị Trang cùng chồng chuẩn bị bánh tét, dưa món, giò bò, thịt gà, mứt... đón Tết Việt ở Bỉ. “Dù không đầy đủ nhưng tôi hy vọng sẽ đỡ nhớ nhà và ấm lòng hơn”, chị Trang nói.

Một năm mới đến, những người Việt xa quê luôn mong ước cho gia đình những người thân yêu sức khỏe, bình an, hạnh phúc. Mong rằng dịch Covid qua mau để những người con xa xứ sớm được trở về quê hương đoàn viên với gia đình trong một ngày gần nhất. Với những người Việt xa xứ, dù đi đâu, làm gì vẫn thích nhất không khí đón Tết Việt Nam.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/van-hoa/don-tet-co-truyen-noi-troi-tay-aKFx9uyGR.html