Đón tân Thủ tướng Suga, chứng khoán Nhật Bản tăng nhẹ

Trong ngày ông Suga đắc cử Thủ tướng Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 đóng cửa tăng nhẹ lên 23.475,53 điểm, còn chỉ số Topix nhích 0,21% và kết thúc ngày giao dịch với 1.644,35 điểm.

Chỉ số Nikkei 225 tăng nhẹ lên 23.475,53 điểm trong ngày giao dịch 16/9. Ảnh: AFP

Sau khi đắc cử lãnh đạo Đảng Dân chủ tự do cầm quyền, ông Yoshihide Suga hôm nay 16/9 chính thức trở thành Thủ tướng mới của Nhật Bản. Phát biểu tại cuộc họp báo đầu tiên trên cương vị Thủ tướng diễn ra cùng ngày, ông Suga nhận diện thách thức lớn nhất mà Nhật Bản đang đối mặt là sự lây lan của Covid-19, nhưng song song với đó cần phải cân bằng cuộc chiến chống Covid-19 với phục hồi kinh tế.

Ngày 16/9, thị trường chứng khoán Nhật Bản ghi nhận mức tăng nhưng không lớn. Chỉ số Nikkei 225 đóng cửa tăng nhẹ, lên 23.475,53 điểm, còn chỉ số Topix nhích 0,21% và kết thúc ngày giao dịch với 1.644,35 điểm.

Nền kinh tế Nhật Bản hôm nay đón tin xấu khi kim ngạch xuất khẩu của nước này trong tháng 8 lao dốc tới 14,8% so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn thấp hơn mức giảm 16,1% được các nhà kinh tế dự báo trước đó với Reuters.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục hôm 16/9 chốt phiên trong sắc đỏ. Chỉ số Shanghai Composite giảm 0,36% xuống 3.283,92 điểm còn Shenzhen Component trượt sâu hơn 1,006% về 13.011,28 điểm. Trên sàn Hong Kong, chỉ số Hang Seng ít biến động lúc cuối phiên.

Thị trường Hàn Quốc giữ sắc xanh với chỉ số Kospi tăng 0,31% và đóng cửa ở mức 2.435,93 điểm, còn tại Australia chỉ số S&P/ASX 200 đạt mức tăng 1,04% và kết thúc ngày giao dịch với 5.956,10 điểm. Nhìn chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) tăng 0,51%.

Cổ phiếu của các nhà cung ứng cho Apple hôm 16/9 rơi vào hỗn độn sau khi “gã khồng lồ” công nghệ Mỹ ra mắt nhiều sản phẩm và dịch vụ mới, trong đó có các mẫu đồng hồ Apple Watch và iPad. Tại Nhật Bản, cổ phiếu của nhà cung ứng Murata Manufacturing trượt nhẹ trong khi cổ phiếu Sharp mất 0,67%, trong khi cổ phiếu LG Display Hàn Quốc rớt 1,23%. Tại Đài Loan, cổ phiếu Foxconn giảm 0,38%; trái lại, cổ phiếu hãng sản xuất chất bán dẫn TSMC lại tăng điểm tới 2,92%.

Giới đầu tư đổ dồn sự chú ý về cuộc họp chính sách của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang thuộc Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến kết thúc vào ngày 16/9 (giờ Mỹ). Theo đó, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang sẽ công bố chính sách tiền tệ cùng đánh giá hàng quý về GDP, tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát của Mỹ.

"Chính sách tiền tệ mà Fed công bố vào ngày 16/9 có thể là sự kiện rủi ro nghiêm trọng nhất trong tuần này khi mà nhiều nhà đầu tư đang trông đợi để đánh giá về mức độ ảnh hưởng của chính sách mới lên đồng đô la Mỹ," bà Kathy Lien, Giám đốc điều hành chiến lược ngoại hối tại Quỹ quản lý tài sản BK Asset Management bình luận. Nữ chuyên gia này cho biết nhiều dự báo cho rằng Fed sẽ "không đưa ra bất kỳ thay đổi nào" trong chính sách tiền tệ và trọng tâm chính là đưa ra các dự báo kinh tế.

Trước khi có thông báo chính sách của Fed, chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác giảm còn 93,046, từ mức 93,185. Đồng yên Nhật Bản mạnh lên và quy đổi 105,39 JPY/USD so với mức 106 JPY/USD thiết lập đầu tuần, trong khi đô la Australia trượt giá về mức 1 AUD/0,7312 USD so với mức 1 AUD/0,733 USD thiết lập hôm 15/9.

Giá dầu trên thị trường châu Á đi lên trong ngày giao dịch 16/9. Dầu thô Brent giao kỳ hạn lên giá 1,9% lên 41,30 USD/thùng, còn dầu thô giao sau của Mỹ tăng giá mạnh hơn với 2,25% và đạt 39,14 USD/thùng.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/don-tan-thu-tuong-suga-chung-khoan-nhat-ban-tang-nhe-d129687.html