Đòn tấn công của UAV bầy đàn có dễ bị khắc chế?

Tại Syria, lưới phòng thủ nhiều tầng kết hợp với áp chế mềm bằng tác chiến điện tử của Nga đã khiến các đợt tấn công bằng UAV bị vô hiệu.

Hiện nay, lực lượng vũ trang của hầu hết các quốc gia đang nỗ lực chế tạo và thử nghiệm chiến thuật của một nhóm máy bay không người lái (UAV). Công nghệ này cho phép sử dụng hiệu quả một số lượng lớn UAV do thám - tấn công và UAV trinh sát cùng một lúc.

Sẽ rất khó đối phó với đòn tấn công đồng thời bằng số lượng lớn UAV.

Sẽ rất khó đối phó với đòn tấn công đồng thời bằng số lượng lớn UAV.

Nguyên lý UAV hoạt động theo kiểu bầy đàn lấy ý tưởng từ thế giới xung quanh, được các nhà khoa học theo dõi dựa trên cơ sở của bầy côn trùng. Chiến thuật này được coi là có nhiều hứa hẹn và trong tương lai sẽ mở ra cơ hội thực tế không giới hạn cho quân đội trên chiến trường.

Tại Nga, các kỹ sư hàng không vũ trụ Nga phối hợp giới thiệu một hình thức chiến tranh khá kinh hoàng trong tương lai với tên gọi Flock-93.

Flock-93 gồm có hơn 100 máy bay không người lái, mỗi chiếc lại được trang bị một lượng thuốc nổ, được sử dụng để để tấn công các mục tiêu, chẳng hạn như cả một đoàn xe quân sự đang di chuyển, theo kiểu bầy đàn.

Những chiếc UAV với số lượng đông đảo như vậy sẽ cực kỳ khó chống đỡ, thậm chí với ngay cả những hệ thống phòng thủ tích cực nhất thì một số UAV vẫn có thể vượt qua.

Tại Mỹ, các chuyên gia thuộc Cơ quan DARPA đang tích cực làm việc để tạo ra đàn máy bay không người lái. Các thử nghiệm đã sử dụng hàng chục máy bay không người lái để tiến hành kiểm tra hệ thống điều khiển chuyển động UAV mới.

Dù bây giờ Mỹ mới công bố về chương trình vũ khí bầy đàn của mình nhưng trong thực tế, hồi năm 2019, lực lượng Houthi tại Yemen đã từng dùng bầy đàn UAV tự sát quy mô để tấn công vào các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia gây hư hỏng lớn.

Trong khi đó, căn cứ Hmeymin và Tartus của Nga tại Syria cũng đã từng nhiều lần bị tấn công bởi các bầy đàn UAV tự sát. Hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ gần đây trên lãnh thổ Syria và ở Libya cũng sử dụng các bầy đàn UAV.

Chuyên gia Charles Lister thuộc Viện nghiên cứu Trung Đông của Mỹ đánh giá, thành công quân sự lớn và duy nhất của Thổ Nhĩ Kỳ trên cả 2 chiến trường chính là chiến thuật sử dụng UAV quân sự kiểu bầy đàn.

Theo giới chuyên gia, dù rất đáng sợ nhưng chiến thuật tấn công kiểu bầy đàn của UAV không phải không có cách để đối phó.

Tại Syria, lưới phòng thủ nhiều tầng kết hợp với áp chế mềm bằng tác chiến điện tử của Nga đã khiến các đợt tấn công bằng UAV của phiến quân Syria không đạt được kết quả như mong muốn.

Trong khi đó, Israel cũng vừa chính thức công bố tổ hợp Drome Dome có thể dễ dàng đối phó với đòn tấn công bầy đàn của UAV. Drome Dome có thể khống chế và ép hạ cánh UAV ở khoảng cách lên tới 3,5km và kiểm soát cùng lúc khoảng 200 UAV.

Nếu năng lực của Drome Dome như giới thiệu, Israel hoặc bất kỳ lực lượng nào được trang bị đều có thể khắc chế được chiến thuật tấn công kiểu bầy đàn của UAV. Đến khi đó, đòn tấn công cùng lúc với số lượng lớn UAV sẽ khó phát huy tác dụng.

Theo Đan Nguyên/Báo Đất Việt

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/don-tan-cong-cua-uav-bay-dan-co-de-bi-khac-che/20200619101440924