Dồn sức gỡ khó để bảo đảm tiến độ

Khởi công từ tháng 6-2016, Dự án chống ngập, kiểm soát triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu tại TP Hồ Chí Minh với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, là dự án trọng điểm, thể hiện quyết tâm, kỳ vọng lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh.

Theo định hướng của Chính phủ, UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung đẩy nhanh quá trình thi công, phấn đấu hoàn thành dự án vào tháng 4-2018, vượt tiến độ 14 tháng. Đến nay, khi dự án đã hoàn thành gần 37% khối lượng thi công thì lại gặp khó khăn, thách thức về giải phóng, bàn giao mặt bằng dẫn đến nguy cơ dự án khó đạt tiến độ theo kế hoạch đề ra.

Dự án đạt gần 37 % khối lượng công trình

Dự án được thực hiện bằng hình thức BT (xây dựng-chuyển giao), Tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư, bao gồm các hạng mục chính: 6 cống lớn: Bến Nghé, Cây Khô, Mương Chuối, Phú Định, Phú Xuân và Tân Thuận. Các cống được thiết kết kế rộng 40-160m, cao trình đáy 3,5-10m để tàu bè có thể qua lại khi cửa cống mở hoàn toàn. Ngoài ra còn có các hạng mục thành phần gồm: 2 cống nhỏ và 7,8km đê kè bờ hữu sông Sài Gòn và Trung tâm TP Hồ Chí Minh. Địa điểm xây dựng các công trình ở địa bàn các quận, huyện: 1, 4, 7, 8, Nhà Bè, Bình Chánh. Công trình hướng đến mục tiêu chống ngập, kiểm soát triều trên diện tích 570km 2 với quy mô dân số khoảng 6,5 triệu dân.

Công trình cống Mương Chuối (huyện Nhà Bè) thuộc dự án đã hoàn tất thi công phần ngầm.

Có mặt trên công trường của một số hạng mục thành phần những ngày này, chúng tôi chứng kiến không khí lao động hết sức khẩn trương. Các sà lan, hệ thống máy móc được vận hành khoan, gia công các hệ thống cống, bệ đỡ và đê kè hành lang bảo vệ. Khu vực cống Mương Chuối đã hoàn tất công trình ngầm khoan sâu dưới dòng sông và đang tiến hành thi công phần nổi, lắp đặt các hệ thống vận hành, bơm công suất lớn.

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Tập đoàn Trung Nam cho biết: "Sau một năm kể từ ngày khởi công, tập đoàn đã huy động mọi nguồn lực triển khai dự án và cam kết hoàn thành vào dịp 30-4-2018, vượt tiến độ 14 tháng, giúp người dân thoát khỏi cảnh ngập nước do mưa lớn và triều cường. Hiện nay, mỗi ngày trên các công trường của dự án, chúng tôi huy động 1.850 cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động; trong đó có 12 chuyên gia nước ngoài, cùng với 950 thiết bị máy móc và 67.000 tấn thép. Đến tháng 6-2017, dự án đã đạt gần 37% khối lượng thi công với giá trị giải ngân đạt 2.892 tỷ đồng.

Giải phóng mặt bằng không theo kịp tiến độ thi công

Trước sự quan tâm của Chính phủ, sự chỉ đạo, hỗ trợ nhiều mặt của UBND TP Hồ Chí Minh, chủ đầu tư đã có nhiều thuận lợi để triển khai thi công dự án. Hoạt động thi công được triển khai gấp rút, nhiều hạng mục cống đã hoàn thành từ 20 đến 40% khối lượng công trình. Tuy nhiên, chúng tôi được biết, khó khăn lớn nhất hiện nay là vướng các công trình hạ tầng kỹ thuật và chậm bàn giao giải phóng mặt bằng. Hiện nay, diện tích đất dùng cho xây dựng dự án thuộc sở hữu, sử dụng của 402 hộ dân và 16 doanh nghiệp, 1 tổ chức, tập trung ở các hạng mục: cống Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định, cầu Kinh, rạch Bà Bướm... vẫn chưa được bàn giao. Cụ thể diện tích đất của các tổ chức, cá nhân chưa bàn giao mặt bằng gồm: Cống kiểm soát triều Tân Thuận (2 doanh nghiệp), cống Phú Xuân (14 hộ dân và 2 doanh nghiệp), cống Mương Chuối (99 hộ), cống Cây Khô (95 hộ), cống Phú Định (16 hộ và 1 tổ chức), đê kè, cống cầu Kinh, rạch Bà Bướm (198 hộ và 12 doanh nghiệp).

Ông Nguyễn Tâm Tiến lo ngại: "Nếu công tác giải phóng mặt bằng triển khai chậm trễ sẽ dẫn đến chậm tiến độ dự án. Trước đây, chúng tôi cam kết vượt tiến độ 14 tháng với điều kiện phải đồng bộ trong giải tỏa, bàn giao mặt bằng. Nếu chậm trễ này kéo dài đến tháng 9-2017 vẫn chưa được giải quyết thì dự án khó hoàn thành vào tháng 4-2018. Hiện, Tập đoàn Trung Nam phải thuê đất của các hộ dân diện giải tỏa để thi công dự án trong khi chờ hoàn tất thu hồi đất. Chúng tôi đã có văn bản kiến nghị TP Hồ Chí Minh chỉ đạo các đơn vị khẩn trương di dời các công trình ngầm cũng như hỗ trợ vận động doanh nghiệp có đất dọc tuyến đê kè đồng ý bàn giao mặt bằng".

Huyện Nhà Bè là địa phương có công tác giải phóng mặt bằng cho dự án nhanh chóng nhất. Ông Huỳnh Ngọc Hồng, Trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè chia sẻ:

- Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, huyện Nhà Bè đã phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung giải phóng mặt bằng, giải phóng đến đâu bàn giao đến đấy, không chờ thu hồi hết mới giao. Để có kết quả đó, lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện đã có chỉ đạo quyết liệt, theo sát quy trình thu hồi, lập thủ tục thu hồi, bồi thường với sự đồng thuận của người dân.

Nhằm gỡ khó cho dự án, UBND TP Hồ Chí Minh đã lập tổ công tác do đồng chí Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND Thành phố làm tổ trưởng, để giám sát triển khai và hỗ trợ, chỉ đạo trực tiếp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của dự án. Tổ công tác đã đồng hành, giám sát, trực tiếp hỗ trợ về mặt thủ tục, tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư.

Dự án chống ngập, kiểm soát triều đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển bền vững của TP Hồ Chí Minh. Chính phủ và lãnh đạo thành phố đã tạo điều kiện để chủ đầu tư tiếp cận nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới và sắp xếp bố trí quỹ đất làm vốn đối ứng. Theo dõi quá trình triển khai dự án, nhiều chuyên gia, nhà quản lý cho rằng, công tác giải phóng mặt bằng cần được đẩy nhanh chứ không thể chạy theo sau tiến độ dự án đạt được. Lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh cần giao trách nhiệm cho lãnh đạo các quận, huyện khẩn trương vận động, thuyết phục và hoàn tất các phương án đền bù, hỗ trợ giải tỏa, kiên quyết không chậm trễ để dự án được triển khai đúng tiến độ, kế hoạch đề ra, sớm đưa vào vận hành, giải quyết tình trạng ngập lụt trên diện rộng do mưa lớn và triều cường.

Bài và ảnh: ĐẶNG TRUNG KIÊN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/don-suc-go-kho-de-bao-dam-tien-do-510693