Đón sóng FDI chất lượng cao từ EU

Việc ký kết hai hiệp định quan trọng, gồm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) không chỉ mở ra một chương mới trong mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nền kinh tế mà còn đưa Việt Nam trở thành tâm điểm của các dòng chảy thương mại, đầu tư toàn cầu. Dự báo việc thực thi hai hiệp định này sẽ tạo nên sự thay đổi lớn trong dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ EU vào Việt Nam trong thời gian tới.

Việc ký kết hai hiệp định quan trọng, gồm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) không chỉ mở ra một chương mới trong mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nền kinh tế mà còn đưa Việt Nam trở thành tâm điểm của các dòng chảy thương mại, đầu tư toàn cầu. Dự báo việc thực thi hai hiệp định này sẽ tạo nên sự thay đổi lớn trong dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ EU vào Việt Nam trong thời gian tới.

Phù hợp chiến lược thu hút FDI thế hệ mới

Ðáng lưu ý là cùng thời điểm EVFTA và EVIPA được ký kết, Bộ Chính trị đang xem xét ban hành Nghị quyết về thu hút FDI thế hệ mới. Sau 30 năm thu hút FDI, đây là lần đầu Bộ Chính trị có một nghị quyết chuyên đề hướng đến mục tiêu thu hút FDI có chọn lọc, phù hợp quá trình cơ cấu lại nền kinh tế Việt Nam, đổi mới mô hình tăng trưởng, phát huy lợi ích và hạn chế những bất cập của FDI mang lại. Thứ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư (KH&ÐT) Vũ Ðại Thắng cho biết, để hiện thực hóa Nghị quyết của Bộ Chính trị, Bộ KH&ÐT đang phối hợp các cơ quan trình Chính phủ Ðề án về chiến lược đầu tư nước ngoài trong thời gian tới. Trong đó sẽ có chuyển đổi rất quan trọng về quan điểm trong thu hút FDI của Việt Nam. Cụ thể là chuyển đổi từ thu hút đầu tư theo chiều ngang sang thu hút đầu tư có chọn lọc theo chiều sâu, theo cấp độ về đầu tư cho khoa học - công nghệ, tạo sự liên kết giữa nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp (DN) trong nước. Ưu tiên các dự án có giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu và có tác động lan tỏa, gắn kết hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước.

Ðến nay, Việt Nam đã ký hơn 60 hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) với các quốc gia nhưng EVIPA có những điểm rất mới, chi tiết và cân bằng hơn so với những hiệp định bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký với các đối tác trước đây. Ðặc biệt là xây dựng được nguyên tắc giải quyết tranh chấp thông qua cơ chế thường trực hai cấp, khác hẳn với cơ chế trọng tài của các hiệp định trước. Do đó, nhà đầu tư EU sẽ cảm thấy an toàn hơn khi rót vốn vào Việt Nam, đồng thời sẽ lựa chọn Việt Nam để thông qua khuôn khổ EVFTA, EVIPA nhằm có thể tham gia vào thị trường ASEAN và thị trường trong khối các nền kinh tế thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (CPTPP).

Theo đánh giá của Bộ KH&ÐT, EVIPA sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam, mức độ tự do hóa đầu tư của EU vào Việt Nam sẽ được tăng thêm, nhất là trong một số ngành dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, viễn thông, vận tải, phân phối. Giúp Việt Nam cải thiện chất lượng đầu tư nước ngoài, thu hút thêm các nhà đầu tư trong một số ngành nghề mà EU có tiềm năng như công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ tài chính, ngân hàng. Ðồng thời có thể hỗ trợ sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước thông qua tác động lan tỏa, do EU là khu vực có trình độ công nghệ phát triển cao, FDI gia tăng từ EU có thể đem theo thiết bị công nghệ tiên tiến. Cùng với đó, cam kết tự do hóa đầu tư trực tiếp trong EVFTA và cam kết về bảo hộ đầu tư trong EVIPA giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư EU kinh doanh tại Việt Nam.

Nâng cao năng lực cạnh tranh

Với những tiêu chuẩn cao trong nhiều lĩnh vực về kinh doanh, thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ,… EVFTA và EVIPA chính là động lực để Việt Nam tiến hành cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, hiệu quả, vượt qua những thách thức trong giai đoạn nền sản xuất thế giới đang đứng trước sự thay đổi như vũ bão của cách mạng công nghiệp 4.0. Vì lẽ đó, việc triển khai EVFTA và EVIPA cũng được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy làn sóng cải cách thứ hai ở Việt Nam. Tuy nhiên, việc chuẩn bị từ phía Việt Nam về môi trường đầu tư kinh doanh, nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, khả năng hấp thụ công nghệ…, đóng vai trò quan trọng trong việc phát huy các cơ hội từ hai hiệp định này. Các chuyên gia cho rằng, để tận dụng cơ hội, trước hết, cơ quan chức năng cần tăng cường phổ biến các nội dung của hiệp định và những việc cần làm để thực thi hiệp định cho những đối tượng bị tác động.

Ngay sau khi hiệp định được ký kết, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tổ chức Hội thảo đối thoại về EVFTA. Cộng đồng DN rất mong sẽ có nhiều mô hình hợp tác giữa các DN của hai nền kinh tế để EVFTA thật sự trở thành hiệp định tốt nhất. Theo ông N.Au-đi-ơ, Chủ tịch EuroCham Việt Nam, ngoài những lợi ích kinh tế, các DN EU tin tưởng rằng hai hiệp định này sẽ ảnh hưởng tích cực với những vấn đề xã hội và môi trường. Bởi EVIPA sẽ giúp việc tăng cường thu hút FDI từ EU thuận lợi hơn, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm hoạt động thương mại và đầu tư của EU ở Ðông - Nam Á.

Ðể đón sóng đầu tư từ EU, TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Ðầu tư nước ngoài (Bộ KH&ÐT) cho rằng, chỉ khi có một môi trường đầu tư mang tính cạnh tranh cao hơn, nổi trội hơn so với các nước trong khu vực, Việt Nam mới giành được lợi thế trong thu hút cạnh tranh đầu tư quốc tế. Do đó, Việt Nam cần nỗ lực khắc phục được những hạn chế hiện tại của môi trường đầu tư, tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp chính sách để có môi trường đầu tư cạnh tranh hơn nữa. Trong đó, phải bảo đảm sự nhất quán, dễ hiểu và hiểu đúng tinh thần luật về tất cả các nội dung liên quan đến đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh đó, cần đưa ra được danh mục dự án thu hút đầu tư phù hợp và kịp thời chuẩn bị cơ sở hạ tầng, điện, nước, nguồn nhân lực, nhà xưởng khu công nghiệp để sẵn sàng đón doanh nghiệp EU vào đầu tư.

Tính đến nay, các nhà đầu tư EU đã có 2.244 dự án tại

Việt Nam với tổng vốn đăng ký 24,67 tỷ USD, chưa tính một số dự án lớn khác thông qua quốc gia hoặc vùng lãnh thổ thứ ba. Hiện đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam trong số các nước thành viên EU là Hà Lan, Pháp, Lúc-xăm-bua, Đức…, trong đó có những dự án đầu tư vào công nghệ cao từ các tập đoàn Ericsson, ABB, Bosch. Hầu hết các dự án của EU tập trung ở những địa phương có cơ sở hạ tầng phát triển như Hà Nội, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế trọng điểm phía nam.

Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

TÔ HÀ

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/tin-tuc/item/40942102-don-song-fdi-chat-luong-cao-tu-eu.html