Đón sóng CMCN 4.0, để cửa hàng tạp hóa truyền thống không bị bật khỏi 'guồng quay'

Trong bối cảnh hiện nay với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các kênh bán hàng tạp hóa truyền thống cũng cần có sự cải tiến, chuyển mình cùng thời cuộc để không bị bật khỏi guồng quay của thị trường.

Theo thông tin từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), gần 30 năm liên tục phát triển, song đến thời điểm hiện nay, kênh bán lẻ hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại) mới chỉ chiếm được khoảng 25% - 26% tổng doanh thu thị trường bán lẻ. Phần doanh thu lớn nhất vẫn thuộc về các chợ truyền thống, tiệm tạp hóa.

Số liệu của Nielsen chỉ ra, Việt Nam có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và 9.000 chợ truyền thống, chiếm thị phần 75%, doanh thu trên dưới 10 tỷ USD mỗi năm. Còn theo Kantar Worldpanel Việt Nam, các kênh bán lẻ truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa) vẫn đang đáp ứng đến 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Các kênh bán hàng tạp hóa truyền thống cần có sự cải tiến, chuyển mình cùng thời cuộc để không bị bật khỏi guồng quay của CMCN 4.0. Ảnh minh họa.

Các kênh bán hàng tạp hóa truyền thống cần có sự cải tiến, chuyển mình cùng thời cuộc để không bị bật khỏi guồng quay của CMCN 4.0. Ảnh minh họa.

TS. Nguyễn Hoài Long - Trưởng bộ môn Bán hàng và Digital Marketing (Đại học Kinh tế Quốc dân) nhìn nhận: Một trong những lợi thế quan trọng của tiệm tạp hóa chính là giá cả sản phẩm tới tay người tiêu dùng luôn ở mức rất cạnh tranh. Bởi họ thường không mất chi phí mặt bằng hay các chi phí quản lý, kho bãi, nhân lực…

Các tiệm tạp hóa thường có mối quan hệ chặt chẽ với khách hàng. Sự trường tồn của những tạp hóa này thể hiện ở 5 lợi thế đặc biệt, bao gồm: Sự tiện lợi - Sự phù hợp - Dịch vụ tốt - Bán qua mối quan hệ gần gũi - Chi phí thấp. Những điều này đã giúp kênh bán lẻ truyền thống giữ vững vị trí thượng phong trong lòng người tiêu dùng.

Bên cạnh đó là tính linh hoạt. Bất kỳ cửa hàng bán lẻ nào cũng có thể mọc ra ở ngõ, ngách nhỏ, phù hợp với cơ sở hạ tầng Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam là một văn hóa cộng đồng kết nối và chính chủ hàng tạp hóa lại là những người hàng xóm thân thiết. Tiệm tạp hóa còn là nơi để chia sẻ về những câu chuyện hàng xóm, láng giềng, chuyện thời sự…

Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; cùng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, các kênh bán hàng tạp hóa truyền thống cũng cần có sự cải tiến, chuyển mình cùng thời cuộc để không bị bật khỏi guồng quay của thị trường.

Đặc biệt, khi xu hướng bán hàng, phân phối đã dịch chuyển mạnh mẽ đòi hỏi những mô hình truyền thống như tạp hóa cũng phải thay đổi cơ bản. Theo đó, cửa hàng tạp hóa không chỉ bán lẻ từ vài nghìn đồng mỗi món hàng, mà cần nâng cấp làm đầu mối bán buôn những mặt hàng thiết yếu... của những nhà sản xuất lớn cho khu vực dân cư tại chỗ.

Theo TS. Đinh Thị Mỹ Loan, nguyên Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, các cửa hàng bán lẻ truyền thống cần kết hợp cả những yếu tố truyền thống và tiếp cận xu hướng hiện đại để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong thời đại mới.

“Việc sử dụng thanh toán điện tử, bán hàng online là xu hướng các cửa hàng cần cập nhật để có thể phục vụ nhanh nhất những khách hàng bận rộn. Không loại trừ cả việc giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội để quảng bá sản phẩm một cách rộng rãi hơn”, bà Loan nêu ý kiến.

Phương Mai

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/don-song-cmcn-40-de-cua-hang-tap-hoa-truyen-thong-khong-bi-bat-khoi-guong-quay-d179604.html