Đón 'sóng' 4.0: Hóa giải thách thức bằng hành động

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) sẽ tác động mạnh mẽ tới mô hình tăng trưởng và mô hình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của Việt Nam, đặt ra yêu cầu ngày càng lớn hơn đối với quá trình tái cơ cấu các ngành và tái cơ cấu đầu tư. Trước tình hình đó, Bộ Công Thương đã triển khai một loạt giải pháp nhằm tăng cường năng lực tiếp cận và ứng dụng thành quả của CMCN 4.0.

Chủ động tiếp cận CMCN 4.0

Theo nhận định của Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) - Việt Nam là quốc gia đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, cuộc CMCN 4.0 mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm; tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn và đầy tiềm năng trong lĩnh vực công nghệ số và internet; đồng thời, cũng là cơ hội lớn cho sản xuất công nghiệp với trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến.

Cuộc CMCN 4.0 mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ

Cuộc CMCN 4.0 mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ

Tuy nhiên, nếu không bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ phải đối mặt những thách thức, tác động tiêu cực như: Sự tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất, kinh doanh; dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống, ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội đất nước; mất an toàn, an ninh thông tin, xâm phạm bản quyền, thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao...

Trước thực tế đó, Bộ Công Thương đang tích cực triển khai các nhiệm vụ nằm trong Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận với cuộc CMCN 4.0. Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của kế hoạch.

Theo đó, Bộ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo hiểu biết và nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, đặc trưng, cơ hội và thách thức của CMCN 4.0 đối với ngành Công Thương; phối hợp với nhiều tổ chức, tập đoàn lớn về công nghệ và giải pháp 4.0 để tổ chức các hội nghị, diễn đàn về CMCN 4.0; đóng góp quan trọng trong các hoạt động của Đảng, Chính phủ gắn với nội dung về CMCN 4.0.

Đồng thời, tập trung, đẩy mạnh triển khai công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ về công nghiệp 4.0, xây dựng được một số mô hình thí điểm về nhà máy thông minh trong ngành Công Thương như: Nhà máy bia thông minh, logistics 4.0; các hệ thống quản trị sản xuất thông minh, quản trị theo các hoạt động của doanh nghiệp (DN); triển khai xây dựng các đề án về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp 4.0; định hướng, triển khai công tác đào tạo trong các trường của Bộ Công Thương gắn với yêu cầu mới của nhân lực phục vụ công nghiệp 4.0.

Bộ Công Thương cũng thực hiện đánh giá tác động và tính sẵn sàng của DN sản xuất công nghiệp tham gia vào cuộc CMCN 4.0, cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn để xây dựng chính sách, giải pháp chủ động tham gia vào cuộc CMCN 4.0 và hỗ trợ có hiệu quả trong việc nâng cao năng lực tiếp cận của DN; xây dựng và đẩy mạnh triển khai Chính phủ điện tử, từng bước nghiên cứu, ứng dụng công nghệ 4.0 trong hỗ trợ quản lý, điều hành công tác quản lý nhà nước của Bộ.

Báo cáo của Bộ Công Thương gửi Quốc hội chỉ rõ, trong thời gian tới, để chủ động tham gia vào cuộc CMCN 4.0, công tác triển khai của Bộ sẽ tập trung vào các vấn đề: Nhanh chóng triển khai việc xây dựng Chiến lược phát triển ngành giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 trên quan điểm và cách thức tiếp cận với CMCN 4.0; thực hiện rà soát, nhanh chóng hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách một cách đồng bộ cho việc tiếp cận và khai thác thành quả của CMCN 4.0.

Doanh nghiệp cần nhập cuộc mạnh mẽ

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) - cho biết, để nâng cao năng lực tiếp cận và nắm bắt tốt nhất các cơ hội từ CMCN 4.0, ngoài sự hỗ trợ tích cực từ phía nhà nước, cần sự chủ động của các DN. Cuối năm 2017, đầu năm 2018, Bộ Công Thương đã tiến hành khảo sát, đánh giá mức độ sẵn sàng trong tiếp cận với CMCN 4.0 đối với các DN sản xuất ngành Công Thương. Kết quả đã chỉ ra rằng các DN hiện nay đang ở xuất phát điểm thấp trong tiếp cận với CMCN 4.0.

Theo đó, các vấn đề cần được DN ưu tiên tập trung triển khai gồm: Nhanh chóng xây dựng chiến lược phát triển DN dựa trên nền tảng của CMCN 4.0, một chiến lược mới, đảm bảo tính linh hoạt, thích nghi với các thay đổi. Chiến lược về 4.0 phải trở thành một phần trong chiến lược phát triển của DN. Ngoài ra, đầu tư cho khoa học và công nghệ phải là một phần quan trọng trong kế hoạch đầu tư của DN.

Tiếp sau việc hình thành chiến lược tiếp cận chủ động, các DN cần tập trung, đầu tư nâng cao khả năng kết nối thiết bị với thiết bị. Điểm yếu nhất của các DN hiện nay là 70% DN có thiết bị không thể kiểm soát bằng công nghệ thông tin và kết nối với thiết bị khác, 75% không có mô hình kỹ thuật số nào. Yêu cầu về vận hành thông minh và phát triển dịch vụ dựa vào dữ liệu là những bước đi tiếp theo của DN. Để nâng cao mức độ sẵn sàng, DN cần ưu tiên thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, sớm tập trung phát triển các sản phẩm thông minh…

Để chủ động tiếp cận với cuộc CMCN 4.0, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành xây dựng các chính sách nhằm cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng và nhà nước, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ DN chuyển đổi số thông qua ứng dụng, triển khai các mô hình nhà máy số, quản trị thông minh, thiết lập hạ tầng công nghệ số phục vụ quá trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển nguồn nhân lực…

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/don-song-40-hoa-giai-thach-thuc-bang-hanh-dong-127647.html