Đòn roi không khuất phục

Đã nhiều năm trôi qua, nhưng mỗi khi kể lại những trận bị kẻ thù tra tấn cực hình, ông Trần Văn Xuân, thương binh hạng 1/4, ở xã Vượng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) vẫn nhớ rất rõ. Bản lĩnh và niềm tin đã giúp ông vượt qua đòn roi, giữ vững khí tiết kiên trung của người cộng sản.

Ông Trần Văn Xuân cùng gia đình.

Năm 1963, khi đang là cán bộ Đoàn xã Vượng Lộc, Trần Văn Xuân viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Sau khi huấn luyện ở Đại đội 3 (Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2), chiến sĩ Xuân được cử đi học Trường Hạ sĩ quan ở Thanh Hóa. Trở về đơn vị cũ đảm nhiệm cương vị tiểu đội trưởng, sau đó là trung đội trưởng, năm 1966, Trung đội trưởng Xuân cùng đơn vị hành quân vào tỉnh Quảng Trị. Trước khi đi hành quân, anh được kết nạp Đảng. Tháng 5-1967, anh dẫn đầu tốp trinh sát luồn sâu nắm tình hình ở một cao điểm thuộc huyện Gio Linh (Quảng Trị) thì bị địch phát hiện, người trung đội trưởng bị một mảnh đạn trúng vùng đầu, ngất lịm, địch đưa anh về Đà Nẵng. Tại đây, địch tra hỏi Trần Văn Xuân: “Mày vào đây làm gì?”. Anh bình tĩnh bảo: “Choa vào đây đánh bay chứ làm gì! Bọn cướp nước!”. Một tên lính bực tức dùng báng súng đánh mạnh vào thái dương anh, một mắt anh Xuân trồi ra, máu chảy đầm đìa, chúng lại dùng kìm giật mạnh, anh ngất đi. Sau đó, chúng đưa Trần Văn Xuân tới biệt giam tại trại giam Biên Hòa (Đồng Nai). Tại đây, chúng dùng mọi cực hình tra tấn anh, như: Đứng xà lim, ngồi trên kiềng thép gai, gí lưỡi cày nung đỏ vào người... Địch tra tấn bằng nhiều hình thức, nhưng không có kết quả, chúng bỏ anh vào lồng sắt, đưa lên trực thăng ra nhà tù Phú Quốc. Tại đây, Trần Văn Xuân bị nhốt trong chuồng cọp, dù bị địch tra tấn rất dã man, nhưng vẫn không thể làm lung lay ý chí của anh. Năm 1973, Hiệp định Paris được ký kết, Trần Văn Xuân trở về đơn vị và được ra miền Bắc điều trị vết thương.

Sau một năm điều trị ở Trung tâm Điều dưỡng thương binh Kim Bảng (Hà Nam), thương binh Trần Văn Xuân xin về phép. Lúc này, địa phương phát động phong trào cưu mang, giúp đỡ thương binh nặng trở về. Chị Võ Thị Nhân, Bí thư Đoàn xã Vượng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) nhận chăm sóc anh Xuân, rồi họ nên duyên vợ chồng. Cưới nhau được 5 ngày, chị Nhân đưa chồng ra trung tâm điều dưỡng tiếp tục chữa trị vết thương. Năm 1976, hai vợ chồng mới đoàn tụ bên nhau.

Hơn 10 năm chiến đấu với nhiều trận đánh lớn nhỏ và hơn 6 năm tù đày ở nhà tù Phú Quốc, Trần Văn Xuân hai lần được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ và nhiều huân chương, huy chương. Với ý chí, nghị lực phi thường, ông Trần Văn Xuân luôn là một tấm gương sáng để thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Bài và ảnh: LÊ TƯỜNG HIẾU

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/tiep-lua-truyen-thong/don-roi-khong-khuat-phuc-556394