Đòn phối hợp của A-235 Nudol và MiG-31 khiến địch tê liệt

Trang CNBC dẫn nguồn tin quân sự Mỹ cho biết, với 2 loại tên lửa A-235 và 79M6, Nga đủ sức diệt hầu hết các vệ tinh của đối phương.

Nhận định trên được đưa ra khi xuất hiện những hình ảnh tiêm kích MiG-31 của Nga tiếp tục mang tên lửa 97M6 trong các cuộc thử nghiệm. Đây là dòng tên lửa diệt vệ tinh được phát triển dưới thời Liên xô.

Chương trình phát triển tên lửa chống vệ tinh phóng từ tiêm kích MiG-31D gọi là Hệ thống Kontakt được phê duyệt vào năm 1984. Các thành phần của hệ thống bao gồm trạm vô tuyến-quang học phức tạp 45ZH6 trên mặt đất.

Trạm mặt đất này được sử dụng để đo một cách rất chính xác thông số của các vệ tinh ngoài quỹ đạo. 45ZH6 có thể sử dụng như một hệ thống phòng thủ không gian, nó sẽ cung cấp thông số cho tiêm kích MiG-31D để tiêu diệt vệ tinh.

Nga tiếp tục cho MiG-31 thử nghiệm với tên lửa diệt vệ tinh 79M6.

79M6 là loại tên lửa nhiên liệu rắn 3 giai đoạn. Nó có chiều dài gần 10 mét, đường kính 740mm, trọng lượng phóng 4,5 tấn. Tên lửa có thể tiêu diệt vệ tinh ở độ cao từ 120-600km, giai đoạn 2 của chương trình sẽ tiêu diệt vệ tinh ở độ cao tới 1.500km.

Hiện chưa rõ Nga đang phát triển 79M6 ở giai đoạn nào nhưng chính sự không rõ ràng này đnag khiến phương Tây phát sốt bởi nếu hoàn thành giai đoạn 2, tất cả những vệ tinh ở độ cao này đều có thể bị vũ khí Nga bắn hạ khi có xung đột.

Mối họa với vệ tinh phương Tây nhân đôi khi trong thời gian qua, Nga đã tăng cường thử nghiệm hệ thống phòng thủ tầm cao A-235.

Theo Đại tá Ildar Tagiyev, người đứng đầu Bộ phận thuật toán chiến đấu và kết nối phần mềm của binh chủng Phòng không, số lượng các vụ phóng tên lửa tại thao trường Sary-Shagan trong những năm tới sẽ tăng lên nhiều lần để hoàn thiện tính năng của hệ thống vũ khí mới.

Nói về các phương tiện đánh chặn hiện nay đang được sử dụng, ông Tagiyev lưu ý rằng, trên thế giới hiện nay không có nước nào chế tạo được những hệ thống phòng thủ tên lửa có tính năng tương tự.

Thông tin về trạm radar này không được tiết lộ, nhưng chắc chắn nó sẽ mạnh mẽ hơn Don-2NP phiên bản tiêu chuẩn với khả năng bao quát tới 2.000km (nhiều nguồn tin là 3.700km) và độ cao tới 40km. Tầm bao quát của A-235 còn được mở rộng thêm nhờ các trạm radar cảnh báo sớm đặt khắp nước Nga.

Nguồn tin tình báo Mỹ cũng hé lộ thêm thông tin về tổ hợp A-235 với việc được trang bị hệ thống siêu máy tính Elbrus-3M rất mạnh để xử lý thông tin. Những đặc điểm nổi bật nhất của hệ thống này là:

Thứ nhất là tốc độ cực cao: Tốc độ bay của tên lửa đánh chặn mới không thấp hơn 3 km/s (10800km/h, tương đương Mach10), cao hơn tốc độ của một viên đạn tới vài lần, đủ khả năng đánh chặn bất cứ mục tiêu đạn đạo nào.

Thứ hai là khả năng đánh chặn 3 tầng: Trong đó, đạn tên lửa 51T6 sẽ đảm nhiệm việc đánh chặn ở khoảng cách 1.500km và tầm cao 800 km; tên lửa 58R6 là 1.000km và 120km; đạn tên lửa 53T6M hoặc 45T6 đánh chặn mục tiêu ở khoảng cách 350km và độ cao 40-50km.

Thứ ba là khả năng cơ động rất tốt, cho phép bố trí loại tên lửa này xung quanh thủ đô và tại bất kỳ vị trí nào của nước Nga, bao phủ bảo vệ không chỉ khu vực kinh tế Trung tâm, như hệ thống phòng thủ A-135 đang đảm trách, mà toàn bộ các mục tiêu và toàn bộ lãnh thổ.

Thứ tư là có khả năng lắp đầu đạn hạt nhân. Theo đó, tất cả các loại tên lửa đánh chặn đều có khả năng mang đầu đạn hạt nhân để nâng cao khả năng tiêu diệt ICBM của đối phương.

Trang Business Insider cho biết, hiện Nga vẫn hoàn toàn bảo mật về những thông tin chi tiết của hệ thống A-235 Nudol.

Tuy nhiên, theo những thông tin thu thập được, tình báo Mỹ cho rằng, chỉ với 20 quả tên lửa của hệ thống Nudol, Moscow đủ sức làm tê liệt toàn bộ vũ khí Mỹ.

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/don-phoi-hop-cua-a-235-nudol-va-mig-31-khien-dich-te-liet-3368111/