Đón 'những người con xa xứ' trở về

Đã thành thông lệ, cứ vào dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7) hàng năm, đất mẹ lại giang rộng vòng tay chào đón những người con xa xứ vào lòng. Đa số hài cốt liệt sĩ, quân tình nguyện Việt Nam đều chưa xác định được danh tính, chưa thể kết nối cho họ thật sự 'trở về' với người thân. Nhưng dẫu sao, họ đã được yên nghỉ lần nữa trong tình cảm yêu thương vô hạn của đồng chí, đồng bào, sau khi đã dùng máu của mình nhuộm thắm màu cờ Tổ quốc.

Chiến tranh đã đi qua, nhưng nỗi đau, sự mất mát vẫn còn trong trái tim mỗi con người Việt Nam: liệt sĩ hy sinh ở các chiến trường trong và ngoài nước vẫn chưa được quy tụ đầy đủ về các nghĩa trang liệt sĩ. Hài cốt của họ vẫn còn phải nằm lại trong rừng sâu, ở đâu đó dưới lòng đất trên mọi miền Tổ quốc và nước bạn. Chiến tranh đã xóa sạch vết tích của phần mộ, như những câu hát nghẹn ngào: “Bao nấm mộ người hùng giữ biên cương/ Mộ không đề tên, không hương khói, không bánh không trà/ Vùi trong rừng sâu theo năm tháng bão bùng gió mưa/ Nắm xương tàn hóa thành cát bụi…” (Người tìm nấm mộ - Trần Tuấn Kiệt). Các anh còn “rải rác biên cương mồ viễn xứ”, thì còn đó sự trăn trở khôn nguôi của Đảng, nhà nước và nhân dân ta. Đồng bào, chiến sĩ cả nước, đặc biệt là người thân gia đình liệt sĩ luôn mang trong lòng nỗi lo chưa tìm được hài cốt của liệt sĩ, để sớm đưa về nơi an nghỉ cuối cùng.

Thời gian qua, với sự nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn, gian khổ, Đội K90 (Quân khu 9) và Đội K93 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) triển khai nhiều đợt tìm kiếm trong mùa khô năm 2019-2020; cất bốc được 99 hài cốt liệt sĩ (4 hài cốt xác định được danh tính), trong đó ở Campuchia 66 hài cốt, nội địa 33 hài cốt. Cụ thể, Đội K90 cất bốc được 36 hài cốt ở địa bàn tỉnh Kandal và Kông pông Chnăng; Đội K93 cất bốc được 63 hài cốt ở địa bàn tỉnh Takeo, Kompong Speu, huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Để tìm được các hài cốt này, cán bộ, chiến sĩ đội quy tập chuyên trách đã đào hàng ngàn vị trí hố, hàng chục ngàn mét khối đất, đá, với quyết tâm vì đồng đội thân yêu. Cùng sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang, nhân dân các tỉnh bạn, họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

“Tổ quốc tiễn đưa các đồng chí ra đi và hôm nay trân trọng đón các đồng chí trở về. Sự hy sinh của các đồng chí mãi mãi gắn liền với sự nghiệp vinh quang của Tổ quốc và dân tộc. Các đồng chí đã hy sinh thân mình để mang lại độc lập, tự do cho đất nước, góp phần làm cho đất nước Việt Nam được hòa bình, thống nhất, dân tộc bạn hồi sinh và tình hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam - Campuchia đời đời bền vững. Vinh quang này mãi mãi thuộc về các anh hùng liệt sĩ; thuộc về các mẹ Việt Nam Anh hùng; thuộc về những người mẹ, người cha, người vợ thủy chung và người thân ruột thịt của các liệt sĩ ở khắp mọi miền Tổ quốc. Dù chưa rõ danh tính, quê hương các liệt sĩ, song Đảng bộ, quân và dân An Giang nguyện thay mặt nhân dân cả nước và gia đình liệt sĩ, sẽ chăm sóc, giữ gìn chu đáo phần mộ của các anh như chính người thân yêu ruột thịt của mình. Xin hương hồn các liệt sĩ hãy xem tỉnh An Giang là nơi đất tốt, hiền hòa. Bia mộ các anh sẽ mãi được ghi danh gắn liền với quê hương An Giang. Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, Đảng bộ, quân dân tỉnh An Giang xin hứa sẽ tiếp tục vượt qua khó khăn, thử thách, phấn đấu hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, thực hiện ước mơ, hoài bão của các liệt sĩ lúc sinh thời, cùng cả nước xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình gửi lời tri ân các anh hùng, liệt sĩ trong lễ cải táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Dốc Bà Đắc (Tịnh Biên).

Cũng như thông lệ, cứ vào dịp tổ chức lễ cải táng hài cốt liệt sĩ ở nghĩa trang, trời lại mưa tầm tã (chỉ khác ở chỗ, mưa trước hoặc sau khi hoàn tất lễ). Trong đông đảo người đến tiễn đưa các liệt sĩ lần cuối, tôi thấy Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - đại tá Huỳnh Trí (tên thường gọi là Hai Trí, sinh năm 1949, ngụ xã Bình Hòa, Châu Thành) - người dành mấy mươi năm đi tìm đồng đội - giấu niềm xúc động trong đôi mắt mờ đục. Năm nay, 99 liệt sĩ đã được trở về quê hương, ông hạnh phúc lắm. Nhưng ngoài kia, còn hàng ngàn liệt sĩ chưa biết bao giờ mới có thể tìm thấy hài cốt. Sau lễ cải táng, các đồng đội của ông sẽ tiếp tục lên đường thực hiện nhiệm vụ. “Độc lập tự do hôm nay được đánh đổi bằng xương máu của thế hệ trước. Chắc chắn rằng, công việc quy tập hài cốt liệt sĩ sẽ còn kéo dài. Tâm nguyện lớn nhất của tôi là quy tập được bộ hài cốt liệt sĩ cuối cùng. Sức khỏe không cho phép, nên tôi đành gửi gắm lại mong ước ấy cho các thế hệ tiếp nối” - ông chia sẻ.

GIA KHÁNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/don-nhung-nguoi-con-xa-xu-tro-ve-a279336.html