Đón năm mới theo cách của người Scotland

Ít có quốc gia nào trên thế giới ăn mừng năm mới với nhiều niềm vui, đam mê như Scotland. Lễ hội Hogmanay khổng lồ bao trùm đất nước này vào dịp năm mới đã trở thành thời khắc đầy niềm vui mà bất kỳ ai cũng mơ một lần được trải nghiệm.

Thành phố Edinburgh rực rỡ trong đêm giao thừa.

Lễ rước đuốc theo kiểu Viking

Hogmanay là lễ hội đón năm mới của người Scotland, kéo dài từ ngày 30-12 đến ngày 2-1 hằng năm. Nguồn gốc của nó bắt nguồn từ lễ kỷ niệm ngày Đông chí của người Viking cổ xưa với những bữa tiệc hoang dã vào cuối tháng 12. Lễ hội này được tổ chức trên khắp đất nước Scotland với những nghi lễ khác nhau nhưng đều vô cùng nồng nhiệt, khó quên với những ai từng một lần được tham dự. Năm 2004, lễ hội Hogmanay được ghi vào Sách kỷ lục Guinness là bữa tiệc năm mới lớn nhất của Vương quốc Anh, với 400.000 người tham dự.

Hogmanay bao gồm khá nhiều nghi lễ truyền thống và thật thú vị khi rất nhiều nghi lễ khá tương đồng với cách đón năm mới của người Việt. Trong đó, nổi bật nhất là lễ rước lửa vào đêm 30-12. Ở Scotland, lễ đón năm mới được tiến hành với hàng nghìn người cầm đuốc tham gia sự kiện Up Helly Aa Vikings. Đây một loại lễ hội lửa được tổ chức hằng năm - từ tháng 1 đến tháng 3 - tại nhiều cộng đồng khác nhau ở Shetland, Scotland để đánh dấu sự kết thúc của mùa đông. Các đội tham gia rước lửa sẽ mặc trang phục đóng giả người Viking cổ xưa, giúp bạn cảm thấy như đang quay ngược thời gian, trở về không khí của những bữa tiệc của người Viking cách đây rất lâu.

Lễ rước đuốc ở Edinburgh được miêu tả là mê hoặc nhất bởi dù ở bất kỳ địa điểm nào bạn cũng có thể thấy thành phố ngập tràn trong ánh lửa của những ngọn đuốc. Đừng ngần ngại mua một ngọn đuốc và trở thành một phần của “dòng sông ánh sáng” chảy qua thành phố Edinburgh. Sau lễ rước đuốc là bữa tiệc đường phố diễn ra dọc theo phố Princes với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ đường phố, DJ, ban nhạc... Đúng vào thời khắc giao thừa, mọi người cùng nhau ngắm pháo hoa thắp sáng bầu trời một cách ngoạn mục và lâu đài Edinburgh giống như bước ra từ một câu chuyện cổ tích nguy nga tráng lệ.

Năm 2021, lo ngại sự bùng phát của dịch Covid-19, lần đầu tiên trong lịch sử, lễ hội Hogmanay ở Edinburgh đã được chuyển sang hình thức trực tuyến. 150 máy bay không người lái thắp sáng bầu trời thay cho pháo hoa và sự kiện được truyền trực tiếp đến người xem. Cùng với đó là một loạt sự kiện ảo được tổ chức từ ngày 28-12-2020 đến ngày 1-1-2021 trên website edinburghshogmanay.com.

Rước lửa trong lễ hội Hogmanay.

Những nghi thức cổ xưa

Trong lễ đón năm mới Hogmanay, có một số truyền thống mang hơi hướng tâm linh cổ xưa vẫn còn được duy trì đến ngày nay, đặc biệt là trong các cộng đồng lâu đời ở cao nguyên và quần đảo Scotland. Chẳng hạn, vào trước nửa đêm cuối cùng của năm cũ, mọi người sẽ phải hoàn thành việc dọn dẹp nhà cửa, giải quyết xong nợ nần năm trước để nghỉ ngơi đón một cái tết vui tươi, tránh những điều xấu của năm cũ còn rơi rớt lại. Khi tiếng chuông báo hiệu giao thừa vang lên, mọi người sẽ cùng nhau hát ca khúc truyền thống “Auld Lang Syne”. Đây là bài hát chia tay năm cũ do Robert Burns sáng tác năm 1788 nhưng đã trở nên quen thuộc như một bài dân ca. Bài hát này được biết đến ở nhiều quốc gia với những phiên bản khác nhau.

Vào ngày đầu tiên của năm mới, người Scotland rất coi trọng việc ai là người đầu tiên bước chân vào nhà bạn (xông nhà). Bạn bè và những người thân trong gia đình đến nhà nhau để chúc tết với những món quà trên tay. Người đầu tiên bước vào cửa sẽ tặng chủ nhà món quà tặng có ý nghĩa tượng trưng cho một lời chúc mừng năm mới. Những món quà thường được lựa chọn có thể là một đồng xu (tượng trưng cho sự giàu có), than đá (tượng trưng cho sự ấm áp), bánh mỳ (tượng trưng cho sự no đủ) hoặc rượu whisky (tượng trưng cho sự vui vẻ). Sau khi vào nhà, họ sẽ ném than vào lò sưởi, đặt bánh mỳ trên bàn, rót rượu mời chủ nhà và gửi lời chúc mừng năm mới tới các thành viên trong gia đình. Người xông đất sẽ vào nhà bằng cửa trước rồi ra khỏi nhà bằng cửa sau. Và đặc biệt hơn, nếu như trong ngày đầu năm bạn được một người đàn ông tóc đen cao lớn (tượng trưng cho người Viking cổ) xông nhà thì đó là một điều cực kỳ may mắn.

Trên nền chung đó, ở mỗi địa phương lại có cách tổ chức nghi lễ đón năm mới biến thể một chút, chẳng hạn họ có thể thay việc rước đuốc bằng rước quả cầu lửa, hay thực hiện nghi lễ đốt những đống lửa lớn để xua đuổi tà ma và những điều xấu trong năm cũ. Ở Dufftown, nơi được gọi là "Thủ đô whisky mạch nha của thế giới", sau lễ hội Hogmanay, người dân sẽ tụ tập tại quảng trường, cùng nhau chia sẻ nhiều loại rượu whisky, bánh mỳ và gửi tới nhau những lời chúc năm mới tốt lành.

Hải Yến

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/du-lich/988100/don-nam-moi-theo-cach-cua-nguoi-scotland