Đón năm 2019, hàng loạt chính sách cực quan trọng sẽ có hiệu lực ngay từ tháng 1

Hàng loạt chính sách mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 1/2019.

Chính thức tăng lương tối thiểu vùng

Chính phủ đã ban hành Nghị định 157/2018/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Theo Nghị định này, mức lương tối thiểu vùng được áp dụng như sau: Vùng I: 4,18 triệu đồng/tháng; Vùng II: 3,71 triệu đồng/tháng; Vùng III: 3,25 triệu đồng/tháng; Vùng IV: 2,92 triệu đồng/tháng.

So với năm 2018, mức lương tối thiểu vùng tăng từ 160.000 đồng/tháng - 200.000 đồng/tháng.

Nghị định có hiệu lực từ 1/1/2019.

Tăng giá khám bệnh BHYT

Giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc sẽ được áp dụng theo Thông tư 39/2018/TT-BYT của Bộ Y tế.

Theo đó, giá khám bệnh được quy định như sau: Bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I: 37.000 đồng/lượt (tăng 3.900 đồng); Bệnh viện hạng II: 33.000 đồng/lượt (tăng 3.400 đồng); Bệnh viện hạng III: 29.000 đồng/lượt (tăng 2.800 đồng); Bệnh viện hạng IV, Trạm y tế xã: 26.000 đồng/lượt (tăng 2.700 đồng).

Riêng giá hội chẩn để xác định ca bệnh khó (chuyên gia/ca; chỉ áp dụng đối với trường hợp mời chuyên gia đơn vị khác đến hội chẩn tại cơ sở khám, chữa bệnh) là 200.000 đồng.

Thông tư có hiệu lực từ 15/1/2019.

Giảm giá khám bệnh cho bệnh nhân không có BHYT

Thông tư 37/2018/TT-BYT quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT đã được Bộ Y tế ban hành.

Cụ thể: Bệnh viện hạng đặc biệt và bệnh viện hạng I: 37.000 đồng/lượt (giảm 2.000 đồng/lượt); Bệnh viện hạng II: 33.000 đồng/lượt (giảm 2.000 đồng/lượt); Bệnh viện hạng III: 29.000 đồng/lượt (giảm 2.000 đồng/lượt); Bệnh viện hạng IV và trạm y tế xã: 26.000 đồng/lượt (giảm 3.000 đồng/lượt).

Riêng giá khám sức khỏe toàn diện người lao động, lái xe, khám sức khỏe định kỳ (không kể xét nghiệm, X-quang) có mức giá tối đa là 145.000 đồng.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 15/1/2018.

Trẻ sốt trên 39 độ sau tiêm chủng phải đưa ngay đến bệnh viện

Thông tư 34/2018/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn về hoạt động tiêm chủng cũng là một trong những văn bản sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.

Theo hướng dẫn của Thông tư này, sau khi tiêm chủng, trẻ phải được theo dõi ít nhất 30 phút tại điểm tiêm chủng và tiếp tục theo dõi ít nhất 24 giờ tại nhà về tinh thần, ăn, ngủ và các biểu hiện về thở, phát ban, triệu chứng tại chỗ tiêm. Nếu có dấu hiệu bất thường phải báo ngay cho nhân viên y tế.

Đặc biệt, nếu trẻ có những biểu hiện sau phải đưa trẻ đến ngay bệnh viện hoặc các cơ sở y tế khác: Sốt cao trên 39 độ, co giật, trẻ khóc thét, quấy khóc kéo dài, li bì, bú kém, bỏ bú, khó thở, tím tái, phát ban và các biểu hiện bất thường khác…

Trêu ghẹo, xúc phạm nhân viên hàng không bị phạt đến 5 triệu đồng

Từ ngày 15/1/2019, Nghị định 162/2018/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực hàng không dân dụng sẽ chính thức có hiệu lực.

Một trong những quy định mới của Nghị định này là xử phạt từ 03 - 05 triệu đồng đối với người có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhân viên hàng không, hành khách hoặc người khác tại cảng hàng không, sân bay.

Mức phạt nêu trên cũng áp dụng với người có hành vi đe dọa, lăng mạ nhân viên hàng không, hành khách trên máy bay.

Đối với hành vi hành hung nhân viên hàng không, hành khách, người khác tại cảng hàng không, sân bay, mức phạt từ 07 - 10 triệu đồng.

Thay đổi cách thức thi tuyển, xét tuyển công chức

Từ ngày 15/1/2019, Nghị định 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ sẽ chính thức có hiệu lực. Theo đó, cách thức thi tuyển, xét tuyển công chức sẽ được thay đổi như sau:

Việc thi tuyển công chức được diễn ra trong 02 vòng:

- Vòng 1: Thi trắc nghiệm trên máy tính về kiến thức chung, ngoại ngữ và tin học;

- Vòng 2: Thi môn nghiệp vụ chuyên ngành với nội dung về kiến thức, năng lực, kỹ năng thực thi công vụ của người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng. Hình thức thi là phỏng vấn hoặc thi viết.

Việc xét tuyển công chức cũng diễn ra trong 02 vòng:

Vòng 1: Kiểm tra điều kiện, tiêu chuẩn của người dự tuyển theo yêu cầu của vị trí việc làm tại Phiếu đăng ký dự tuyển;

- Vòng 2: Phỏng vấn để kiểm tra về năng lực và trình độ chuyên môn.

Thương binh, bệnh binh được hỗ trợ thêm 200.000 đồng/ngày lễ, tết

Đây là nội dung được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định tại Thông tư 101/2018/TT-BTC, có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.

Cụ thể, vào những ngày lễ tết, thương binh, bệnh binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B bị suy giảm khả năng lao động do thương tật, bệnh tật từ 81% trở lên sẽ được hỗ trợ ăn thêm 200.000 đồng/người/ngày.

Đáng chú ý, thân nhân liệt sĩ (không quá 03 người) hoặc người thờ cúng liệt sĩ được hỗ trợ tiền tàu xe và tiền ăn khi đi thăm viếng mộ liệt sĩ mỗi năm một lần. Mức hỗ trợ tối đa không quá 2,4 triệu đồng/người.

Học cao đẳng chất lượng cao phải tốt nghiệp THPT trung bình khá

Thông tư 21/2018/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định tiêu chí xác định chương trình chất lượng cao trình độ cao đẳng, trung cấp có hiệu lực từ ngày 15/01/2019.

Theo Thông tư này, người học chương trình chất lượng cao phải đáp ứng các điều kiện như:

- Có kết quả học tập bậc THCS, THPT từ trung bình khá trở lên;

- Có trình độ ngoại ngữ đầu vào tối thiểu đạt bậc 2/6 đối với các ngành, nghề ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài; từ bậc 1/6 đối với các ngành, nghề khác theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam;

- Tự nguyện tham gia học, cam kết đóng học phí theo quy định…

K.N (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/don-nam-2019-hang-loat-chinh-sach-cuc-quan-trong-se-co-hieu-luc-ngay-tu-thang-1-201812280941001.htm