Dồn lực chăm lo đối tượng bảo trợ xã hội

Cùng với các chế độ chính sách chung do Trung ương ban hành, Đồng Nai đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao hoạt động chăm lo, hỗ trợ các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh.

Người khuyết tật tại TP.Long Khánh nhận quà trong thời điểm cuộc sống bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 vào tháng 4-2020. Ảnh: Văn Truyên

Người khuyết tật tại TP.Long Khánh nhận quà trong thời điểm cuộc sống bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 vào tháng 4-2020. Ảnh: Văn Truyên

Đồng Nai hiện có 81 ngàn người nằm trong nhóm đối tượng bảo trợ xã hội. Tùy theo hoàn cảnh sống, tình trạng sức khỏe, độ tuổi mà đối tượng bảo trợ xã hội được chia thành các nhóm riêng gồm: người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người được chăm sóc - nuôi dưỡng, giáo dục tại các cơ sở trợ giúp xã hội. Với từng nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, tỉnh đều có những chính sách hỗ trợ đặc thù riêng nhằm chăm sóc tốt về điều kiện sống cho những hoàn cảnh kém may mắn này.

* Đảm bảo mức sống cơ bản

Năm 2017, UBND tỉnh ban hành quy định mức trợ cấp xã hội, mức trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tùy hoàn cảnh, trường hợp cụ thể mà mức trợ cấp xã hội từ
300-900 ngàn đồng/người/tháng. Mức trợ cấp này của tỉnh cao hơn mức quy định của Trung ương (mức trợ cấp của Trung ương từ 30-480 ngàn đồng/tháng/người). Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã trợ cấp thường xuyên cho 380.425 lượt người thuộc đối tượng bảo trợ xã hội với số tiền trên 1,8 ngàn tỷ đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh. Nội dung của quy định này còn đề cập chi tiết đến việc trợ cấp cho đối tượng nhận chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội; cấp mai táng phí khi đối tượng bảo trợ xã hội qua đời; hỗ trợ người bị thương nặng, kinh phí sửa chữa nhà ở cho các đối tượng bảo trợ xã hội...

Bà Vũ Thị Kim Lý, mẹ đối tượng bảo trợ xã hội Hồ Văn Thái (ngụ P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa) cho hay, mỗi tháng con bà được nhận 600 ngàn đồng. Riêng bà là người nuôi dưỡng được Nhà nước trợ cấp 300 ngàn đồng/tháng. Ngoài ra, mỗi năm 2 mẹ con bà đều được nhận quà tặng từ địa phương. Những sự hỗ trợ này của Nhà nước đã giúp gia đình bà rất nhiều trong cuộc sống.

Thời gian qua, Sở LĐ-TBXH đã tiếp nhận khoảng 22 tỷ đồng từ các tổ chức phi chính phủ để triển khai thực hiện các dự án trợ giúp cho người khuyết tật, trẻ em khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng đã cấp 345 thẻ xe buýt miễn vé cho người khuyết tật đi lại trên phương tiện vận tải hành khách công cộng...

Riêng với người cao tuổi, năm 2019, tỉnh đã ban hành quyết định tăng mức chúc thọ người cao tuổi từ 70-100 tuổi trên địa bàn tỉnh cao hơn mức Trung ương quy định. Số tiền mừng thọ thấp nhất là 700 ngàn đồng và cao nhất là 3 triệu đồng/người.

Trước đó, UBND tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch về việc thực hiện đề án Nhân rộng mô hình CLB liên thế hệ tự giúp nhau giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 91 CLB liên thế hệ tự giúp nhau với hơn 4,6 ngàn thành viên. Các CLB này thường xuyên nâng cao kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho hội viên, nhất là về phòng ngừa, chữa trị các bệnh thường gặp theo phương châm giúp mỗi người tự chăm sóc bản thân, nhất là chủ động trong sinh hoạt hằng ngày. Đồng thời, chú trọng đẩy mạnh vận động xây dựng các nguồn lực của hội viên nhằm giúp vốn kinh doanh, sản xuất cho chính hội viên cao tuổi của CLB.

Ngoài ra, công tác vận động nguồn lực xã hội hóa chăm lo cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn cũng được thực hiện có hiệu quả. Theo ông Nguyễn Công Ngôn, Phó trưởng ban đại diện Người cao tuổi tỉnh, nhân Ngày Người cao tuổi Việt Nam và Ngày quốc tế Người cao tuổi, UBND các xã, phường, thị trấn còn tổ chức vận động xã hội hóa để thăm và mừng thọ cho trên 87 ngàn người cao tuổi theo quy định với kinh phí trên 11,8 tỷ đồng.

Còn với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng trên địa bàn tỉnh đều được hưởng chế độ trợ cấp hằng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế. Trong đó, đã có gần 14 ngàn lượt người khuyết tật được khám và điều trị phục hồi chức năng, mổ mắt, mổ tai mũi họng, mổ răng hàm mặt, cấp máy trợ thính và dụng cụ hỗ trợ vận động.

* Nâng cao đời sống tinh thần

Cùng với các giải pháp hỗ trợ vật chất, thời gian qua tỉnh cũng có những hoạt động nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người khuyết tật. Bắt đầu từ năm 2016 đến nay, mỗi năm tỉnh duy trì đều đặn việc tổ chức tôn vinh người khuyết tật vượt khó nhân Ngày quốc tế Người khuyết tật 3-12. Qua đó, đã tuyên dương và tặng trên 1,5 ngàn phần quà cho người khuyết tật. Ông Nguyễn Văn Thình, người khuyết tật tại H.Long Thành được tuyên dương người khuyết tật tiêu biểu vượt khó năm 2019 cho hay, đây là động lực để người khuyết tật như ông nỗ lực vươn lên vừa tự chủ trong cuộc sống vừa giúp đỡ gia đình, cộng đồng.

Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, 2 năm một lần Sở VH-TTDL phối hợp cùng Sở LĐ-TBXH tổ chức hội thi Văn nghệ người khuyết tật tỉnh Đồng Nai. Hội thi là sân chơi văn hóa dành cho người khuyết tật đam mê ca hát trong tỉnh. Mỗi năm, liên hoan có sự tham gia của hơn 300 người khuyết tật đến từ các huyện, thành phố. Theo bà Nguyễn Thị Mộng Bình, Phó giám đốc Sở VH-TTDL, hội thi đã góp phần làm phong phú thêm các hoạt động văn hóa tinh thần dành cho người khuyết tật.

Tỉnh tiếp tục duy trì Giải thể thao người khuyết tật tỉnh Đồng Nai, những năm qua, đã có 1,2 ngàn lượt vận động viên người khuyết tật tham gia tranh tài. Qua đó, đã tuyển chọn và đưa 150 lượt vận động viên tham gia giải thể thao người khuyết tật toàn quốc. Ông Trần Văn Hệt (người khuyết tật tại xã Bình Lộc, TP.Long Khánh) cho biết, ông đã nhiều lần được tham gia Giải thể thao người khuyết tật do tỉnh tổ chức. Mỗi lần dự thi ông luôn cố gắng hết sức. Ngoài thứ hạng thì việc được thể hiện khả năng của bản thân là niềm vui lớn nhất đối với một người khuyết tật như ông.

Cùng với đó, hằng năm vào Ngày quốc tế Thiếu nhi, Tết Trung thu, tỉnh đều tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, giao lưu giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có điều kiện vui chơi, giao lưu, học tập và hòa nhập cộng đồng. Đã có 13,5 ngàn lượt trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật tại các huyện, TP.Long Khánh, TP.Biên Hòa, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập được nhận quà với số tiền trên 27 tỷ đồng.

Đồng Nai cũng dành nhiều sự quan tâm đến những trường hợp đang được nuôi dưỡng, chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Trong đó, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đang quản lý, chăm sóc nuôi dưỡng 359 người cao tuổi cô đơn, người khuyết tật, người bị bệnh tâm thần, trẻ mồ côi, trẻ bỏ rơi. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 14 cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận hoạt động và đang tiếp nhận quản lý chăm sóc nuôi dưỡng 1.132 người thuộc diện bảo trợ xã hội không có điều kiện sinh sống tại cộng đồng. Công tác tiếp nhận, quản lý và chăm sóc nuôi dưỡng đối tượng, việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với đối tượng của các cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện đúng theo quy định.

Văn Truyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/xahoi/202010/don-luc-cham-lo-doi-tuong-bao-tro-xa-hoi-3025086/