Đón lễ 30/4 và 1/5 cùng đồng bào vùng cao tại ngôi nhà chung của các dân tộc Việt Nam

Các dân tộc vùng cao đón ngày Tết độc lập 30/4 như thế nào? Đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, bạn sẽ có dịp tìm hiểu và khám phá kỳ nghỉ lễ 30/4 và và 01/5 với nhiều lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc núi rừng.

Chào mừng Ngày Giải phóng miền Nam 30/4 và Quốc tế lao động 01/5, Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam phối hợp với một số địa phương tổ chức tái hiện không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc miền Tây Bắc, Đông Bắc với những lễ hội đón mừng Tết độc lập độc đáo.

Đây cũng là du khách có thể khám phá những nét đặc sặc của văn hóa các dân tộc, dạo chợ phiên và thưởng thức ẩm thực, đặc sản truyền thống, trò chơi dân gian… ngay tại Hà Nội.

Nhiều chương trình ý nghĩa được tổ chức để mừng ngày thống nhất non sông

Nhiều chương trình ý nghĩa được tổ chức để mừng ngày thống nhất non sông

Một số hoạt động chính diễn ra tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam trong thời gian từ 27/4 – 1/5/2019:

Giới thiệu các trò diễn trong lễ hội của dân tộc La Ha tỉnh Sơn La: như diễn cảnh cày bừa, múa cầu mưa, múa khăn, múa kiếm, múa trống, chơi ném còn và đặc biệt là điệu múa Sừng lừng quanh cây nêu thường được thực hiện tại các lễ hội của dân tộc La Ha, có sự giao lưu, tương tác với đồng bào các dân tộc và khách du lịch.

Điểm nhấn tại lễ hội là chương trình biểu diễn dân ca dân vũ, giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng dân tộc tham gia tại Chợ vùng cao mang đậm bản sắc dân tộc vùng, miền tạo một không khí vui tươi phấn khởi, đầm ấm, mang đậm nét truyền thống của các dân tộc, thể hiện sự độc đáo trong đa dạng.

Đây là dịp bạn được khám phá những nét bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào vùng cao

Tái hiện Lễ Pang A (Lễ cầu an) của dân tộc La Ha: Đây là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia để cầu cho mùa màng tốt tươi, cầu sức khỏe, may mắn cho dân làng với phần lễ tôn nghiêm giàu bản sắc và phần hội sôi nổi, sáng tạo, các điệu múa gần gũi với cuộc sống hàng ngày.

Tái hiện Tết mừng cơm mới của dân tộc Si La: Lễ hội là một trong những nghi lễ đặc trưng tiêu biểu không chỉ không chỉ được tổ chức tại mỗi gia đình trưởng dòng họ riêng mà tất cả dòng họ trong bản đều được tổ chức, để cảm tạ trời đất, tổ tiên đã che chở đẻ mùa màng tốt tươi.

Các điệu múa, trò chơi dân gian giúp du khách có thêm trải nghiệm

Tái hiện Lễ hội mùa mưa dân tộc Hà Nhì: Tết mùa mưa là 1 trong 7 cái Tết trong năm theo phong tục cổ truyền của người dân tộc Hà Nhì. Tết mùa mưa thường được diễn ra vào cuối mùa hè, khi cây lúa bắt đầu lên đòng, ngô gieo đã lên xanh. Đây là nghi lễ thể hiện sự ứng xử một cách hài hòa giữa con người với thiên nhiên.

Tại lễ hội, có giới thiệu trích đoạn nghi thức cúng cây đu (Gié Khừ Già) của dân tộc Hà Nhì tỉnh Lai Châu và các điệu múa, các trò chơi dân gian được mở ra để đồng bào các dân tộc và du khách cùng tham gia trải nghiệm.

Phiên chợ vùng cao đầy sắc màu của các dân tộc được tái hiện trong làng văn hóa

Tái hiện không gian chợ phiên vùng cao: là nơi trao đổi mua bán, chế biến các món ăn truyền thống, uống rượu ngô, ăn thắng cố, mèn mén… gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, không gian ẩm thực, sản vật với sắc màu của các dân tộc Mông, Hà Nhì, Si La, La Ha, Thái, Tày, Mông, Dao, Khơ Mú.

Chương trình biểu diễn nghệ thuật xiếc do các nghệ sĩ đến từ Liên đoàn Xiếc Việt Nam tại Sân khấu lễ hội Làng III với các tiết mục như: Xiếc thú, ảo thuật, hề xiếc, tung hứng, lắc vòng, uốn dẻo… mang tới những phút giây thoải mái cho du khách, đặc biệt là các em thiếu nhi khi đến tham quan.

Chương trình biển diễn của các nghệ sĩ xiếc

Làng văn hóa các dân tộc cách Hà Nội khoảng 40km, tại Đồng Mô, Sơn Tây, bạn có thể đi xe máy hoặc các tuyến xe bus số 106, 107. Giá vé vào cửa: 5.000 – 10.000 đồng/lượt (áp dụng với học sinh, sinh viên); 30.000 đồng/người lớn.

N. Vân

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/giai-tri/don-le-304-va-15-cung-dong-bao-vung-cao-tai-ngoi-nha-chung-cua-cac-dan-toc-viet-nam-post58523.html