Đòn không kích từ liên quân Mỹ khiến cuộc chiến có nguy cơ mở rộng hơn

Đòn không kích từ liên quân Mỹ được đánh giá là khó lòng thay đổi cục diện tình hình Syria, thậm chí còn có nguy cơ khiến cuộc chiến mở rộng hơn.

Một mục tiêu ở Damascus bị phá hủy trong cuộc không kích của liên quân Mỹ - Anh - Pháp ngày 14/4 (Ảnh: Reuters)

“Nhiệm vụ hoàn thành”, đó là lời xác nhận đầy hứng khởi mà Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên mạng xã hội Twitter về cuộc không kích của liên quân Mỹ - Anh - Pháp nhằm vào Syria hôm 14/4. Tuy nhiên, một số chuyên gia Trung Đông lại không thể có cùng tâm trạng phấn khởi như ông chủ Nhà Trắng bởi trước mặt họ, Syria còn phải đi một chặng đường rất dài và chông gai mới có thể vươn tới hòa bình, ổn định lâu dài, theo USA Today.

Cuộc tấn công nhắm vào các cơ sở bị nghi lưu trữ, chế tạo vũ khí hóa học của Syria nhằm phản ứng với cáo buộc Damascus ngày 7/4 sử dụng vũ khí hóa học ở thị trấn Douma, Đông Ghouta, khiến khoảng 70 người thiệt mạng. Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley ngày 15/4 khẳng định Nga giờ đây sẽ phải trả một cái giá đắt về kinh tế khi hậu thuẫn chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Chúng được mang đến thông qua những lệnh trừng phạt mới.

Charles Glass, tác giả cuốn sách "Syria Burning" (tạm dịch: Syria bùng cháy), cho rằng đòn không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu tiềm ẩn nguy cơ khiến cuộc chiến tranh Syria tiếp tục mở rộng. Ông đồng thời bày tỏ nghi ngờ về tính hiệu quả của các lệnh trừng phạt mới áp đặt lên Moscow, nếu có.

“Những cuộc oanh kích mới và việc 2.000 binh sĩ Mỹ vẫn duy trì hiện diện ở đông bắc Syria… chắc chắn sẽ kéo dài thêm cuộc chiến tranh và khiến người dân Syria thêm phần khốn đốn, khổ sở”, ông Glass nói. “Cách làm tốt hơn một cuộc không kích là Mỹ và Nga nên nghiêm túc ngồi vào bàn thảo luận để tìm cách chấm dứt xung đột”.

Glass lưu ý rằng Damascus là đồng minh Arab duy nhất của Moscow kể từ thời điểm cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria bùng phát cách đây 7 năm. Theo ông, Mỹ không muốn lật đổ chính quyền Tổng thống Assad vì những tội ác chiến tranh của nhà lãnh đạo này mà thay vào đó, mục tiêu Washington hướng tới vẫn luôn là phá vỡ mối liên minh giữa Syria với Iran và Nga.

“Tất cả những gì Mỹ đạt được khi vũ trang cho các nhóm phiến quân đối lập là gia tăng sự phụ thuộc của chính quyền Assad vào Iran và Nga”, Glass bình luận. “Chiến lược đã thất bại. Đến lúc tìm ra một chiến lược mới rồi”.

James Piazaa, giáo sư tại Đại học bang Pennsylvania chuyên nghiên cứu về Trung Đông, cho biết ông tin cuộc không kích tên lửa của liên quân sẽ không đủ sức gây ảnh hưởng “đáng kể” cho các cơ sở nghiên cứu vũ khí hóa học Syria.

Piazza dự đoán các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga như lời bà Haley tuyên bố sẽ vô cùng hạn chế và Tổng thống Assad sẽ ít có khả năng thay đổi thái độ bởi áp lực từ Tổng thống Nga Vladimir Putin. Thực tế, hôm 17/4, Nhà Trắng khẳng định chưa thống nhất bất kỳ quyết định nào liên quan tới việc trừng phạt Nga.

Theo Piazza, trong tương lai, các cuộc không kích giới hạn vẫn có thể được triển khai ở Syria. Song ông cho rằng kể cả Trump lẫn người dân Mỹ hiện đều không mong muốn theo đuổi một chiến dịch quân sự sâu rộng hơn tại khu vực.

Tổng thống Pháp Emmamuel Macron hồi đầu tuần cho hay ông đã thuyết phục người đồng cấp Mỹ đưa ra một cam kết lâu dài đối với vấn đề Syria. Tuy nhiên, Đại sứ Haley nhấn mạnh Mỹ “không tìm kiếm chiến tranh”. Mặt khác, 3 ngày sau cuộc không kích, Tổng thống Trump cũng khẳng định ông muốn “các lực lượng Mỹ ở Syria về nước càng sớm càng tốt”.

Nhà Trắng, hiện bị vây quanh bởi những rắc rối, lùm xùm liên quan đến Tổng thống, chẳng hạn như cuộc điều tra nghi vấn Nga thông đồng với chiến dịch tranh cử của ông Trump can thiệp cuộc bầu cử năm 2016, dường như không mặn mà với việc gia tăng áp lực lên chính quyền Assad, Piazza nhận định.

“Tôi đoán rằng Tổng thống Assad vẫn sẽ tiếp tục đàn áp thẳng tay các nhóm phiến quân cũng như người dân sống trong những vùng lãnh thổ do lực lượng nổi dậy kiểm soát ở Syria”, Piazza nói. “Với sự hỗ trợ từ Nga và Iran”.

Tên lửa Tomahawk được phóng từ tàu tuần duyên USS Monterey nhằm vào các mục tiêu Syria trong cuộc không kích ngày 14/4 (Ảnh: US Navy)

Tổng thống Nga Putin trong cuộc điện đàm hôm 15/4 với Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã gọi cuộc không kích của liên quân Mỹ - Anh - Pháp là hành động vi phạm luật pháp quốc tế. Ông cảnh báo những hành động như vậy chắc chắn sẽ tạo nên sự “hỗn loạn” trong các mối quan hệ toàn cầu. Tổng thống Assad, Putin và Rouhani đồng loạt cáo buộc phương Tây muốn qua cuộc không kích xóa sạch mọi bằng chứng về nghi vấn sử dụng vũ khí hóa học ở Douma.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Haley tuyên bố sẽ tiếp tục tìm kiếm các giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng nhưng thêm rằng chính quyền Assad “không đáng” có những cuộc thảo luận trực tiếp với Mỹ. Bà khẳng định đã đến lúc Nga và Iran phải ra tay mang lại hòa bình cho Syria bị tàn phá. “Nó sẽ không diễn ra nhanh chóng như chúng ta mong đợi nhưng đó là một tiến trình chính trị cần phải diễn ra”, bà quả quyết.

HOÀNG PHI

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/don-khong-kich-tu-lien-quan-my-khien-cuoc-chien-co-nguy-co-mo-rong-hon-post216993.html