Đòn hiểm của Mỹ khiến kế hoạch trang bị hàng ngàn xe tăng T-14 Armata trở nên vô nghĩa

Để chống lại những binh đoàn xe tăng đi theo đội hình trên thảo nguyên rộng lớn thì phương án chế áp không gì thích hợp hơn là sử dụng máy bay cường kích tầm thấp.

Quân đội Nga gần đây đã công bố một kế hoạch đầy tham vọng, đó là khôi phục và nâng cấp hàng ngàn xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 và T-80 lên chuẩn T-72B3M cùng với T-80BVM, đi kèm sản xuất mới T-90M Proryv-3 và T-14 Armata.

Sau khi hoàn thành chương trình trên, lực lượng bộ binh cơ giới Nga có thể nói đã gần như quay trở lại thời hoàng kim Liên Xô với sức mạnh áp đảo mọi đối thủ.

Địa hình bằng phẳng và trống trải của thảo nguyên tại châu Âu lại càng thuận lợi cho các binh đoàn xe tăng Nga thi triển chiến thuật khi chúng đi theo đội hình lớn.

Không phải ngẫu nhiên mà các quốc gia châu Âu lại đặc biệt lo ngại trước động thái này của người Nga, bởi vì họ biết rằng mình chẳng thể nào đủ sức cản "dòng thác xe tăng" trong trường hợp xảy ra chiến sự.

Và như mọi khi, các đồng minh châu Âu đã quay sang tìm sự trợ giúp từ phía Hoa Kỳ vì lúc này chỉ có duy nhất Mỹ là đủ phương tiện cũng như nguồn lực để khắc chế chiến thuật tiến công của Quân đội Nga.

Như để đáp lại lời thỉnh cầu từ các đối tác châu Âu, Quân đội Mỹ vừa qua đã tiếp tục gia hạn thời gian sử dụng các máy bay cường kích tầm thấp A-10 Thunderbolt II vốn được coi là "sát thủ xe tăng".

Lý do cường kích A-10 vẫn còn rất cần thiết bởi vì F-16 hay F-35 chưa tỏ ra là phương tiện yểm trợ hỏa lực tin cậy và hiệu quả với chi phí thấp tương đương với chiếc A-10.

Theo ước tính, trên địa hình thảo nguyên rộng lớn, một phi đội 4 chiếc A-10 có thể dễ dàng xóa sổ ít nhất là 1 tiểu đoàn xe tăng của đối phương, thậm chí nhiều hơn.

Dựa vào khẩu pháo hàng không lớn nhất thế giới GAU-8/A Avenger cỡ 30 mm với 1.174 viên đạn; rocket Hydra, CRV7, Zuni cỡ 127; tên lửa AGM-65 Maverick; bom Mk 80, GBU JDAM... A-10 thực sự là một con quái vật trên không, ác mộng của bộ binh, thiết giáp.

Cường kích A-10 phát huy rất tốt vai trò tại Chiến tranh vùng Vịnh khi đã phá hủy tới hơn 500 xe tăng các loại của Quân đội Iraq. Hỏa lực mạnh, bọc giáp dày, tin cậy trong sử dụng, sức sống cao là những ưu điểm nổi trội của Thunderbolt II.

Ngoài ra điểm đáng sợ nữa của A-10 là nó không tác chiến đơn độc mà được "che đầu" ở tầm cao bằng các loại tiêm kích tàng hình F-22/35 cũng như những chiến đấu cơ F-15/16/18 cũ hơn.

Các máy bay tiêm kích này sẽ đảm nhiệm vai trò chiếm ưu thế trên không, vừa ngăn cản chiến đấu cơ đối phương gây hại cho A-10 lại vừa lĩnh trách nhiệm tiêu diệt các tổ hợp phòng không tự hành đi kèm đội hình xe tăng.

Rõ ràng cách thức đối phó của Mỹ trước tham vọng hiện đại hóa lục quân của người Nga là cực kỳ đơn giản nhưng lại đạt hiệu quả vô cùng cao.

Chứng kiến những màn diễu binh "Voi đi bộ" quá hoành tráng của phi đội cường kích tầm thấp A-10 Thunderbolt II trong tay Không quân Mỹ chẳng rõ người Nga có suy nghĩ lại và đầu tư nhiều hơn cho máy bay hay không?

Theo Bạch Dương/anninhthudo.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/phong-su-anh/don-hiem-cua-my-khien-ke-hoach-trang-bi-hang-ngan-xe-tang-t14-armata-tro-nen-vo-nghia-300046.html