Đơn hàng xuất khẩu gỗ giảm sâu

Đơn hàng xuất khẩu của các doanh nghiệp ngành gỗ đang sụt giảm rất mạnh, đặc biệt tại thị trường Mỹ, EU. Theo phán đoán của các doanh nghiệp, tình trạng này sẽ duy trì từ nay tới cuối năm. 80% doanh nghiệp cho biết doanh thu sụt giảm so với năm ngoái và họ rất cần được hỗ trợ về vốn để tồn tại.

Có doanh nghiệp không còn đơn hàng

Tổng cục Hải quan thống kê trong tháng 7, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 1,31 tỷ USD, giảm 7% so với tháng trước đó. Lũy kế 7 tháng, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 9,7 tỷ USD, cao hơn 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ có sự biến động lớn nhất, lũy kế 7 tháng là 5,56 tỷ USD, giảm 5,6%.

Báo cáo “Biến động về thị trường xuất khẩu của ngành gỗ: Từ góc nhìn doanh nghiệp” do Nhóm nghiên cứu của các hội, hiệp hội ngành gỗ khảo sát trên 52 doanh nghiệp vừa công bố cho thấy, tại thị trường Mỹ số lượng doanh nghiệp có đơn hàng giảm trung bình 45,4%; một số doanh nghiệp không còn đơn hàng. Tại thị trường châu Âu (EU), mức giảm trung bình của doanh nghiệp khoảng 44,6%, trong đó một doanh nghiệp có số đơn hàng giảm 80 - 100%. Thị trường Anh cũng chứng kiến mức giảm rất mạnh, trung bình 47,3% với một số doanh nghiệp giảm 100%. Số lượng đơn hàng xuất khẩu đến các thị trường khác cũng có mức giảm cao, trung bình khoảng 36,3%; một số doanh nghiệp bị giảm đến 80%.

Tình hình xuất khẩu tại các thị trường khác diễn biến tương tự nhưng mức độ suy giảm thấp hơn. Đơn cử, Hàn Quốc giảm 5% trong so với cùng kỳ năm 2021, ở mức 79,5 triệu USD. Hay Canada giảm 15% xuống 22,4 triệu USD. Các thị trường nhỏ hơn như Pháp, Đức giảm lần lượt 18% và 24%. Nhóm thị trường khác cũng giảm 23%.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) Nguyễn Chánh Phương cho biết, những con số trên phần nào phản ánh bức tranh thị trường gỗ thời gian qua. Bắt đầu từ tháng 4, 5 các đơn hàng có xu hướng sụt giảm xuất khẩu vào Mỹ và EU. Nguyên nhân do lạm phát tăng cao khiến người tiêu dùng tiết giảm chi tiêu, hơn nữa đồ nội thất cũng không quá quan trọng vào thời điểm này.

Cùng với đó, số lượng đặt hàng của nhà mua hàng bị biến động. Trong dịch Covid-19, các nhà mua hàng đặt nhiều để dự phòng khi đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn có hàng. Tuy nhiên, hậu Covid-19 thì lượng hàng tồn kho rất cao. Thời điểm này các nhà mua hàng đang phải tái cấu trúc lại hệ thống tồn kho, việc này mất từ 6 tháng đến 1 năm.

Hiệp hội Gỗ và Thủ Công mỹ nghệ Đồng Nai cũng cho biết các doanh nghiệp thành viên đang phải đối mặt tình trạng giảm, chậm, hủy hay không có đơn hàng, kéo theo sụt giảm về nguồn lao động và khó khăn về tài chính.

Doanh nghiệp gỗ sụt giảm đơn hàng xuất khẩu
Nguồn: TTXVN

Giảm bớt sức ép về tài chính

Các doanh nghiệp phán đoán số lượng đơn hàng sang tất cả thị trường sẽ tiếp tục sụt giảm mạnh trong những tháng còn lại của năm. Hiện, 80% doanh nghiệp cho biết doanh thu sụt giảm so với năm 2021. Mức sụt giảm đơn hàng trung bình tại các thị trường Mỹ, EU và Anh được dự báo là trên 40%. Có đến 60% doanh nghiệp được hỏi cho biết đang phải chịu sức ép về tài chính; 70% doanh nghiệp chịu áp lực về chi phí cho lao động và nguyên liệu đầu vào.

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, khi đơn hàng chậm lại, hàng không xuất được sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp dẫn đến khó thanh toán những khoản vay tới hạn cho ngân hàng. Thời điểm này các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, nhất là về vốn. “Các ngân hàng có thể hỗ trợ doanh nghiệp theo hướng những khoản nợ tới hạn phải trả thì cho gia hạn. Như vậy doanh nghiệp sẽ không vướng vào nợ xấu, và khi khủng hoảng đi qua các đơn hàng quay trở lại thì doanh nghiệp sẽ phục hồi nhanh”. Một số doanh nghiệp hiện vẫn còn đơn hàng, có thể sản xuất tồn kho, doanh nghiệp cũng cần vốn lưu động để giải quyết các vấn đề về nguyên vật liệu và chi trả cho lao động.

Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài kiến nghị, các ngân hàng nên có chính sách ưu đãi với doanh nghiệp ngành gỗ. Theo đó, hỗ trợ doanh nghiệp được giãn nợ, giảm lãi suất; gia hạn các khoản vay đến hạn, cho vay tồn kho, tín chấp hoặc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi. Bộ Tài chính xem xét, có chính sách về thuế, phí như giảm, chậm thu thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm tiền thuê đất; hoàn thuế giá trị gia tăng nhanh nhất nhằm trả vốn cho doanh nghiệp.

Đồng thời, ông Hoài khuyến cáo các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường. Hiện nay xuất khẩu vào Mỹ chiếm đến 60% và chủ yếu là nhóm đồ gỗ phổ thông có giá bán chưa cao. Nếu xuất khẩu thêm các nhóm sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn sẽ giảm thiểu bớt rủi ro bị áp các loại thuế. Đặc biệt, phải xây dựng được thương hiệu, uy tín trên thị trường thế giới, không ngừng tìm kiếm các thị trường mới chứ đừng “bỏ trứng vào một giỏ”, ông Hoài nói.

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-phat-trien/don-hang-xuat-khau-go-giam-sau-i298487/