Đòn giáng Mỹ vào Syria: Liên đới nặng nề đồng minh Lebanon

Đạo luật Caesar của Mỹ sẽ nhắm vào các thực thể và cá nhân của Lebanon, những người làm kinh doanh với chính quyền Assad ở Syria và gia tăng rủi ro về đầu tư của quốc gia.

Một đạo luật trừng phạt mới, chưa từng có của Mỹ nhắm vào các bên có những hoạt động kinh tế được coi là có lợi cho Damascus có thể sẽ gây nguy hiểm cho nỗ lực khai thác trữ lượng khí đốt tự nhiên ngoài khơi của nước láng giềng Lebanon.

Nhắm vào chính quyền Lebanon

Không giống như các biện pháp trừng phạt trước đây giới hạn đối với các thực thể Syria, Đạo luật Caesar cho phép nhắm mục tiêu vào các bên thứ ba, từ các doanh nghiệp, cơ quan chính phủ nước ngoài hay các cá nhân bên ngoài Syria - điều mà một nhóm các nhà lập pháp Cộng hòa hy vọng sẽ được thực thi với đảng cầm quyền Lebanon.

Đạo luật Caesar nhắm vào những người làm kinh doanh với chế độ Bashar al-Assad ở Syria và những người hỗ trợ cho các lực lượng bán quân sự hoạt động ở Syria, bao gồm cả Hezbollah.

Tổng thống Lebanon Michel Aoun (phía trước) cùng các quan chức Lebanon thăm một tàu khoan dầu tại Beirut. Ảnh: Văn phòng tổng thống Lebanon.

Tổng thống Lebanon Michel Aoun (phía trước) cùng các quan chức Lebanon thăm một tàu khoan dầu tại Beirut. Ảnh: Văn phòng tổng thống Lebanon.

Trong khi thông báo ban đầu tập trung vào các cá nhân và thực thể ở Syria, bao gồm cả vợ của ông Assad, các vòng trừng phạt tiếp theo sẽ nhắm vào các cá nhân hoặc thực thể người Lebanon hoặc có trụ sở tại Lebanon, Mouaz Moustafa, người đứng đầu nhóm vận động hành lang về vấn đề Syria nói với tờ L'Orient Le Jour.

Một nhóm nghị sĩ đảng Cộng hòa đã và đang kêu gọi chính quyền Donald Trump sử dụng Đạo luật Caesar và các biện pháp trừng phạt khác để trừng phạt đảng Phong trào yêu nước tự do Lebanon (FPM) vì đã liên minh lâu dài với Hezbollah.

Được lãnh đạo bởi Gebran Bassil, con rể của Tổng thống Michel Aoun, FPM có ảnh hưởng tới hoạt động năng lượng của nước này trong nhiều năm qua.

Luật pháp của Hoa Kỳ nên "bám đuổi các đồng minh mạnh nhất của Hezbollah từ bên ngoài khi họ đã ủng hộ cho Hezbollah, như Bộ trưởng Ngoại giao Gibran Bassil và người đứng đầu FPM kiêm Chủ tịch Quốc hội Lebanon Nabih Berri, Ủy ban Nghiên cứu của đảng Cộng hòa cho biết khi ra mắt một văn bản chiến lược 120 trang trong tháng này.

Trong khi năng lượng là một ngành quan trọng giúp Lebanon giải quyết khối nợ công khổng lồ và việc thiếu điện khi họ cũng đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính lớn nhất trong nhiều thập kỷ thì nguy cơ từ các lệnh trừng phạt của Mỹ cũng có thế khiến đầu tư quốc tế rơi xuống những mức thấp nghiêm trọng hơn.

Lebanon trả giá đắt cho sự chậm trễ

Thềm lục địa trải dài từ biên giới phía nam của Israel với Ai Cập đến biên giới phía bắc của Lebanon với Syria, và phía tây tới đảo Síp được cho là chứa hơn 122 nghìn tỷ khối khí đốt và 1,7 tỷ feet khối dầu, theo một đánh giá của cơ quan Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ.

Lebanon và Israel đang tranh chấp về ranh giới hàng hải chung và Lebanon vẫn chưa có nhiều động thái khai thác nguồn tài nguyên lớn ở khu vực này. Israel, trong khi đó, đã có những tiến bộ ổn định. Thủ tướng Benjamin Netanyahu vào tháng 1 đã ký một thỏa thuận đường ống dẫn khí đốt với Síp và Hy Lạp. Giàn khoan Tamar của Israel, do công ty Noble Energy có trụ sở tại Texas xây dựng, hiện cung cấp 70% năng lượng cho nước này, theo Noble. Noble cũng bắt đầu bơm khí từ mỏ ngoài khơi Leviathan, vào tháng 12 năm ngoái.

Trong khi Lebanon vẫn trì hoãn việc việc phát triển ngành năng lượng thì đạo luật Caesar có thể đe dọa việc đầu tư trong tương lai của ngành này đến mức nào?

"Rất nhiều", theo Diana Kaissy, giám đốc điều hành của Sáng kiến Dầu khí Lebanon, một tổ chức phi chính phủ thúc đẩy tính minh bạch trong lĩnh vực năng lượng non trẻ của Lebanon.

Sự quan tâm của nhà đầu tư có liên quan đến mức độ rủi ro. Nếu có thêm rủi ro, thì sẽ gia tăng trách nhiệm pháp lý, bà Diana nói thêm. "Điều đó đặc biệt đúng nếu dự án nằm tại một quốc gia nơi các hoạt động thăm dò và khoan dầu có xu hướng bị trì hoãn".

Nguy cơ của sự chậm trễ và rủi ro từ các lệnh trừng phạt sẽ chuyển thành cái giá lớn tại thời điểm đại dịch diễn ra toàn cầu và suy thoái kinh tế cũng làm giảm nhu cầu đối với các sản phẩm dầu khí.

Kaissy nói rằng tình hình đang lặp lại năm 2013, khi sự bế tắc chính trị ở Lebanon diễn ra vào lúc đỉnh điểm cuộc nội chiến ở Syria và dẫn đến sự bế tắc trong bốn năm đối với quá trình cấp phép khai thác năng lượng.

"Khi bạn đình trệ và trì hoãn, thị trường sẽ bị chiếm mất, Kaissy nói.

Có lẽ nhận được sức ép trong thời điểm này, Tổng thống Lebanon Aoun trong những tuần gần đây đã bày tỏ mong muốn với Hoa Kỳ khởi động lại hòa giải về tranh chấp ranh giới với Israel.

Hanin Ghaddar thuộc Viện Chính sách Trung Đông của Washington cho biết, những động thái mới từ Aoun có thể là một chiến lược để mua thời gian.

Đây là một cách để cho người Mỹ thấy, 'Hãy để xem những gì Lebanon đề nghị trước khi chúng tôi trừng phạt họ', bà nói với Asia Times.

Lebanon đang đứng trước lo ngại từ việc bị Mỹ thắt chặt trừng phạt và xung đột vũ trang với Israel. Cả hai có thể khiến các nhà đầu tư tránh xa. Trong khi đó, nỗ lực theo đuổi một gói cứu trợ trị giá 10 tỷ USD từ Quỹ tiền tệ quốc tế IMF - có trụ sở tại Washington- của Lebanon cũng có thể gặp khó khăn

Những gì Mỹ hi vọng là các đồng minh của Hezbollah thay đổi hành vi của họ, bà Ghirar nói. Tuy nhiên, đối với Aoun và Bassil, bà tin rằng có lẽ đã quá muộn.

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/don-giang-my-vao-syria-lien-doi-nang-ne-dong-minh-lebanon-20200625101832862.htm