Đơn giản nhất quy trình, không 'đẻ' ra những thủ tục mới

'Sau cuộc họp này, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) làm việc với các cơ quan liên quan, nghiêm túc tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng của ĐB, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Đầu tư công để trình QH xem xét', Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giải trình ý kiến ĐBQH nêu về dự án Luật Đầu tư công

Chiều nay (16-11), tại hội trường Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đại diện Chính phủ giải trình ý kiến của ĐBQH nêu về dự án Luật Đầu tư công.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, sau 3 năm thực hiện Luật Đầu tư công, đã có bước chuyển biến căn bản trong tái cơ cấu đầu tư công, khắc phục phân tán, dàn trải, nhất là nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Những kết quả này đã được thể hiện trong các báo cáo trình Quốc hội, đây là những kết quả rất lớn, như nhiều ĐB đã nêu. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, còn có những vướng mắc, yếu kém trong thực hiện, có những vướng mắc về quy định pháp luật.

“Để khắc phục những yếu kém, vướng mắc trong quá trình thực hiện, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 60 năm 2018, Nghị quyết 70 năm 2018 để siết chặt kỷ luật đầu tư, ban hành Nghị định 120 sửa đổi 3 Nghị định liên quan đến đầu tư công. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ KH&ĐT, các bộ ngành, tổng hợp, lấy ý kiến nhiều vòng để sửa đổi một số điều liên quan Luật Đầu tư công”, Phó Thủ tướng nói.

Cũng theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, về quan điểm sửa luật, thống nhất là cần thể chế hóa chủ trương đường lối của Đảng, quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả đầu tư công, gắn với tái cơ cấu, thu chi ngân sách, phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền, cố gắng đơn giản nhất quy trình thủ tục, không “đẻ” ra những quy trình thủ tục mới như ĐB nói. Có quy định phức tạp hơn, chúng tôi sẽ rà soát kỹ lại.

Trong quá trình thảo luận, có ý kiến cho rằng, nếu lấy tiêu chí như năm 1997 thì không còn hợp lý. Đúng như ĐB nói, vấn đề là tổng mức đầu tư chứ không phải vốn nhà nước nằm trong dự án. Chính phủ đã chỉ đạo giao Bộ KH&ĐT tiếp tục nghiên cứu, tiêu chí, căn cứ nào, vốn nhà nước bao nhiêu… để có căn cứ trình Quốc hội xem xét, quyết định để vừa đảm bảo thẩm quyền Quốc hội vừa đảm bảo linh động trong tổ chức thực hiện.

Các dự án trên 10.000 tỷ đồng, có một phần vốn Trung ương cũng ngày càng nhiều lên, hơn nữa dự án luật này sửa đổi là cho một thời gian dài, chứ không chỉ vài 3 năm.

Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của HĐND, UBND các cấp, Chính phủ sẽ tiếp thu, chỉ đạo cơ quan soạn thảo, tiếp tục rà soát, quy định thế nào cho đúng thẩm quyền.

“Về sửa đổi một số vướng mắc liên quan Luật Bảo vệ môi trường. Điểm a, khoản 2, điều 25, Luật quy định thời điểm phê duyệt báo cáo tác động môi trường (DTM), theo đó tại thời điểm phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, phải có báo cáo DTM. Quy định này gây khó khăn cho quyết định chủ trương đầu tư dự án, vì chưa có quyết định chủ trương đầu tư. Tại phiên họp 25 của UBTVQH, TVQH đã đề nghị Chính phủ bổ sung, sửa đổi vướng mắc”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết.

Thanh Quang

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/don-gian-nhat-quy-trinh-khong-de-ra-nhung-thu-tuc-moi/790249.antd