Đơn giản hóa các thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất, nhập khẩu

Sáng 21-8, tại Trụ sở Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc để kiểm tra việc thực hiện các chỉ đạo, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của các Bộ.

Theo đó có 3 bộ được kiểm tra trực tiếp là Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, hiện tỉ lệ các lô hàng xuất, nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan lên tới 30-35%. Trong đó, tỉ lệ hàng hóa xuất nhập khẩu phải kiểm tra thú y là 14,3%, kiểm tra chất lượng là 25,3%, kiểm tra an toàn thực phẩm là 19,1%, giấy phép xuất nhập khẩu và yêu cầu tương đương là 41,2%... Nghị quyết 19 của Chính phủ đã yêu cầu phải cắt giảm các thủ tục xuống còn 15%. Bên cạnh đó, tại Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 17-11-2015, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao các bộ sửa đổi, bổ sung 87 văn bản liên quan đến kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu. Hiện nay đã có 60 văn bản được rà soát, trong đó đã sửa đổi, bổ sung 56 văn bản, có 4 văn bản thấy không cần sửa đổi, bổ sung.

Tại buổi làm việc, Tổ công tác cũng công bố công khai tỉ lệ hoàn thành nhiệm vụ của các bộ trong việc thực hiện tại Quyết định số 2026/QĐ-TTg. Trong đó, các Bộ: Khoa học và Công nghệ (2 văn bản), Lao động-Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Kế hoạch và Đầu tư (mỗi bộ một văn bản) đều đã hoàn thành 100%. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao rà soát 49 văn bản, hiện đã hoàn thành 75,5%. Bộ Công Thương có 10 văn bản, đã hoàn thành 90%. Bộ Y tế được giao 9 văn bản, đã hoàn thành 55,6%. Các bộ chưa rà soát văn bản nào gồm: Xây dựng (4 văn bản), Công an (2 văn bản).

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, hiện nay có khoảng 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành. Mỗi năm doanh nghiệp phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỷ đồng chi phí cho kiểm tra chuyên ngành. Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, thủ tục kiểm tra chuyên ngành chiếm tới 50% thời gian thông quan, nhiều lô hàng hải quan kiểm tra rồi nhưng không thông quan được, thậm chí 3 tháng sau bộ chuyên ngành mới tới kiểm tra, nhiều thủ tục rườm rà...

Sau khi nghe ý kiến giải trình của các bộ được kiểm tra, ý kiến phản biện của các thành viên Tổ công tác, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đánh giá, thực hiện Nghị quyết số 19 năm 2016 và Nghị quyết 19 năm 2017 của Chính phủ, các bộ đều đã có sự quan tâm đến cải cách thủ tục hành chính, gỡ bỏ rào cản, giảm chi phí chính thức và không chính thức cho doanh nghiệp. Các bộ đã thực hiện rất nhiều đổi mới sáng tạo và quyết liệt.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng thẳng thắn chỉ ra những nhóm vấn đề lớn, còn tồn tại hạn chế ở các bộ. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, quy định, thủ tục về kiểm tra chuyên ngành còn chồng chéo, nhiều thủ tục làm tăng chi phí, phiền hà cho doanh nghiệp. Các bộ còn tình trạng độc quyền trong vấn đề đánh giá sự phù hợp, thể hiện là có những mặt hàng, thiết bị của các nhà sản xuất hàng đầu thế giới về công nghệ hiện đại nhưng vẫn phải thực hiện yêu cầu thử nghiệm; có những mặt hàng nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chất lượng được bộ quản lý chuyên ngành chỉ định, dẫn đến quá tải, độc quyền. Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, vấn đề điện tử hóa các thủ tục chuyên ngành và kết nối chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức về quản lý, kiểm tra chuyên ngành trên cổng một cửa quốc gia còn rất hạn chế; còn áp dụng nhiều cách kiểm tra thủ công...

Qua lắng nghe ý kiến từ các bộ và thành viên Tổ công tác, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã tổng hợp tất cả các nội dung thành 8 nhóm vấn đề để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị các bộ khẩn trương hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của các bộ theo Quyết định 2026/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đề nghị các bộ rà soát lại nhằm thu hẹp danh mục và số lượng hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, danh mục hàng hóa phải gắn mã HS nhằm công khai minh bạch để tạo thuận lợi kiểm soát cho các cơ quan chức năng cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện thủ tục xuất, nhập khẩu. Đồng thời, các bộ cần rà soát để ban hành văn bản kiểm tra chuyên ngành theo hướng một văn bản có thể điều chỉnh kiểm tra chuyên ngành nhiều mặt hàng, thay vì như hiện nay là một mặt hàng chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng đề nghị cần tăng cường công nhận sản phẩm giữa các nước, giữa các tổ chức mà Việt Nam tham gia ký kết các hiệp định thương mại; không độc quyền trong việc đánh giá sự phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Đề nghị các bộ công khai các đơn vị kiểm tra đánh giá sự phù hợp ở các bộ; khắc phục tình trạng một mặt hàng do nhiều bộ kiểm tra chuyên ngành. Tổ công tác sẽ đề xuất Chính phủ, giao cho một cơ quan chủ trì kiểm tra chuyên ngành một mặt hàng và phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, những vấn đề này sẽ được tổng hợp, báo cáo tại Phiên họp thường kỳ tháng 8 của Chính phủ và đề xuất với Thủ tướng đưa vào nghị quyết để chỉ đạo các bộ quyết liệt thực hiện.

MINH MẠNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/don-gian-hoa-cac-thu-tuc-kiem-tra-chuyen-nganh-hang-hoa-xuat-nhap-khau-515665