Dọn đường kế vị hay cuộc khủng hoảng trong hoàng gia Saudi Arabia?

Vụ bắt giữ các Hoàng thân được cho là dọn đường kế vị của Thái tử Mohammed, nhưng nó cũng cho thấy cuộc khủng hoảng trong hoàng gia Saudi Arabia.

Hai trong số các hoàng thân bị bắt hôm 6/3 là Ahmed bin Abdulaziz - em trai Quốc vương Salman (cha của Thái tử Mohammed) và Mohammed bin Nayef - cựu Thái tử và Bộ trưởng nội vụ. Cả hai đều từng được coi là những đối thủ tiềm tàng của Thái tử Mohammed trong danh sách kế vị.

Thái tử Mohammed bin Salman. Ảnh: ABC News

Thái tử Mohammed bin Salman. Ảnh: ABC News

Việc bắt giữ những người này cùng một số thành viên cấp cao khác dấy lên lo ngại rằng Thái tử Mohammed bin Salman (MbS) đang gạt những đối thủ sang một bên để chuẩn bị cho việc tiếp nhận ngai vàng từ người cha đã 84 tuổi của mình.

Các vụ bắt giữ làm dấy lên hoài nghi về sức khỏe của Quốc vương Salman, 84 tuổi. Tuy nhiên, các nguồn tin nói rằng ông vẫn khỏe mạnh. Truyền hình nhà nước Saudi Arabia hôm 8/3 cũng phát đoạn video ông chứng kiến lời tuyên thệ nhậm chức từ 2 tân Đại sứ của Saudi Arabia.

Dọn đường kế vị?

Reuters dẫn 2 nguồn tin có tiếp xúc với hoàng gia và một nhà ngoại giao cấp cao nước ngoài cho biết, Thái tử Mohammed lo ngại những Hoàng thân bất mãn với mình trong Hội đồng Tận trung có thể chuyển hướng ủng hộ sang Hoàng thân Ahmed và Hoàng thân Mohammed bin Nayef như những ứng viên tiềm năng nhất kế vị Quốc vương Salman.

“Đây là sự chuẩn bị cho cuộc chuyển giao quyền lực và cũng là một thông điệp rõ ràng tới các thành viên trong hoàng gia, rằng không ai có thể nói “Không” hoặc dám thách thức Thái tử”, một nguồn tin nói với Reuters.

Nếu Thái tử Mohammed, 34 tuổi, kế vị Quốc vương Salman, đây sẽ là cuộc chuyển giao quyền lực thế hệ đầu tiên kể từ sau khi Quốc vương sáng lập Abdulaziz Ibn Saud qua đời năm 1953 và 6 người con của ông thay nhau kế vị.

Một nguồn tin thân cận với Hoàng gia tiết lộ với Reuters rằng, Thái tử Mohammed có thể muốn dọn đường trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, với lo ngại rằng nếu Tổng thống Donald Trump thất bại, vị thế của ông sẽ bị ảnh hưởng.

Sự bất mãn trong hoàng gia

Một số nguồn tin nói rằng, các Hoàng thân bị bắt giữ với cáo buộc âm mưu đảo chính nhằm ngăn chặn sự kế vị của Thái tử Mohammed. Tuy nhiên, một vài nguồn tin khác đưa ra các lý lẽ ôn hòa hơn, theo đó các vụ bắt giữ là nhằm phản ứng trước một loạt các hành vi cư xử không đúng mực hơn là một âm mưu nhằm vào Thái tử.

Một nguồn tin nói rằng, khi tổ chức một buổi tụ tập truyền thống (còn được gọi là majlis), Hoàng thân Ahmed đã bày tỏ nghi ngờ về lập trường của Thái tử đối với một số vấn đề, trong đó có cả kế hoạch của Mỹ đối với xung đột Israel-Palestine.

Theo các nguồn tin, các thành viên Hoàng gia đang tìm cách thay đổi thứ tự kế vị và coi Hoàng thân Ahmed là một lựa chọn khả thi bởi ông nhận được sự ủng hộ của các thành viên hoàng gia, các lực lượng an ninh và một số nước phương Tây.

Hai thành viên khác trong Hội đồng Tận trung từng phản đối Mohammed bin Salman trở thành Thái tử năm 2017 đều là những người trẻ hơn và ít nổi bật hơn Hoàng thân Ahmed. Một trong 2 người này hiện đang sống ở nước ngoài.

Hội đồng Tận trung, bao gồm các thành viên từ mỗi chi trong 34 người con trai của Quốc vương sáng lập Abdulaziz Ibn Saud. Hội đồng được thành lập nhằm đảm bảo rằng các Hoàng thân từ các chi trong hoàng tộc sẽ đoàn kết ủng hộ tân vương.

Tuy nhiên, Thái tử Mohammed dường như giờ đây không còn nhận được đủ sự ủng hộ để có thể kế vị một cách suôn sẻ. Những người phản đối đã đặt câu hỏi về khả năng lãnh đạo của Thái tử Mohammed sau vụ sát hại nhà báo Khashoggi năm 2018 và vụ tấn công một cơ sở dầu mỏ của Saudi năm 2019.

Những hệ lụy từ cuộc “trấn áp”

Một số nhà phân tích, các nhà cựu ngoại giao và cựu quan chức có nhiều kinh nghiệm ở Saudi Arabia và cả những nguồn tin thân cận với Hoàng gia đều cho rằng, Thái tử MbS có thể đang muốn củng cố quyền lực một cách triệt để tới mức ông có càng ít điều lo ngại càng tốt.

Tuy nhiên, Mohammed là vị Thái tử nắm giữ nhiều quyền lực trực tiếp đối với các vấn đề của đất nước hơn bất cứ thời quốc vương nào trong hàng chục năm qua ở Saudi Arabia. Mặt khác, các thành viên hoàng gia vừa bị bắt giữ cũng ít khả năng có thể dấy lên thách thức đối với Thái tử Mohammed.

Nhân vật cấp cao nhất bị bắt giữ là Hoàng thân Ahmed bin Abdulaziz, hơn 70 tuổi, được cho từng có những bình luận gây sốc với các chính sách của Thái tử, nhưng sau đó ông đã tỏ ra phục tùng, ít nhất là về mặt công khai.

Cựu Thái tử Mohammed bin Nayef trên thực tế đã bị giám sát kể từ năm 2017, khi ông phải nhường lại vị trí Thái tử và Bộ trưởng Nội vụ cho Thái tử Mohammed hiện nay.

Theo các nguồn tin thân cận với hoàng gia, nhiều thành viên quan trọng khác trong hoàng gia cũng bị giám sát chặt chẽ, điều này hạn chế khá nhiều khả năng họ có thể tiến hành các âm mưu nhằm vào Thái tử.

Vụ bắt giữ mới nhất này sẽ chỉ càng càng khoét sâu thêm bất đồng giữa Thái tử MbS với các thành viên khác trong Hoàng gia Saudi.

Trong khi đó, “cuộc chơi vương quyền” của vị Thái tử 34 tuổi đang gây tranh cãi ở các nước phương Tây rằng liệu ông có thể trở thành một đối tác đáng tin tưởng hay không.

Mặt khác, một nhà ngoại giao nước ngoài nói rằng, vụ bắt giữ các Hoàng thân sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh của đất nước Saudi Arabia vốn vừa mới được khôi phục phần nào sau vụ bê bối sát hại nhà báo Jamal Khashoggi và những chỉ trích về sự can thiệp quân sự ở Yemen./.

Hoàng Phạm/VOV.VN
tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/don-duong-ke-vi-hay-cuoc-khung-hoang-trong-hoang-gia-saudi-arabia-1020145.vov