Đón dòng vốn nào?

Tin đầu tư hấp dẫn nhất tuần qua có lẽ là những đồn đoán chung quanh khả năng dây chuyền lắp ráp chiếc điện thoại iPhone cho Apple sẽ được FoxConn chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tuy đây chỉ là những thương lượng bước đầu và nguồn là từ phía Việt Nam chứ không phải từ Foxconn hay Apple, các bàn tán này khẳng định xu thế Việt Nam đang trở thành công xưởng sản xuất hàng hóa cho thế giới. Trước đây, cũng có tin việc sản xuất chiếc tai nghe Airpods cho Apple cũng sẽ được GoerTek chuyển từ Sơn Đông sang Việt Nam.

Có thể nói gì về sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài lần này? Trước hết, nhìn bề ngoài sẽ dễ nhận định dòng vốn chuyển sang Việt Nam là để tránh tác động xấu của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Xu hướng này là có thật nhưng không phải là tất cả câu chuyện. Với những dự án chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam để tránh mức thuế 10%, có lúc bị đe dọa lên đến 25% Mỹ áp lên hàng Trung Quốc, động lực dịch chuyển đến từ phía mua hàng, tức là phía nhà nhập khẩu Mỹ gây sức ép lên nhà sản xuất Trung Quốc. Vì thế nếu chi phí dịch chuyển cao hơn lợi ích thu được, họ sẽ cân nhắc lại kế hoạch tìm nơi sản xuất mới.

Một bài báo trên tờ South China Morning Post cho thấy điều đó: hàng loạt doanh nghiệp nhỏ và vừa Trung Quốc, dưới sức ép của bên đặt hàng đã tính đến chuyện di dời sang Việt Nam. Nhưng khi thấy Mỹ - Trung tạm “hưu chiến” để tiếp tục thương thảo, họ cũng tạm ngưng kế hoạch di dời vì chi phí thuê nhà xưởng tại Việt Nam ngày càng đắt đỏ. Số liệu của báo này đưa ra cho biết từ đầu năm đến nay có hơn 5.000-6.000 nhà máy ở Trung Quốc do người Hồng Kông hay Đài Loan làm chủ đã cử người sang thăm dò khả năng chuyển dịch cơ sở sản xuất sang Việt Nam. Chẳng lạ gì chi phí thuê đất tại đây tăng lên, như phí thuê 1 mét vuông đất trong 50 năm tại một khu công nghiệp ở Đồng Nai, theo báo này, đã tăng từ 60-70 đô la năm ngoái lên 90 đô la năm nay. Còn thuê nhà xưởng có sẵn tăng từ 3 đô la/mét vuông lên 4 đô la/mét vuông.

Vì thế không nên kỳ vọng vào dòng vốn “tránh thuế” kiểu này vì không bền vững. Giả thử Mỹ - Trung đạt được một thỏa thuận lâu dài, xem như dòng vốn loại này sẽ ngưng ngay. Dòng vốn tránh chiến tranh thương mại cũng sẽ làm giá nhà xưởng tăng vọt, gây khó khăn cho các nhà sản xuất trong nước; việc làm của công nhân cũng không ổn định, dễ tạo ra xu hướng nhảy việc và khan hiếm nhân lực tạm thời. Những doanh nghiệp muốn dịch chuyển sang Việt Nam để tránh thuế cũng sản xuất những mặt hàng tương tự mà Việt Nam đang xuất khẩu vào Mỹ như đồ gỗ, giày dép, đồ điện tử nên chúng sẽ cạnh tranh trực tiếp gây khó cho các doanh nghiệp đã hoạt động ở đây.

Dĩ nhiên chúng ta không thể có chính sách phân biệt, doanh nghiệp nào dời nhà máy vào đây để tránh thuế thì không ưu đãi; doanh nghiệp nào vào theo sự sắp xếp chuỗi cung ứng toàn cầu thì hoan nghênh. Nhưng dựa vào những đặc tính khác nhau giữa hai dòng vốn FDI này để có chính sách phù hợp là điều nằm trong tầm tay người vạch chính sách.

Tuy nhiên trong dòng vốn dịch chuyển vào Việt Nam còn do những yếu tố khác, mang tính lâu dài hơn. Đó là sự sắp xếp lại chuỗi cung ứng do Trung Quốc đang tiến lên những bậc thang mới, cao hơn nên chuyển giao các khâu thấp hơn cho các nước khác. Chính sách của Trung Quốc đang nhắm vào các ngành ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa, phát triển trí thông minh nhân tạo, hạn chế gây ô nhiễm môi trường nên đang khuyến khích sự sắp xếp này.

Bên cạnh đó, sự bấp bênh trong quan hệ Mỹ - Trung làm những nhà thiết kế các chuỗi cung ứng có sự tham gia của Trung Quốc phải cân nhắc khả năng phòng tránh rủi ro tắc nghẽn chuỗi. Sự sắp xếp này khác với nỗ lực di dời để tránh thuế trong ngắn hạn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Cách phòng tránh rủi ro là dịch chuyển một số khâu trong chuỗi cung ứng sang Việt Nam.

Việc dịch chuyển một phần dây chuyền lắp ráp iPhone sang Việt Nam, nếu diễn ra, không đơn thuần là để tránh mức thuế 10% hay 25%. Bởi xây dựng một nhà máy hoàn thiện những thao tác cuối cùng của sản phẩm thì dễ nhưng làm thế đâu đáp ứng được yêu cầu xuất xứ để tránh thuế nhập vào Mỹ? Vì thế để iPhone được sản xuất tại Việt Nam cần hàng tỉ đô la vốn đầu tư và một sự chuẩn bị, triển khai kéo dài nhiều năm chứ không phải chuyện ngày một ngày hai.

Dĩ nhiên, nhìn từ góc độ số liệu thống kê, dòng vốn FDI tăng cường vào Việt Nam theo con đường lâu dài là điều đáng hoan nghênh. Những thành tựu mà khối FDI đem lại nay cứ theo tỷ lệ mà tăng thêm bấy nhiêu lần, kể cả kim ngạch xuất khẩu, tạo công ăn việc làm, tăng trưởng GDP... Nhưng những khiếm khuyết mà khu vực FDI mắc phải cũng vì thế mà tăng thêm chừng đó lần: nền kinh tế phụ thuộc vào đầu tư nước ngoài, độ mở lớn nên càng chịu tác động của môi trường bên ngoài, nằm ngoài khả năng xoay xở của chúng ta...

Đã đến lúc phải chuyển những luận bàn bấy lâu về chọn lọc dòng vốn FDI phù hợp thành chính sách cụ thể. Dĩ nhiên chúng ta không thể có chính sách phân biệt, doanh nghiệp nào dời nhà máy vào đây để tránh thuế thì không ưu đãi; doanh nghiệp nào vào theo sự sắp xếp chuỗi cung ứng toàn cầu thì hoan nghênh. Nhưng dựa vào những đặc tính khác nhau giữa hai dòng vốn FDI này để có chính sách phù hợp là điều nằm trong tầm tay người vạch chính sách.

Điều cần lưu ý là các ngành công nghệ thấp, tạo ra giá trị sản xuất thấp lại dễ dịch chuyển hơn các ngành công nghệ cao, giá trị gia tăng cao; các ngành đòi hỏi cơ sở nghiên cứu và phát triển lại càng khó dịch chuyển hơn nữa. Vì thế làm sao để tránh tình trạng “ai vào sớm được dành chỗ” là điều cần tính đến trước tiên.

Thứ nữa, các vũ khí thu hút FDI lâu nay như ưu đãi thuế, tiếp cận đất đai... không nên tung ra một cách bừa bãi nữa, nhất là ở bình diện các địa phương, vẫn đang cạnh tranh nhau để thu hút đầu tư về cho mình. Bài học từ chuyện các thành phố đua tranh nhau để Amazon chọn làm trụ sở thứ nhì cho thấy cạnh tranh kiểu đó chỉ thiệt hại cho chủ nhà vì phải ưu đãi thuế quá nhiều trong khi cộng đồng dân cư không hưởng lợi được bao nhiêu lại chịu tác động của giá nhà cửa, giá sinh hoạt tăng cao. Ở đây cũng vậy các nhà đầu tư tiềm năng cân nhắc chọn lựa, ví dụ giữa Việt Nam hay Thái Lan để mở cơ sở sản xuất mới là cân nhắc trên bình diện quốc gia - các địa phương không nên nhảy vào cuộc đua xuống đáy để miễn thuế hay cấp đất như trước nữa.

Cũng cần chú ý đến một kênh mà dòng vốn FDI có thể chảy vào nhưng không qua bộ lọc mà nhà hoạch định chính sách có thể sẽ thiết kế. Đó là dòng vốn mua lại cổ phần hay góp vốn vào các doanh nghiệp trong nước, hiện đang tăng nhanh và rất đa dạng. Mọi chính sách điều chỉnh dòng vốn vào đúng lĩnh vực hay địa bàn chúng ta cần sẽ không còn tác dụng nếu FDI chảy vào theo con đường này.

Nguyễn Vũ

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/282803/don-dong-von-nao-.html